Mùa… ế thấy thương

08/03/2020 - 07:20

PNO - Chợ mùa dịch “ế thấy thương”. Khách lưa thưa quầy rau quầy thịt. Khu đồ khô chỉ toàn người bán, đến bãi xe ngày nào ken dày giờ cũng hắt hiu.

Chợ mùa dịch đường sá sạch bong, tiếng eo sèo ồn ã thường ngày đi đâu hết. Mới 10g sáng nhiều sạp thực phẩm đã lục tục dọn hàng. Xong buổi chợ rất sớm vì trưa chiều nắng nóng, càng không có khách. Bên kia đường, cô hàng bún, phở, bánh canh xoay qua nhổ tóc bạc cho cô bán rau đậu. Người ở chợ dựa vào nhau sống, giờ dựa vào nhau để tiếng thở than buông ra đỡ phần nào nỗi hụt hơi vì tiền hụt túi. 

Nhiều người tránh đến chợ, siêu thị... vì ngại chỗ đông người, nhưng sẵn sàng chen lấn để mua được hộp khẩu trang
Nhiều người tránh đến chợ, siêu thị... vì ngại chỗ đông người, nhưng sẵn sàng chen lấn để mua được hộp khẩu trang

Ừ thì mùa dịch ai cũng chung thiệt thòi, khó khăn. Nhà hàng ngày ngày lấy mối sỉ, giờ vắng khách còn mua bán gì nữa. Bếp ăn nhóm trẻ, lớp mầm non nếu vẫn thắp lửa thì cũng gọi là có mối quen bao tiêu, đủ trang trải tiền sạp. Giờ khách vắng, hàng ế, mỗi đêm chạy xuống chợ đầu mối lại bớt đi một kiện hàng, nếu không muốn phải trữ qua hôm sau hoặc bỏ vì hư hỏng.

 

Nghe nói siêu thị vắng khách nhưng doanh thu không giảm. Do khách đi siêu thị giờ mua hàng nhiều lắm, mỗi đơn hàng thường tiền triệu trở lên vì họ muốn giảm số lần ra đường. Cũng chính vì vậy, các mặt hàng mau hư hỏng rơi vào cảnh ế ẩm, cuối ngày phải tiêu hủy.

 

Mùa dịch, đi đâu cũng nghe tiếng thở than. Ngay những doanh nghiệp khổng lồ cũng phải nhờ nhiều đoàn thể hỗ trợ giải cứu trứng, sữa... Các anh xe công nghệ cũng kêu cứu, vì mùa dịch ai dám chui vào chiếc taxi, có mấy người ra đường mà dám đi xe ôm. Rồi thì bên ngành giáo dục, các thầy cô trường tư mất lương than thở có cách nào “giải cứu giáo viên”. Ngành du lịch thì thôi không bàn nữa. Gần như mất trắng doanh thu, thoi thóp nằm chờ qua dịch. Ai không trụ nổi bắt đầu lục tục treo biển trả mặt bằng…

Kim Ngân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI