Mua dưa cải cho ba!

26/01/2025 - 18:41

PNO - Tết năm nào ba cũng muối 1 khạp dưa chua ăn tết. Với ba, cái tết đủ đầy, ngoài bánh tét là phải có dưa cải chua. Vì ba mẹ thích cải chua, và vì "ăn cải chua đỡ ngán khi đã tiêu thụ quá nhiều bánh mứt, thịt cá, bánh tét".

27 tháng Chạp, sáng sớm, má rủ tôi đi chợ. Má nói, đi sớm không thôi chút xíu nữa là không còn gì mua đâu con. Má con tôi chuẩn bị ra khỏi cổng, ba tôi dặn với theo "Nhớ mua dưa cải cho ba nghe".

Bất giác, từng kỷ niệm chạy qua trong đầu tôi, thước phim ký ức bắt đầu quay chậm, tôi rưng rưng nhớ những ngày tết cũ.

Hồi đó, cứ qua tháng Chạp là gia đình tôi chộn rộn chuẩn bị ăn tết. Khoảng 25, 26 má đi chợ sắm tết. Má mua củ kiệu làm dưa món, mua đường chén để làm bánh in, mua trứng vịt, bột mình tinh để làm bánh thuẫn. Các nguyên liệu làm bánh mứt chủ yếu là "của nhà trồng được" đã chuẩn bị từ trước, má chỉ mua thêm những gì còn thiếu.

Má đi chợ về, khệ nệ một giỏ to rồi ngồi soạn ra, không bao giờ thiếu dưa cải Hồng Kông (cải dưa). "Món này mua cho ba" - má nói.

Ba rất thích các món muối. Nhà tôi hầu như quanh năm đều có món muối trong mỗi bữa cơm, lúc thì cà pháo, lúc thì dưa cải, xơ mít hay mùng muối.

Không phải từ thời còn nghèo mà cho đến tận bây giờ, sau mấy mươi năm, năm nào ba cũng muối dưa ăn tết. Với ba, cái tết đủ đầy không chỉ là có bánh tét, thịt kho, mà còn phải có món dưa chua.

Ngày 27 tết, tôi đã mua dưa cải cho ba
Ngày 27 tết, tôi đã mua dưa cải cho ba

Hồi đó, những ngày cận tết, trong khi má tất bật làm củ kiệu, rồi sên mứt gừng mứt bí, chuẩn bị nếp, đậu xanh, thịt mỡ, lá chuối để gói bánh tét, thì ba chuẩn bị khạp để muối dưa.

Sau này, dù đời sống không còn vất vả, đã có thể ăn ngon mặc đẹp, đã có thể mua nhiều món ngon vật lạ, thì bữa cơm ngày tết của gia đình tôi dẫu đủ đầy thịt cá, vẫn không bao giờ thiếu món truyền thống là dưa chua, nhất khi cả nhà ngán thịt với bánh chưng, bánh tét.

Cải chua ba muối theo "công thức" của bà nội. Cải mua về, ba tước từng bẹ đem phơi héo rồi đem bóp với muối cho hết chất cay, xong xuôi cắt khúc, rửa thật sạch, để ra rổ thật ráo và cho vô khạp. Ba bắc nước sôi rồi để nguội còn âm ấm thì cho muối vô, khuấy tan, đổ từ từ vô khạp dưa sao cho nước xăm xắp, cho thêm ít đường cát vàng lên bề mặt, đập ít củ tỏi, củ hành vô. Ba còn cho cả hành lá và mấy trái ớt chín đỏ hái ngoài vườn. Ba nói, để đường cho dưa cải nhanh chín, khi chín có màu vàng ươm đẹp mắt, còn hành tỏi có tác dụng làm cho dưa giòn và thơm. Đó là bí quyết mà bà nội chỉ cho ba. Lúc này, thế nào ba cũng kể những câu chuyện ngày tết lúc ba còn nhỏ, ở với nội.

Dưa ba muối chỉ khoảng 2 ngày là ăn được, đôi khi, dưa chưa kịp ngả màu vàng và vẫn còn cay, chị em tôi đã chạy ra chạy vô mở khạp ra "thăm", đứa nào cũng thèm.

Có năm, gần tết ba bị bệnh, nhỏ em gái út tôi xung phong "để con muối dưa cho". Dù ba đã chỉ từng chút, nhưng dưa năm đó không ngon, không đẹp và không giòn. Ba ăn thử, cười cười, "món này phải để cho ba".

Khạp dưa của ba làm được nhiều món, ngoài chấm nước mắm ăn cơm, còn có thể làm món thịt kho dưa cải, hoặc đem kho với thịt ba rọi (trữ sẵn ăn mấy ngày tết) chiên vàng, làm món "heo quay kho cải chua tại nhà" hay nấu canh cải chua gân bò, nấu canh cá, làm món cá chép om dưa.

Từ má đến chị em tôi, ai cũng biết, ngày tết, ba thôi không mê gì ngoài món dưa cải. Và ai cũng vậy, đi chợ tết luôn nhớ "mua dưa cải cho ba".

Thu Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI