Thú chơi tiền tỷ
Theo ông Trần Nhuận Vũ (Giám đốc kinh doanh tiếp thị của Tam Sơn, đơn vị chuyên cung cấp du thuyền và dịch vụ liên quan), hiện ở Việt Nam có khoảng 200 du thuyền các loại, trong đó có khoảng 100 chiếc được mua mới trong ba năm qua. Tốc độ này không quá nhanh nhưng đủ để tạo tiền đề cho sự phát triển trong tương lai gần, khoảng 3-5 năm nữa.
Cùng với đó là sự phát triển của các công ty chuyên cung cấp du thuyền ngoại nhập. Nếu như ba năm trước, chỉ có 3-4 đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực này thì nay con số đã tăng lên hơn 15.
Du thuyền có nhiều loại, bao gồm du thuyền triệu đô có đầy đủ tiện nghi với sức chứa lên đến vài chục người, thuyền cano 6-8 chỗ dành cho gia đình, thuyền thể thao lướt sóng, thuyền buồm... Dĩ nhiên, giá của chúng không hề rẻ.
Các loại du thuyền này hiện đều có mặt tại TPHCM. Có người xem đó là thú vui, vì đam mê với các hoạt động dưới nước. Nhưng, phần lớn các đại gia đều sở hữu thuyền nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ của gia đình, làm ăn, thể hiện đẳng cấp. Khi sự nghiệp kinh doanh phát đạt, những chiếc thuyền được đổi với kích thước lớn hơn.
Để sở hữu một chiếc du thuyền, ngoài chi phí rất lớn bỏ ra ban đầu, việc “nuôi” thuyền cũng là vấn đề không nhỏ. Thực tế, người sở hữu thuyền ít có thời gian sử dụng nhưng công tác bảo dưỡng vẫn phải thực hiện mỗi ngày, đặc biệt với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam, nội thất du thuyền rất dễ hư hỏng.
Thuyền nhỏ cần 1-2 người, thuyền lớn hơn cần khoảng 2-3 người dọn dẹp và đội ngũ kỹ thuật, chuyên gia. Công việc dọn dẹp, bảo trì của những thuyền lớn có thể lên đến 10 tiếng/ngày. người lái du thuyền phần lớn đều thuê từ nước ngoài. Tiền bến bãi hằng tháng với những tàu 10 mét khoảng 10-15 triệu đồng/tháng, với bến tiêu chuẩn. Thuyền càng lớn, chi phí này càng cao. Chưa tính, mỗi năm họ đều phải đưa thuyền đi bảo dưỡng định kỳ ở nước ngoài. Tổng lại, con số này có thể lên đến tiền tỷ mỗi năm.
Nhưng phần lớn tại TPHCM, du thuyền chỉ được sử dụng để đi trên sông Sài Gòn, xa hơn thì đến Cần Giờ, Vũng Tàu. Những thuyền ở Phú Quốc, Quảng Ninh cũng chỉ hoạt động khá gần bờ.
Giấc mộng có dễ?
Thị trường du thuyền có nhiều phân khúc nhưng phần lớn người Việt khi nhắc đến khái niệm này chỉ tập trung vào những chiếc có giá trị hàng triệu USD. Nhận thấy tiềm năng kinh tế hiện tại, nhiều đơn vị đang nhắm đến những phân khúc tầm trung.
Chẳng hạn, Tam Sơn cung cấp những thuyền cơ bản có giá vài chục ngàn USD. Bà Chu Thị Hồng Anh (CEO Yachting Vietnam) cũng vừa nhập về những dạng thuyền cano dành cho gia đình, giá dao động từ 100.000 USD đến 500.000 USD. Các dòng thuyền này cũng chú trọng về việc nâng cao độ bền, tiết kiệm nhiên liệu đến 30% để đáp ứng được tiêu chí lựa chọn của người dùng hiện tại.
“Việt Nam, ngoài hệ thống bờ biển thì sông ngòi cũng là một tài nguyên quý giá. Chúng ta thường có thói quen di chuyển bằng ô tô nhưng nếu dùng thuyền để đi từ TPHCM đến Châu Đốc sẽ thật thú vị vì chiêm ngưỡng được sự hùng vĩ, vẻ đẹp của hệ thống sông ngòi. Cách đây 20 năm, mua xe hơi chủ yếu để phục vụ công việc, còn hiện tại, nhiều gia đình sắm xe chỉ để đi chơi. Vì thế, trong tương lai, việc sở hữu du thuyền để đi chơi, tận hưởng sẽ phổ biến”, bà Hồng Anh chia sẻ.
Ông Đặng Thái Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp đóng tàu Việt Nam, cũng nhận định với thu nhập hiện tại của một bộ phận người Việt, việc sở hữu du thuyền tầm trung không phải là chuyện khó.
Hiện các công ty phân phối, cung cấp du thuyền cũng đang nỗ lực để nhiều người được hưởng dịch vụ này, thông qua việc cho thuê, trong trường hợp chủ sở hữu mong muốn và ít sử dụng. Tuy nhiên, hiện tại, so với thu nhập bình quân đầu người, giá cho thuê du thuyền vẫn còn khá cao, từ 10 triệu đồng/giờ đến hơn 160 triệu đồng/3 giờ, dẫu vậy không ít người vẫn chịu chi để tận hưởng dịch vụ mới mẻ này. Số lượng người thuê tăng khoảng 300-400% so với thời điểm hơn ba năm trước. Trong đó, phổ biến nhất là tour du thuyền ngắm sông Sài Gòn kéo dài khoảng ba tiếng, giá khoảng 30-50 triệu đồng.
Họ thường tổ chức sinh nhật, họp mặt, với số lượng thành viên tối đa cho một thuyền 13 mét là 12 người. Do đây là những sự kiện không diễn ra thường xuyên nên khách thuê thường không đắn đo khi rút “hầu bao”. Thức ăn có thể thuê nhà hàng nấu nướng trước, sau đó mang lên du thuyền hoặc thuê hẳn đầu bếp nấu tại chỗ. Khách thuê có thể mang bia và một số loại rượu.
Những gia đình có điều kiện thường thuê du thuyền đi các vùng biển như Cần Giờ, Vũng Tàu để có được trải nghiệm mới mẻ trong một ngày, từ 10 giờ sáng đến 8 giờ tối, chi phí khoảng 75 triệu đồng. Trên đường đi, khách có thể ghé chợ để mua hải sản, sau đó tự chế biến trên du thuyền. Thú chơi này đang rất được ưa chuộng. Trong thời điểm cuối năm, các công ty thường thuê du thuyền cỡ lớn để tổ chức tiệc VIP, họp mặt. Đây cũng là mùa làm ăn khá tốt của những đơn vị cho thuê du thuyền trong bối cảnh kinh tế ổn định.
Một nguồn thu lớn đang bị bỏ lỡ?
Ông Ngô Viết Đại Từ (CEO Tam Sơn) cho biết, doanh thu từ ngành công nghiệp du thuyền là 200 tỷ USD mỗi năm trên thế giới và nguồn lợi của nó còn lớn hơn nhiều với ngành du lịch, bởi du thuyền luôn phải gắn với việc phát triển điểm đến. Tại Phuket (Thái Lan), nơi được xem là thiên đường của loại hình du lịch bằng du thuyền, khách chỉ cần bỏ ra 30 USD đã có thể trải nghiệm du thuyền theo tour. Dù giá rẻ nhưng đây lại là một nguồn thu lớn cho du lịch địa phương. Tại Singapore, không khó để thấy những bến du thuyền với hàng trăm, thậm chí ngàn chiếc neo đậu.
Trong khi đó, Việt Nam với đường bờ biển dài, hệ thống sông ngòi chằng chịt, nhưng mọi thứ vẫn đang rất từ tốn, chưa có cú hích nào thực sự giúp thị trường phát triển mạnh hơn. Theo ông Đặng Thái Bình, có rất nhiều điều gây tắc nghẽn cho ngành công nghiệp này. Trong đó, những chính sách, quy định hiện hành còn nhiều bất cập, việc nhập khẩu du thuyền rất tốn thời gian, vì những thủ tục.
Chẳng hạn, tại Phuket, có hẳn chính sách riêng ưu đãi để ngành du thuyền phát triển. Hay tại khu vực Tam Á, khi du thuyền nước ngoài vào, chính quyền sẽ cấp visa để khách trên thuyền được sử dụng dịch vụ sở tại. Ngoài ra, hệ thống sông ngòi, biển của Việt Nam nói chung vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng. Bến bãi dịch vụ vẫn chưa thực sự tốt để hỗ trợ ngành công nghiệp này phát triển.
Lâm Thành Nguyễn