Mùa đông nhớ món hành kho

04/01/2025 - 06:25

PNO - Không phải hành phi, hành muối, cũng không phải thịt kho, cá kho, mà là hành kho - một món ăn thường tôi phải nhắc lại vài lần, người nghe mới nghe đúng tên gọi của nó.

Từ ngày cả nhà dọn vào Sài Gòn lập nghiệp, tôi cũng không thấy ai làm món hành kho. Không biết vì tôi chưa gặp chỗ bán hay thực sự món ăn này chỉ có ở quê tôi, do các bà, các mẹ ngày xưa sáng chế để có món đưa cơm những ngày khốn khó.

Món hành kho rất dễ làm. Củ hành tím lột sạch vỏ, đem ngâm với nước muối pha loãng cho bớt cay nồng. Hành ngâm chừng 1 tiếng, vớt ra để ráo, vậy là xong khâu sơ chế. Có người cắt củ hành làm đôi, có người thích xắt mỏng. Nhưng mẹ tôi luôn kho nguyên cả củ hành. Bà nói, hành kho nguyên củ ăn mới có vị ngọt, vị bùi vì còn giữ được chất hành, không bị lấn át bởi vị mắm, muối, gia vị.

Đợi hành ráo nước, mẹ bắc một chiếc nồi nhỏ lên bếp, bỏ thêm vào đó một muỗng mỡ heo. Hôm nào có thêm ít tóp mỡ thì càng tuyệt. Hành và mỡ dường như sinh ra dành cho nhau, bởi khi chúng vừa xáp với nhau là sinh ra một mùi thơm khó cưỡng.

Đảo nhanh tay cho những củ hành săn lại và chớm ngả màu vàng, đó là lúc mẹ tôi thêm vào nồi hỗn hợp nước mắm pha với chút đường, bột ngọt, nước màu. Nếu thích ăn mặn mà tiết kiệm nước mắm, có thể nêm thêm muối. Chờ cho củ hành thấm đều gia vị và nước cạn bớt cũng là khi nồi hành kho được nhấc khỏi bếp.

Hành kho ăn rất bắt cơm. Cơm nóng hổi vừa bới ra tô, chan thêm muỗng nước hành kho cho có màu, gắp củ hành kho vàng sẫm ăn chung trong những ngày cuối năm se lạnh là một cảm giác rất đặc biệt. Mẹ tôi nói, hành kho ăn vào mùa đông rất tốt cho sức khỏe, vì hành có vị ấm nóng, giúp cơ thể chống lại cơn lạnh, còn có tác dụng giải cảm. Ngày ấy, chị em tôi chỉ cần muỗng nước hành kho, thêm 2-3 củ hành kho là đủ ăn hết cả chén cơm.

Bây giờ, đi vào các nhà hàng, quán nhậu, khi ăn món nướng kiểu Nhật Bản, Hàn Quốc, thường thấy họ nướng kèm cả củ tỏi to rồi bóc ăn như một thứ rau củ thông dụng. Duy có món hành kho thì tôi chưa thấy ai làm, ai bán, ngoài mẹ và những người phụ nữ quê tôi. Ẩm thực là lĩnh vực thiên biến vạn hóa. Những món ăn có khi được tạo nên từ phút ngẫu hứng của một người nào đó, rồi vì hợp cảnh, hợp người mà lan truyền rộng rãi hơn chăng?

Những ngày này, ra đường đã thấy người ta bày bán củ kiệu, củ hành, củ cải đổ đống cho các bà các chị mua về làm dưa ăn tết. Tôi dặn con gái mua cho mình mấy ký củ hành, phần để làm dưa, phần để… kho.

Nghe tôi nói sẽ kho hành, con tôi tròn mắt ngạc nhiên: “Dưa hành ba làm cho mẹ vì đó là món khoái khẩu của mẹ thì con không nói làm gì. Nhưng ăn phở, một lát hành nhỏ ba cũng vớt ra cho bằng được mà giờ đòi làm hành kho?”. Nghe con nói, tôi cũng giật mình. Quả là tôi không chịu được mùi hành lá. Nhưng không hiểu sao món hành kho tôi lại có thể ăn ngon lành.

Có lẽ, ăn uống cũng là một thói quen, nhất là khi món ăn ấy được bà, được mẹ nâng niu, yêu thương nấu cho ta ăn trong những ngày thơ bé.

Thi Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI