“Mùa đông kinh tế” bao phủ nhiều quốc gia

12/12/2023 - 06:00

PNO - Cuối năm là mùa mua sắm sôi nổi với nhiều sự kiện như Halloween, Black Friday, Giáng sinh… Dù vậy, một số quốc gia đang đối mặt với "mùa đông kinh tế", khi sức mua của người dân rất yếu, thậm chí là đóng băng.

“Mùa đông kép” trước Giáng sinh

Doanh số bán lẻ trên khắp nước Anh đã giảm do tình hình kinh tế khó khăn, lạm phát cao tác động mạnh lên người tiêu dùng. Dữ liệu mới từ Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) cho thấy, doanh số bán lẻ giảm 0,3% trong tháng Mười, ở mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2022. Người tiêu dùng phải chi nhiều hơn 2,2% so với 1 năm trước để mua cùng một loại hàng hóa do giá cả tăng.

 Samantha Phillips - chuyên gia tại công ty tư vấn tài chính quốc tế McKinsey & Co. (Mỹ) - cho biết: "Dù có nhiều sự kiện để người dân mở tiệc ăn mừng nhưng tổng khối lượng thực phẩm và đồ uống bán ra vẫn giảm trong những tháng qua".

Người mua sắm đứng trước một cửa hàng trên phố Oxford, trung tâm London, Anh khi mùa mua sắm Giáng sinh bắt đầu - Nguồn ảnh: PA
Người mua sắm đứng trước một cửa hàng trên phố Oxford, trung tâm London, Anh khi mùa mua sắm Giáng sinh bắt đầu - Nguồn ảnh: PA

Không khí lễ hội ở Stockholm cũng giảm khi người dân Thụy Điển đối mặt với "mùa đông kinh tế", đánh dấu bằng cảnh báo suy thoái và lạm phát tiếp diễn, gây căng thẳng cho các hộ gia đình, doanh nghiệp. Petra Johansson - một người tiêu dùng - cho biết: "Chúng tôi sẽ không mua nhiều quà Giáng sinh như những năm trước và giảm chi tiêu khoảng 30%. Đây là điều không đứa trẻ nào muốn nghe, nhưng tôi hy vọng các con sẽ hiểu”. Cục Thống kê Thụy Điển cho biết vào tháng 11/2023, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã giảm ở quý thứ hai liên tiếp, báo hiệu suy thoái kinh tế về mặt kỹ thuật.

Theo HUI Research - viện nghiên cứu chuyên cung cấp số liệu thống kê, phân tích và dự báo cho lĩnh vực bán lẻ - nhiều gia đình Thụy Điển có kế hoạch cắt giảm chi tiêu. Giá các món ăn Giáng sinh truyền thống của Thụy Điển bao gồm jambon, cá muối, sô cô la và cam đã tăng đáng kể. Trong vòng 1 năm, giá cá trích muối tăng 25%, trong khi cá hồi hun khói đắt hơn 32%, giá cam tăng 72%. "Thực phẩm trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều, đặc biệt là khi tôi có đến 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn” - cô Petra Johansson nói.

Tiết kiệm để dự phòng

Suy thoái kinh tế chưa xảy ra ở Mỹ. Tuy nhiên, người tiêu dùng không cảm thấy lạc quan về triển vọng kinh tế. Cô Olivia Thomas - một chuyên gia giáo dục ở bang New Jersey - nói với kênh CNBC: “Tôi cảm thấy như mình luôn phải nín thở một chút để chờ xem điều gì sẽ xảy ra”. Khi những người như Olivia xem xét hoàn cảnh cá nhân của bản thân trước tình hình kinh tế rộng lớn hơn, họ bắt đầu điều chỉnh chi tiêu. Doanh số bán lẻ - không bao gồm xe hơi và gas - đã giảm 0,08% trong tháng 10/2023, theo số liệu của Liên đoàn Bán lẻ quốc gia Mỹ.  

Tiền thuê nhà, giá thực phẩm vẫn ở mức cao so với năm 2019; tình hình  chính trị thế giới căng thẳng khiến người tiêu dùng chọn cách tiết kiệm chi tiêu để dự phòng cho các tình huống xấu có thể xảy ra trong tương lai. Olivia là một trong rất nhiều người Mỹ đang phải chật vật đối phó với giá cả tăng vọt và lãi suất vay mua nhà cao. Nhìn về tương lai, Olivia chia sẻ: “Tôi nghĩ nền kinh tế sẽ có những thăng trầm và tôi hy vọng có thể mạnh mẽ vượt qua bất kỳ điều gì chờ đợi tôi phía trước”. 

Tấn Vĩ (theo Guardian, CNBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI