Dưới đây là 9 căn bệnh nguy hiểm vào mùa đông mọi người cần cảnh giác.
Viêm phổi
Mùa đông là mùa các bệnh phổi – phế quản phát triển mạnh do độ ẩm cao, khí áp thấp, sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm, các vi sinh vật phát triển thuận lợi gây nguy hiểm đối với người cao tuổi và trẻ nhỏ vì sức đề kháng cũng như khả năng chịu lạnh của 2 đối tượng này là rất kém.
Việc phòng viêm phổi trong mùa đông vì thế rất quan trọng: giữ ấm, tránh lạnh, tránh gió… Nếu thấy có các triệu chứng ho nhiều, sốt cao kéo dài, khó thở… bệnh nhân nên đến khám bác sỹ ngay để được điều trị kịp thời.
Bệnh tim
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) các nguy cơ về bệnh tim tăng nhanh trong suốt mùa đông. Các nhà khoa học giải thích do cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ lạnh có tác động đến sự hoạt động của tim. Đặc biệt ở những người không thường xuyên hoạt động thể chất hoặc có tiền sử bệnh tim.
Theo báo cáo của AHA, thời tiết lạnh khiến hàm lượng thủy ngân trong không khí giảm xuống, người bị bệnh tim có xu hướng bị đau ngực và khó chịu. Để giữ an toàn cho tim mạch, AHA khuyến cáo những người bị bệnh tim không nên lao động quá sức, tránh bị sốc gây nên những cơn đau tim, dẫn đến đột quỵ.
Trầm cảm
Hội chứng trầm cảm theo mùa (SAD) có thể diễn ra tại bất cứ thời điểm nào trong năm nhưng phổ biến nhất là vào cuối mùa thu hoặc đầu mùa đông và kéo dài cho tới mùa hè. Theo Học viện bác sĩ gia đình Hoa Kỳ, đối tượng dễ mắc bệnh SAD nhất là phụ nữ.
Biểu hiện phổ biến của bệnh là cảm giác buồn, lo lắng, thất vọng, có tội, vô dụng, có suy nghĩ tự tử, thấy mệt mỏi và dễ nổi cáu.
Nguyên nhân gây bệnh SAD vẫn chưa được làm rõ. Một số chuyên gia tin rằng bệnh có liên quan tới sự mất cân bằng các hóa chất trong não bộ giữ chức năng điều chỉnh giấc ngủ, năng lượng và tâm trạng.
Theo Hiệp hội tâm thần Hoa Kỳ, tiếp xúc với nhiều ánh sáng mặt trời sẽ giúp cải thiện các triệu chứng bệnh.
Hạ thân nhiệt
Những người dễ bị hạ thân nhiệt nhất là người già, trẻ nhỏ và những người có thói quen uống rượu. Một ngụm rượu nhỏ cũng có thể làm nhiễu khả năng của cơ thể trong việc điều chỉnh nhiệt độ.
Khi bị hạ thân nhiệt, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, đầu óc mơ hồ và xuất hiện những đợt rùng mình không kiểm soát. Tới khi không cảm thấy lạnh nữa, da của họ đã tái xanh, đồng tử giãn ra và không còn tỉnh táo nữa.
Theo các chuyên gia, nên tìm các biện pháp can thiệp kịp thời trong giai đoạn đầu của hạ thân nhiệt, trước khi các triệu chứng trở nặng hơn. Cách tốt nhất để giúp những người bị hạ thân nhiệt là quấn chăn xung quanh người cho tới khi cơ thể họ ấm trở lại.
Đột quỵ
Mùa đông khiến tình trạng bệnh cao huyết áp chuyển biến xấu hơn, nhiều khả năng dẫn tới suy tim hoặc đột quỵ.
Theo các nhà khoa học tại trung tâm y tế Cleveland (Mỹ), sự thay đổi lớn về nhiệt độ, từ ấm sang lạnh, làm tăng huyết áp, khiến mạch máu bị thắt lại. Mạch máu khi bị biến dạng sẽ dễ dẫn tới tình trạng phình động mạch chủ gây đột quỵ.
Tê cóng
Vùng trên cơ thể dễ bị tê cóng nhất khi tiếp xúc với không khí lạnh là mũi, tai, má, cằm, ngón tay, ngón chân. Khi bị tê cóng, da và các mô tế bào dưới da dễ bị tổn hại, trong một số trường hợp có thể gây hoại tử.
Theo Tiến sĩ Jeffrey Sankoff tại Trung tâm y tế Denver (Mỹ), triệu chứng phổ biến nhất của bệnh là cảm giác đau và da tái nhợt. Khi đã mất hoàn toàn cảm giác và vùng bị tê không còn đau nữa, như thế là bệnh đã chuyển sang mức nghiêm trọng.
Khi bị tê cóng, không nên chà xát vào vùng bị tê bởi như thế sẽ làm tăng mức độ tổn hại. Ngoài ra, không để vùng bị tê tiếp xúc trực tiếp với nhiệt như nước nóng bởi nước nóng có thể đốt cháy vùng da và các mô đã bị tổn hại. Thay vào đó, nên ngâm vùng bị tê vào nước ở nhiệt độ thường. Nên đi khám khi vùng bị tê bắt đầu rộp hoặc chuyển sang màu đen.
Dị ứng da
Những người bị dị ứng cơ địa thường rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, do đó khi thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh hoặc lạnh sang nóng đều bị nổi nốt đỏ từng mảng lớn, gây ngứa, khó chịu. Đặc biệt, khi thấy da có biểu hiện bị dị ứng, sẩn ngứa thì không được chủ quan, cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ chỗ vết dị ứng, chàm, không chà xát mạnh quanh vết chàm, dị ứng để tránh bị nhiễm trùng.
Hạn chế gãi, tránh da bị xước gây nhiễm trùng, viêm da. Mặc quần áo thật ấm, nhưng không quá chật, tránh những chất liệu dễ kích ứng da.
Cảm lạnh
Vào những ngày mùa đông, trời lạnh giá, nhiệt độ xuống thấp sẽ khiến cho bạn càng dễ mắc chứng cảm lạnh hơn bao giờ hết. Khi mắc cảm lạnh bạn sẽ bị đau họng, chảy nước mũi, khó thở, tiết nhiều nước mắt, đau các khớp, sốt, nghẹt mũi và ho.
Cách hữu hiệu nhất để “trị” chứng cảm lạnh là bạn cần tránh vận động khi không cần thiết, dành thời gian để nghỉ ngơi, bổ sung đủ lượng nước cơ thể cần, đặc biệt là nên uống thêm các loại nước quả.
Nhiễm độc Carbon monoxide
Carbon Monoxide (CO) là chất khí không màu, không mùi có nguồn gốc từ các khí đốt nhiên liệu. Mùa đông thường hay dùng lò sưởi, bếp hay máy phát điện là nguồn gốc của khí CO và có thể gây nhiễm độc. Các triệu chứng bị nhiễm độc CO là nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt.
Mai hoa ( Theo Health Grove)