Con nước tháng Năm gọi xuồng ghe tụ hội tấp nập bến sông. Ngoại kể cho đám con cháu đang bám đất thị thành nghe. Chợ mình nay xôm tụ, nước ngọt đồng rồi nghen bây. Mấy cây bẹo treo bánh ú lủng lẳng. Chừng thấy tết gần xịt rồi.
Tết nửa năm hay còn gọi là Đoan Ngọ. Hôm thằng cháu ngoại chở ra chợ nổi giữa khúc sông quê, ngoại ngồi hóng tết đã đời mới kêu ghe mua hàng. Ngoại mua đủ thứ, chất đầy lòng ghe, nói bi nhiêu là đủ ăn tết rồi.
Ngoại hay kể với thằng cháu mấy chuyện xưa. Hồi đó, bưng biền còn nghèo. Tết quẩn quanh đám quần áo mặc lại, cũ người mới ta. Mớ quần áo ai đó từ Sài Gòn gởi về cho, cả xóm bu nhau chia. Cục xà bông cô Ba nức tiếng cũng là thứ quà quý chỉ để dành đem ra cồn tắm. Hoặc như nết ăn nết ở của đám con, bà má kể ron rót. Sáng sớm đã rủ nhau ăn miếng cơm rượu nếp than được ủ từ năm bữa trước - loại nếp than tròn hột, không bị mối mọt, ngoại nấu chín rồi trải ra mâm, rắc mớ men rượu giã nhuyễn, thêm chút ruột cốt trộn đều xong đem đi ủ. Mùi nếp than thơm lừng quyện mùi rượu gạo ngòn ngọt khiến buổi sớm mai ngày Đoan Ngọ thêm phần hào hứng.
Mấy đứa nhỏ lùa vội chén cơm rượu đầu ngày rồi í ới gọi nhau, lận lưng cục xà bông thơm chạy ra cồn. Tiếng nhảy sông ì đùng vang động. Ở nhà, ngoại với mấy bà dì nhồi bột làm nhưn món chè trôi nước, nấu bánh ú nước tro, đổ bánh xèo, làm vịt từ sớm tới trưa mới xong mâm cúng. Bánh ú nước tro là món không thể thiếu được của người miền Tây mỗi bận tết nửa năm. Quanh nồi bánh ú của ngoại cũng lắm chuyện để kể. Hồi mấy đứa con còn nhỏ, dăm ba bữa trước Đoan Ngọ, ngoại đã biểu đi hái lá tre, rồi đốt rơm nếp để lấy tro. Chuyện tưởng dễ nhưng với đám con nít thì khác nào một trò vui tưng bừng bên đống lửa. Tro rơm ngoại đem lắng với nước, chỉ lấy phần nước trong trên lu. Lá tre ngoại trụng sơ nước sôi để dễ gói. Gạo nếp đãi sạch ngâm nước tro cả ngày trời rồi mới gói.
Bánh xèo nấm mối
Bánh ú nước tro gói bằng lá tre với phần nhưn đậu xanh sên lửa nhỏ dẻo mịn. Tay ngoại với mấy dì thoăn thoắt xếp lá, buộc dây lạt. Cái bánh hình tam giác nhỏ ú nần được buộc với nhau thành chục rồi đem luộc. Bánh chín đem ra mé chái bếp mà treo cho khô. Mấy đứa con lội giỡn ngoài cồn, chừng trưa trời thì kéo về tung tăng bên chái bếp giành ăn. Bánh xèo năm ba chảo đổ cũng không kịp với đám con nít đang cơn thèm, đói.
Bánh xèo tết Đoan Ngọ của miền Tây đặc biệt hay đổ phần nhưn bánh là nấm mối hoặc thịt vịt. Mấy cơn mưa đầu mùa rộ lên chừng năm bảy bữa là cứ lần ra ngoài vườn, nơi mấy gốc cây có đám lá ủ mục mà tìm ổ nấm. Nấm mối giòn ngọt, chỉ nở lum lúp thành búp ăn mới ngon.
Cái tết nửa năm cũng rộn ràng theo tâm thức của ngoại. Thằng cháu nghe kể bỗng bâng quơ nhìn ra sau nhà. Bao năm rồi ngoại cứ sắm sửa bày biện nhưng mâm cúng cứ ngày thưa dần đám con cháu. Tới năm dịch, nhà chỉ lui cui hai bà cháu. Riết rồi cái tết giữa năm của ngoại chỉ rốp rẻng theo lời nói qua điện thoại, kỳ thực mấy ai còn ra tắm cồn. Mấy món ăn quê mùa giờ người ta làm sẵn bày bán chứ công sức đâu mà ngồi làm nữa. Đâu còn mấy bà già xưa để tụ họp lại mà làm. Người mất, kẻ còn, người ở, kẻ đi. Bưng biền châu thổ đâu còn Đoan Ngọ như ngày cũ.
Dù thằng cháu có nói gì, ngoại cũng biểu tết Đoan Ngọ khó bỏ mấy món quê bởi chúng chính là hồn dân tộc, như phù sa chẳng thể thiếu của đất này.
Bánh ú nước tro
Thằng cháu ngoại học nông nghiệp, bỏ thị thành về quê sau hôm nghe tin ngoại trượt té ngoài sàn lãng. Thằng cháu đó được ngoại cưng nhất nhà. Hôm ngược cánh thiên di bỏ đời phố xá về miệt sông nước, nó chỉ nghĩ một điều đơn giản: đời ngoại còn có bao nhiêu mùa ấm bên chái bếp sau hè. Học nông thì về chín nhánh sông quê mình là phải rồi. Ai cũng bỏ bưng biền sải cánh chim di sống phận đời tha hương, mình ngoại lẻ loi ngóng mòn đến bạc đất quê, bạc lên màu tóc như tơ trời óng ánh. Có kẻ đi cũng phải có người về. Đất phù sa đời nào bạc đâu! Chỉ con người ta bạc với đất mà quên bùn non phấn thổ.
Chiều tháng Năm trời âm trầm, ngoại cơi bếp ấm, triền sông rực đỏ như nhắc nhớ thằng cháu ngoại bữa cơm đoàn viên. Thằng cháu ngoại điện thoại cho ba má, thả tin nhắn vào nhóm chat của anh chị em họ, kể chuyện ngoại đi chợ mua đồ gói bánh ú, ngoại lựa sẵn cặp vịt mập ú vườn nhà. Chiều ra vườn, thằng cháu thấy ngoại nói chuyện với mấy trái chôm chôm. Ngoại biểu tụi chôm chôm khoan chín bởi đám cháu con ngoại chưa về kịp.
Biết cái tết Đoan Ngọ này, còn ai xuôi cánh chim di mà quay về tìm chốn bằng an? Chừng nào đám sáo của mình ghé về hiên nhà rổn rảng, với mấy bà già quê như ngoại mới là bằng an.