Mua đồ ăn trên mạng hên xui như chợ cóc, hàng rong

17/09/2019 - 06:30

PNO - Tin vào quảng cáo nhà làm, hàng xách từ quê lên hay tin tưởng vì quen người bán… người mua không lường trước được những rủi ro.

Từ sở thích mua hàng của người quen, những người có ruộng vườn dưới quê gửi lên hay những thứ nhà trồng dùng không hết thì chia sẻ, đã dần xuất hiện nhiều hội, nhóm trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo chuyên trao đổi, mua bán thực phẩm tươi sống, tự chế biến gắn mác thực phẩm sạch, đồ nhà làm, đặc sản vùng miền. Tuy nhiên, không ít thứ được cho là “đặc sản ở quê” được gom từ nhiều mối rồi chào bán. 

Chợ cóc trên mạng

“Chợ” online được biết đến nhiều là trên Facebook, như chợ Ehome 2, Flora, Phố Đông, Sky 9, Anh Đào, The art, Jamila. “Chợ” này mỗi ngày đều rao hàng chục món ăn tự làm từ khắp nơi, bán chủ yếu cho cư dân trong các chung cư với gần 8.500 thành viên tham gia với đủ món: nem Chợ Huyện, trứng gà ác lộn, cá cơm mờm tươi đến mắm nêm, chả cá, bánh tày, bánh chưng, thạch dừa tự nấu, sữa chua nếp cẩm…

Mua do an tren mang hen xui nhu cho coc, hang rong
Hầu hết các loại thực phẩm tự nhận là nhà làm, hàng gửi từ quê... người mua chỉ có thể mua bằng niềm tin

Thực phẩm tự làm nên hầu như các sản phẩm đựng trong hũ, bịch, không có bất cứ thông tin cơ bản như nhà sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần, chất lượng. Người mua đôi khi chỉ biết người bán qua nickname, hay từ bình luận của những người mua trước bằng đánh giá cảm quan chứ hoàn toàn không biết rõ thực phẩm đến từ đâu, có đảm bảo an toàn hay không. Rất nhiều trường hợp người bán thuê đội ngũ “còm sĩ” vào chỉ để bình luận, làm “chim mồi” để thu hút khách.

Những hội, nhóm mua bán thực phẩm online cũng xôm tụ không kém. Ngoài thịt, cá, tôm, cua tươi sống, còn có các món ăn nấu sẵn như bún chả, bún riêu, bánh canh ghẹ cũng được rao bán theo kiểu “nhà làm”, “nhà nấu”. Nhiều người mua phó mặc chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ít trường hợp chỉ “cạch mặt” người bán khi bản thân và gia đình gặp sự cố. 

Chị Giang - kinh doanh quần áo ở Q.9, TP.HCM - cho biết, chị đặt mua hai hũ cà na dầm muối ớt và ba hũ cà pháo ngâm mắm nêm từ một người bán trên Facebook với giá 250.000 đồng, phí giao hàng 50.000 đồng vì nghe người bán rao tự tay làm, giòn ngon, đậm vị. Lúc mua về ăn thì không như quảng cáo: cà mềm nhũn, mắm nhạt, lại có mùi ôi chua; con gái chị bị đau bụng ngay sau bữa ăn. 

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên từng tiếp nhận, điều trị cho ba bệnh nhân trong cùng một gia đình bị ngộ độc thực phẩm với các biểu hiện loạn thần, co giật, hôn mê sâu. Theo người nhà bệnh nhân, trước đó, ba ông cháu đều uống bột ngũ cốc tăng cân được mua qua mạng. 

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo báo cáo mới đây của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, trong số những người tiêu dùng truy cập internet, có đến 98% đã mua hàng trực tuyến và một trong năm nhóm hàng họ thường mua là thực phẩm. Ông Nguyễn Anh Dzũng - Giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ đo lường bán lẻ của Nielsen Việt Nam - nhận định: “Việc mua hàng trực tuyến trong những năm gần đây đang có những bước chuyển đáng kể”. 

Thực tế, phần lớn thực phẩm rao bán trên mạng đều do người bán tự giới thiệu và không có gì chứng minh về khía cạnh an toàn, chất lượng. Một số ít người cẩn thận, chỉ chọn mua ở những mối quen hay những nơi đã có bạn, người thân từng mua đánh giá ngon, đáng tin cậy. Dù vậy, vẫn không thể đặt trọn niềm tin vào những loại thực phẩm không có nhãn mác, thương hiệu. 

Theo đánh giá của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, phần lớn sản phẩm bán qua mạng thường không kèm theo chứng từ chứng minh nguồn gốc rõ ràng và hợp pháp theo quy định pháp luật hiện hành. Người tiêu dùng rất khó kiểm tra chất lượng do sản phẩm được đơn vị giao nhận gửi đến.

Mua do an tren mang hen xui nhu cho coc, hang rong
Các loại thực phẩm không nhãn mác, không nguồn gốc bán tràn lan trên mạng xã hội khiến cơ quan chức năng phải ra khuyến cáo

Bên cạnh đó, thông tin liên lạc cùng danh tính thực sự của người bán cũng không rõ ràng và xác thực. Người bán thường là cá nhân và không đăng ký kinh doanh do không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định. Do đó, họ có thể tự do thay đổi thông tin địa điểm kinh doanh mà người tiêu dùng không thể lường trước được. 
Từ thực tế đó, đại diện ban này khuyến cáo: người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ các thông tin về thực phẩm mà mình muốn mua, về chủng loại (tươi sống, sơ chế hay đã chế biến); thành phần của sản phẩm, giá trị dinh dưỡng (bằng chứng khoa học về khả năng mang lại giá trị cho người sử dụng); yêu cầu về chất lượng sản phẩm theo quy định, thời điểm sản xuất, hướng dẫn sử dụng và điều kiện bảo quản.

Nên vào đúng trang web của cơ sở hoặc trang mạng xã hội của người bán và tìm hiểu thông tin phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm của cơ sở, cá nhân bán hàng.

Chỉ trong một tháng, ban này đã ra 84 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng tiền phạt gần 1,3 tỷ đồng, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm. Trong đó, có 46 cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc giấy chứng nhận đã hết hạn trên ba tháng, không có hồ sơ tự công bố, không nộp hồ sơ tự công bố đến cơ quan quản lý.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam mới đây đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra loại hình kinh doanh thực phẩm qua mạng, do chúng ẩn chứa nhiều nguy cơ về an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI