Mùa dịch, tôi vừa thành bà bán cá vừa thành giáo viên

27/08/2021 - 14:45

PNO - Tôi chưa từng nghĩ có một ngày, mình ngồi làm cá miệt mài để bán mưu sinh. Còn tối đến, tôi thay giáo viên chỉ con học chữ.

Những ngày đầu tháng 6, khi TPHCM bắt đầu áp dụng lệnh giãn cách xã hội cũng là lúc tôi mất việc. Mùa này, công việc trưởng cửa hàng thời trang của tôi khó mà trụ lại được khi mua sắm quần áo không phải là nhu cầu thiết yếu. 

Con nghỉ học, chồng tôi làm thiết kế công trình, công việc cũng đang tạm ngưng. Cả ba thành viên chưa bao giờ ở bên nhau nhiều đến thế. Một, hai ngày đầu tôi còn chưa quen. Có hôm ngủ dậy muộn, tôi cuống cuồng mở email, kiểm tra điện thoại. Những ngày dài kế tiếp, tôi dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp lại những món đồ hay bị nhét chỗ này, chỗ kia.

COVID-19 đến, việc giãn cách xã hội là cần thiết. Ai sao thì mình vậy, 15 ngày giãn cách hay có dài hơn thì vợ chồng cũng chấp nhận. Nhưng hết lần 1 lại đến lần 2 thành phố đóng cửa, vợ chồng tôi ngồi xuống tổng kết chi tiêu, ướm chừng nếu dịch cứ kéo dài và cả hai đều ở nhà không lương, e là những ngày tháng kế tiếp sẽ khó xoay xở.

Tôi chưa từng nghĩ có ngày minh thành bà bán cá quê.
Tôi chưa từng nghĩ có ngày, mình thành bà bán cá quê

Tôi bàn với chồng, nhờ ba mẹ ở Quảng Ngãi chuyển cá vào cho mình bán. Là mặt hàng thiết yếu nên thời điểm này bán chắc sẽ ổn, dù gì xung quanh khu tôi ở cũng biết vợ chồng tôi hay nhận đồ quê gửi vào, quanh năm chỉ ăn đồ quê, họ sẽ tin tưởng. 

Từ mờ sáng, chồng tôi ra trước đường quốc lộ để chờ nhận đợt hàng đầu tiên từ Quãng Ngãi gửi vào. Tôi ở nhà sắp đặt điện thoại, chọn góc quay sẵn để khi những thùng hàng vào sẽ quay trực tiếp cho khách xem. Tâm lý ai cũng vậy, đồ quê, tươi xanh và chất lượng, dù giá có nhỉnh hơn nơi khác một chút vì chi phí vận chuyển thì họ sẽ vẫn ủng hộ mình.

Quay cho khách xong, tôi bắt đầu phân loại và làm cá. May mắn cho tôi khi sinh ra và lớn lên ở vùng biển. Từ bé, tôi đã được thấy mẹ làm cá, lớn thêm chút, cỡ lớp 5, lớp 6 tôi đã biết đi chợ, làm cá và nấu ăn cho cả gia đình.

Ngày trước đi chợ, tôi có sở thích chụp ảnh những cô bán cá vì thích hình ảnh này.
Ngày trước đi chợ, tôi có sở thích chụp ảnh những cô bán cá vì thích hình ảnh này

Lúc đầu, nhìn những thùng hàng tôi có hơi ngộp vì đủ thể loại cá, mà mỗi loại lại có cách làm khác nhau. Trong khi khách hàng cũng chưa nhiều mà vợ chồng đã liều nhập một lúc 5, 7 thùng lớn, vốn đổ vào đây cũng không ít. Nhưng đâm lao phải theo lao, kiểu gì cũng phải cố gắng bán hết.

Ngày đầu được hàng xóm ủng hộ, một phần mọi người cũng ngại việc phải đi đến siêu thị, nguy cơ nhiễm bệnh cao. Các hẻm gần nhà cũng bị giăng dây, phong toả, “vựa” cá của tôi như hàng hiếm, túc tắc cũng được vài đơn một ngày. Cứ 3, 4 hôm hàng lại vào một lần.

Vợ chồng tôi chia việc rõ ràng. Anh khuân hàng, tôi quay trực tiếp để rao bán trên mạng xã hội. Tập nói từng ngày, bây giờ miệng tôi như có gắn sẵn công tắc, mở quay là lời tự động “tuôn”. Bán được hàng, vợ chồng lại đặt thêm đồ khô như cá khô, cá một nắng hay tôm khô… để mọi người có thể trữ dùng được lâu hơn.

Trong những ngày
Việc bán cá của tôi không gặp khó khăn vì tôi lớn lên ở miền biển 

Đợt dịch này vô tình biến người phụ nữ chẳng mấy khi đụng tới chuyện bếp núc, nhà cửa như tôi lại tần tảo, chịu khó hơn. Buổi sáng tôi tranh thủ nấu món gì nhanh gọn, rồi làm sẵn bữa trưa cho 2 cha con. Lo cơm nước xong tôi vào vai bà bán cá, đặt điện thoại sẵn bên để nghe khách gọi. Tối đến, khi mọi việc đã xong xuôi, tôi lại vào vai cô giáo dạy học cho con, vì nghỉ trên trường đã lâu nên bài vở con cũng quên sạch. Ngày nào, tôi lo cho con xong cũng đến tối muộn.

Nhưng đó là thời gian của những ngày thành phố chưa áp dụng lệnh giãn cách xã hội mới (trước 23/8), vợ chồng còn bận rộn bán cá quê cho mọi người. Còn nay, tình hình ship hàng gặp khó, vợ chồng tôi tạm nghỉ vài hôm coi như "xả vai" chờ khi thành phố có lệnh mới.

Có thời gian nhiều hơn, tôi nấu nướng cho hai cha con đàng hoàng, bày nhiều món ngon để cùng làm. Nhưng điều tôi lo lắng là năm học mới bắt đầu trong tình cảnh dịch bệnh, con nhỏ phải học online mà khó khăn nhiều quá. Có lần nhìn thấy con học mà tôi xót xa, không có giáo viên kề bên cầm tay chỉ dạy nên cháu dễ nản, không theo kịp. Tôi với chồng cũng chỉ dạy được căn bản, không có chuyên môn sư phạm nên sợ có sai sót nào, lại khó cho con sau này khi tiếp cận cách dạy của thầy cô.

Năm học mới đến nhưng sách vở con không có, tôi mượn được bộ sách cũ của nhà kế bên để xem qua lớp 3 sẽ học những gì. Hai vợ chồng tìm cách để con dễ hiểu bài, làm sao cho cháu không chán, học hành nghiêm túc và xem ba mẹ như thầy cô trên trường. Nhiều lúc tôi thấy khổ cho các con quá nhưng trong cảnh khó chung, mình cung như nhiều ba mẹ khác, cố gắng hết sức vì con. 

Có đêm, vợ chồng tôi ngồi hủ hỉ tâm sự, tôi nói với anh: “Thời điểm này vợ chồng mình còn có việc để làm, có đồng vào đồng ra, nghĩ cũng may mắn quá anh à”. Anh ừ một tiếng đồng tình rồi trêu tôi: “Dạo này vợ xài mùi nước hoa gì mà thơm thế, mùi biển là không đâu có à nghen”. Vợ chồng tôi cứ thế, trêu đùa nhau để giữ tinh thần lạc quan. 

Dịch bệnh đến và làm thay đổi mọi kế hoạch sẵn có của gia đình nhỏ. Hỏi có buồn không thì chắc chắn có, nhưng đời người cứ như dòng nước, muôn chướng ngại vẫn phải thích nghi, luồn lách.

Thu Thuỷ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI