Mùa dịch, nở rộ “ăn mày” cõi mạng

08/10/2021 - 06:43

PNO - Dịch bệnh kéo dài khiến cho những hoàn cảnh cần được giúp đỡ cũng ngày càng nhiều. Thế nhưng, không ít kẻ đã lợi dụng hoàn cảnh, lợi dụng lòng thương người để tự biến mình thành kẻ “ăn mày” và lừa đảo.

Mới đây, Quàng Thị C., 22 tuổi, hộ khẩu ở huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, đã bị phát hiện là kẻ “ăn mày chuyên nghiệp” trên mạng xã hội.

Quàng Thị C. dùng nhiều thân phận khác nhau để kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người
Quàng Thị C. dùng nhiều thân phận khác nhau để kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người

Để “móc túi” được của nhiều người, C. đã bịa ra nhiều “hoàn cảnh bi thương” cho mình, khi thì “chồng nghiện, mẹ đơn thân nuôi hai con nhỏ, mất việc làm vì dịch”, lúc lại “là người dân tộc, gia đình nghèo”, “con mới đi Bệnh viện Bạch Mai”, “bố bị ung thư, mẹ đang nằm viện”… Và C. còn đưa cả hình ảnh hai con nhỏ lên mạng xã hội. Không cầm lòng được trước “hoàn cảnh” của C., chị Đỗ L.A. (Hà Nội) đã chuyển cho cô ta 500.000 đồng mà không chút đắn đo. Được đằng chân lân đằng đầu, ngay hôm sau C. lại nhắn tin cho chị L.A. thống thiết: “Chị xem giúp em 100.000 - 200.000 đồng với. Em cầu xin chị. Tiền chị giúp hôm qua em đã mua kiện mì và gửi về mua sữa cho cháu. Em rất ngại, nhưng chủ trọ chửi em nhục quá em mới phải như vậy”. Chị L.A. không phản hồi thì ả lại tiếp tục nhắn tin hối thúc. Thế là chị L.A. lại chuyển cho C. 200.000 đồng. Thế nhưng, chỉ hơn một ngày sau cô ta lại “Chị ơi cứu em lần cuối, ba em đang nằm viện được một tháng rồi, bị ung thư, đóng viện phí còn thiếu 300.000 đồng…”.

Chị L.A. cho biết, chị biết C. đi xin trên các nhóm khác nhau, nhưng cứ nghĩ cô ấy thực sự khó khăn nên mới nhờ tới sự trợ giúp. Nhưng sau đó, chị vô tình biết cô ta không chỉ dùng một tên mà còn “thay tên đổi họ” để ăn mày khắp cõi mạng. 

Một người tốt bụng khác là chị H.P., sau khi biết C. đang thuê trọ cách nhà mình không xa, đã bảo cô ta đến nhà chị cho gạo và mì tôm. Nhưng C. đã viện đủ lý do để từ chối và chỉ muốn  xin tiền.

Thế rồi, cái trò “hóa trang thành kẻ ăn mày” của Quàng Thị C. cũng bị lộ. Theo chính quyền địa phương nơi C. thường trú thì gia đình này khá giả, bố mẹ có cơ ngơi, chứ không khó khăn như nhiều người khác! C. cũng bị vạch mặt đã “lê la” xin xỏ khắp các hội nhóm phía Nam.

Trường hợp khác, trước sự kêu cứu thống thiết của một nhóm nữ lao động tự do, tuổi trung niên ở quận Bắc Từ Liêm, chị Lê M.S. đã lặn lội chạy xe máy hơn mười cây số từ quận Hoàng Mai mang theo gạo, mì sang tiếp tế. Điểm hẹn là gầm cầu Thăng Long. Đến nơi, dưới ánh đèn vàng vọt, chị thấy nhóm phụ nữ sồn sồn đội nón, che kín mặt đang nhận quà của nhiều người khác.

Thấy họ đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều người khác rồi nên chị S. quay xe. Còn chưa kịp qua đường thì nhóm người kia phát hiện và rầm rập đuổi theo gọi. Chị S. hoảng hốt tăng tốc. Tìm kiếm trên mạng xã hội, chị S. mới biết nhóm người nói trên đã nhận được rất nhiều nhu yếu phẩm. Có người còn kể đã bị nhóm này rượt đuổi, chửi bới.

Điều dễ nhận thấy trên mạng xã hội là hễ thấy ai bình luận hỏi han người đang xin giúp đỡ là những “ăn mày chuyên nghiệp” sẽ “đu theo” để kiếm ăn. Mọi tin nhắn gửi đến đều có nội dung khá giống nhau như: không còn tiền trả cho chủ trọ, con hết sữa, nhà không còn gì ăn… Chị L.A. lắc đầu: “Không thể ngờ làm việc thiện nguyện mà mình lại gặp nhiều phiền phức và bị xúc phạm đến thế!”. Chị kể, có hôm chị trở thành con nợ vì bị bủa vây đòi cứu trợ, bị áp đặt số lượng quà, thậm chí bị chửi vì chưa trả lời tin nhắn…

Nhưng với chị, buồn nhất là có những người không khó khăn mà vẫn đi xin. “Có lần, một gia đình xin hỗ trợ khẩn. Họ kêu, nhiều ngày không còn gì ăn ngoài mì tôm. Tôi mang lương thực, thực phẩm đến cho thì thấy cả nhà đang ngồi ăn cơm đường hoàng, trong nhà dựng toàn xe máy đắt tiền. Lần khác, tôi mang đồ đến giúp một thanh niên mới lớn. Đến điểm hẹn là một tiệm net, tôi gọi điện cho cậu ấy thì thấy cậu ấy cầm điện thoại đứng lên từ một máy chơi games” - chị L.A. thất vọng. 
“Lá lành đùm lá rách” là truyền thống tốt đẹp, đáng quý của người Việt. Thế nhưng, nó đang bị “bôi bẩn” khi không ít kẻ bất lương đã lợi dụng để trục lợi. 

Hàng chục tỷ đồng bị chiếm đoạt

Thời gian qua, cơ quan công an đã phát hiện một số đối tượng có hành vi lợi dụng dịch COVID-19 tạo các tài khoản mạng xã hội với danh nghĩa hoạt động từ thiện và đưa những bài viết (đều không có thật) kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà hảo tâm. Riêng với một số đối tượng đã được cơ quan chức năng bóc gỡ, số tiền chiếm đoạt đã lên tới hàng chục tỷ đồng. 

Cơ quan công an làm việc với đối tượng có hành vi tạo dựng “hoàn cảnh” để lừa tiền từ thiện trên mạng xã hội
Cơ quan công an làm việc với đối tượng có hành vi tạo dựng “hoàn cảnh” để lừa tiền từ thiện trên mạng xã hội

Mùa dịch kéo dài, nhiều địa phương phải giãn cách, các đối tượng “ăn mày cõi mạng” cũng mọc lên như nấm. Nhóm “Hà Nội - giúp nhau mùa dịch” - một nhóm có hơn 76.000 thành viên tham gia, hoạt động thiện nguyện nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thủ đô - đã bị không ít đối tượng lợi dụng đưa những bài viết “kêu than” lên để trục lợi. Chưa đầy ba tuần sau thành lập, nhóm đã phát hiện một số trường hợp vào nhóm trục lợi nên đã phải ra thông báo khẩn: Nhóm chỉ hỗ trợ nhu yếu phẩm đối với những hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội, thông qua chính quyền địa phương. Không hỗ trợ tiền, không xem xét các trường hợp kêu gọi ủng hộ đơn lẻ. Nhóm cũng yêu cầu các nhà hảo tâm không dễ dãi chuyển khoản, tránh bị lợi dụng và biến nhóm trở thành nơi cho các đối tượng lừa đảo lợi dụng.

Ban quản trị của nhóm cũng cho biết đã có danh sách các đối tượng có dấu hiệu lừa đảo và trục lợi. Trong số đó, có đối tượng chỉ sau ít ngày đã nhận được vài trăm triệu đồng. Một số đối tượng đã tạo rất nhiều tài khoản Facebook và “kể khổ” khắp nơi nhằm thu lợi bất chính từ lòng thương của cộng đồng. Bộ Công an cho biết đã nắm được nhiều sự việc như trên và sẽ điều tra, xử lý.

 Minh Tuệ
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI