Mùa dịch, người thiếu việc nhưng việc cũng thiếu người

06/08/2021 - 07:12

PNO - Hiện đang có một nghịch lý là nhiều người lao động thất nghiệp trong khi doanh nghiệp lại không tìm được người làm.

Dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Hiện đang có một nghịch lý là nhiều người lao động thất nghiệp trong khi doanh nghiệp (DN) lại không tìm được người làm.

Thiếu người do khu dân cư bị phong tỏa

Khi UBND TPHCM ban hành quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Công ty TNHH Datalogic Việt Nam đã ráo riết chuẩn bị 240 chiếc giường tầng và lắp ráp các vách ngăn buồng lưu trú cho người lao động ở nhà máy. Công ty còn thuê thêm khách sạn ở Q.1 cho khoảng 180 nhân viên và sắp xe đưa rước họ hằng ngày theo ca làm việc. 

Căng-tin 5K trong Công ty TNHH Datalogic Việt Nam
Căng-tin 5K trong Công ty TNHH Datalogic Việt Nam

Để sản xuất theo mô hình “ba tại chỗ”, công ty phải tốn thêm nhiều chi phí, nhưng đây chưa phải là điều khó nhất. Khó khăn lớn nhất của họ là thiếu nguồn nhân lực trầm trọng trong đợt dịch thứ tư này. Hiện nay, hiệu suất sản xuất của công ty thấp do thiếu lao động có tay nghề vận hành máy móc dẫn đến mất nhiều thời gian hơn để hoàn tất đơn hàng, chất lượng sản phẩm cũng không đảm bảo.

“Chúng tôi và nhiều doanh nghiệp (DN) khác đang thiếu nhân lực trầm trọng do có nhiều người lao động lưu trú trong khu vực phong tỏa. Ngoài ra, nhiều người lao động có con nhỏ hoặc có việc riêng, không thể ở lại công ty. Với tình hình dịch bệnh thế này, chúng tôi cũng không thể tuyển thêm người để thay thế. Hiện chúng tôi vẫn phải tăng thêm tiền làm việc ngoài giờ cho công nhân trực tiếp cũng như gián tiếp để khuyến khích họ làm thêm, bù cho nhân sự đang thiếu hụt, nhưng năng suất và chất lượng đều không được như trước” - đại diện Datalogic Việt Nam cho hay.

TPHCM có hơn 3.000 điểm phong tỏa nằm rải rác khắp các quận, huyện. Người lao động sống trong các khu vực phong tỏa không đi làm được trong khi công ty lại thiếu người. Ông Joseph Perucca - Tổng Giám đốc Công ty TNHH GIVI Việt Nam - cho hay, số lượng nhân viên hiện hữu chỉ đủ để sản xuất ở mức độ cầm chừng: “Việc sắp xếp cho nhân viên làm việc “ba tại chỗ” tuy khó nhưng chúng tôi vẫn thực hiện được. Nhân viên của chúng tôi dù làm việc tại nhà máy hay tại nhà đều đang cố gắng tăng năng suất. Nhưng với số lượng nhân viên hiện có, chúng tôi chỉ có thể sản xuất được khối lượng hàng ở mức độ tối thiểu. Điều này gây ảnh hưởng dây chuyền đến các đối tác quốc tế đã ký hợp đồng với chúng tôi. Hiện nay, chúng tôi không thể cung cấp kịp hàng cho thị trường nước ngoài”.

Doanh nghiệp ngưng sản xuất, người lao động mất việc

Trong khi nhiều DN đang thiếu người thì lại có những DN thừa người. Họ không thể sắp xếp cho tất cả nhân viên ăn ở tại chỗ làm hay tổ chức xe đưa rước công nhân theo mô hình “một cung đường, hai địa điểm” được. Đại diện một công ty đóng gói bao bì dược phẩm ở Q.Tân Bình cho hay, tất cả nhân viên đều tự nguyện dời vào công ty ở trong thời gian giãn cách xã hội. Ai được chọn đều cảm thấy may mắn vì còn nhiều người nữa muốn được chọn nhưng điều kiện công ty chưa cho phép. Ban lãnh đạo nhà máy phải trấn an họ rằng, chỉ ngừng công việc tạm thời.

Ngoài một số DN vẫn duy trì được hoạt động sản xuất, nhiều DN ở nhiều ngành nghề khác nhau phải tạm đóng cửa và người lao động phải tạm mất việc làm. Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, 87,2% DN bị ảnh hưởng ở mức phần lớn hoặc rất tiêu cực bởi COVID-19, 70.209 DN đã rút lui khỏi thị trường, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. 

Anh Lưu Phú Long Hưng - ở Q.3, làm trong ngành du lịch - cho hay, từ năm ngoái đến nay, anh mất việc liên miên. Khi đợt dịch đầu tiên bùng phát, anh phải ở nhà bốn tháng. Làm lại được vài tháng thì nhà hàng nơi anh làm việc phải đóng cửa vì dịch, chủ không có tiền trả lương. Đến năm nay, anh vừa có việc làm lại thì các nhà hàng phải đóng cửa tiếp. 

Hai tháng qua, khi ở nhà chờ việc, anh Long Hưng chỉ được chủ nhà hàng hỗ trợ 3 triệu đồng. Anh không trách họ vì biết rằng, họ cũng đang phải gồng gánh chi phí mặt bằng và hỗ trợ các nhân viên khác: “Tôi làm đầu bếp ở nhà hàng lâu năm nên chuyển sang ngành khác là rất khó. Thời điểm này, tôi cũng không biết đi xin việc ở đâu. Vì vậy, dù kinh tế khó khăn, tôi vẫn ở nhà chờ việc thôi. Đồng nghiệp của tôi đã nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng theo gói hỗ trợ 887 tỷ đồng của UBND TPHCM, riêng tôi vẫn chưa thấy cán bộ phường liên hệ để hỗ trợ dù nghe đâu gói này đã hoàn tất”. 

DN đóng cửa kéo theo làn sóng thất nghiệp của người dân. Trong những ngày qua, nhiều đoàn tàu, xe đã đưa công nhân mất việc ở TPHCM và các tỉnh lân cận về quê Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Bình và Nghệ An… Sáu tháng nay, có tới 1,1 triệu người thiếu việc làm, nghĩa là thêm 48.200 người gia nhập đội quân thất nghiệp, tính từ cuối năm ngoái. Theo Tổng cục Thống kê, người dân ở khu vực thành thị mất việc vì COVID-19 nhiều hơn do dịch bệnh trong các khu đô thị diễn biến phức tạp hơn. 

Tại TPHCM, trong số DN do Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI) khảo sát, số người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là 125.277 người. Trong đó, có 115.054 người bị giãn việc, 3.044 người bị tạm hoãn hợp đồng lao động, 2.944 người tạm nghỉ việc có hưởng một phần lương, 2.731 người tạm nghỉ việc không hưởng lương và 1.504 người bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc cho thôi việc. 

Số lao động trong các DN được khảo sát giảm 65.000 người so với quý trước, dẫn đến sự dịch chuyển của họ sang công việc phi chính thức. Số lượng người làm việc phi chính thức chiếm 57,4% lực lượng lao động. Công việc của họ vốn đã bấp bênh, nay còn khó khăn hơn do giãn cách xã hội. Không có việc làm, họ sẽ không có thu nhập và không có cơ hội để phát triển kỹ năng nghề. Vì vậy, họ thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất trước các tác động bên ngoài.

Đẩy mạnh hệ thống an sinh xã hội

Hiện nay, người lao động cũng chưa dám hy vọng tình hình sáng sủa trong sáu tháng tới. Theo dự báo của FALMI, trong sáu tháng cuối năm nay, sẽ có thêm nhiều DN cắt giảm nhân lực; DN tư nhân chiếm phần lớn trong số này và có tới 46,47% trong số họ dự kiến cắt giảm lao động. 

Cuộc sống khó khăn do dịch COVID-19 nên nhiều người phải rời TP.HCM về quê tránh dịch.Trong ảnh: Người dân đi tàu về ga Huế đang chờ làm thủ tục đưa đi cách ly tập trung. Ảnh: Thuận Hóa
Cuộc sống khó khăn do dịch COVID-19 nên nhiều người phải rời TPHCM về quê tránh dịch.Trong ảnh: Người dân đi tàu về ga Huế đang chờ làm thủ tục đưa đi cách ly tập trung - Ảnh: Thuận Hóa

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường lao động Navigos Search, người lao động mất việc sẽ khó tìm việc hơn vì sắp tới, sẽ có một số ngành nghề hạn chế tuyển nhân viên. Trong sáu tháng tới, ngành điện tử, cơ khí và đồ gỗ ở khu vực phía Nam sẽ phải sản xuất cầm chừng do thị trường trong và ngoài nước đang bị COVID-19 gây ảnh hưởng. Ngành dược và thiết bị y tế, ngành sản xuất hàng tiêu dùng vốn nằm trong danh mục các ngành hàng thiết yếu cũng giảm tuyển dụng do khối sản xuất của các ngành này hoạt động với công suất thấp để tập trung chống dịch.

Vì vậy, ông Phạm Kim Cương - người sáng lập Cohost AI - kiến nghị Nhà nước công nhận mô hình kinh tế chia sẻ, dựa trên sự thành công của Uber, Airbnb ở nước ngoài. Mô hình này giúp giảm bớt gánh nặng về tài chính và cơ sở vật chất, giúp DN trong nước có đủ lực chống chọi với dịch và phát triển trong “trạng thái bình thường mới”, qua đó tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, việc phát triển mô hình kinh tế chia sẻ sẽ nâng số người lao động phi chính thức lên cao. Do đó, cần có các biện pháp để bảo vệ lực lượng này, trong đó có quyền lợi về bảo hiểm xã hội. Ông André Gama - phụ trách chương trình an sinh xã hội của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam - cho rằng, Việt Nam nên mở rộng cánh cửa cho đối tượng này. Theo đó, nên miễn giảm phần đóng góp để người lao động phi chính thức có thể tham gia bảo hiểm xã hội. Chính phủ cũng nên giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính để giúp họ tiếp cận với các chương trình hỗ trợ COVID-19 nhất định. Đại dịch lần này là cơ hội cho Việt Nam để suy ngẫm về việc đẩy mạnh hệ thống an sinh xã hội, từ đó có khả năng đối phó với những cú sốc tương tự. 

Mỹ Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI