Mùa dịch giữ con cho hàng xóm

09/05/2021 - 06:00

PNO - Mùa dịch, giúp người cũng như giúp mình để cùng tồn tại, cùng chiến đấu. Ai chuẩn bị kỹ càng, kiên cường hơn sẽ thắng.

​Sáng sớm, tôi vừa bật wifi và mở điện thoại đã thấy tin nhắn đổ xô đến. Là cô em hàng xóm nhắn tin: “Tuần sau hai đứa nhà em nghỉ học, bác trông chúng nó giúp em”. 

Một tin nhắn khác cũng của hàng xóm: “Em nhận được thông báo của trường mà ngất suốt mười lăm phút, may quá nhớ đến bác nên em tỉnh ngay ở phút thứ mười sáu”.

Tổng cộng có năm tin nhắn với nội dung là bảy đứa trẻ từ lớp Chồi đến lớp Bốn sẽ được giao cho tôi trông coi, khi trường lớp tạm thời đóng cửa tránh dịch.

Bố mẹ chúng nó thậm chí còn soạn ra một bản cam kết rằng sẽ nấu ăn sáng trưa và gửi đồ ăn xế cho con, tôi chỉ việc mở hộp ra và canh cho chúng nó ăn. Xong xuôi thì lùa chúng đi ngủ, ngủ dậy thì ăn xế và lại chơi....

Nghĩa là phụ huynh của đám trẻ sẽ làm hết mọi việc vì biết hai con tôi đã lớn, tôi không quen chăm trẻ con. Dẫu biết tôi vụng về, nhưng họ vẫn bám víu có phần ăn vạ vì tôi mới nghỉ hưu. 

Thay vì hưu xong tôi sẽ có chuyến du lịch xả hơi, nhưng dịch giã thế này đi đâu, ở nhà một mình chán lắm, có đám trẻ cũng vui cửa vui nhà.

Và thay vì tuần sau mới chính thức giữ, sáng thứ Bảy, đám trẻ đã được đưa tới làm quen. Dù là hàng xóm ở chung cư, nhưng chúng tôi coi nhau như chị em nên các em nhờ tôi không đành từ chối.

Trường nghỉ mà cha mẹ vẫn phải đi làm nên con cái biết gửi đâu khi ông bà hai bên ở quê xa.

Mà nghỉ ở nhà trông con thì không thể. Mất việc thì lấy đâu tiền hàng tháng vẫn phải trả nợ ngân hàng vì vay mua nhà, mua xe.

Không thể từ chối, tôi thu dọn nhà cửa, bàn ghế tạm thời gom vào sát tường​, những vật dụng có đầu nhọn được nhét hết vào phòng ngủ của con trai lớn.

Tôi tranh thủ tìm mấy tờ báo, ít cuốn truyện và moi trong tủ con trai nhỏ ra ít đồ chơi. Thậm chí còn đi chợ mua mấy quả cam, hai nải chuối cau để có thứ mà dụ khị.

Nhưng hóa ra lý thuyết khác thực tế xa lắm, và tôi, đã từng nuôi dạy hai anh con trai, ngày xưa còn được mời đi trao đổi kinh nghiệm mấy lần, nhưng đến nay tôi lơ ngơ như lính mới.

Mấy cô cậu lớp Hai, Ba có vẻ nghe lời hơn, tự động tìm báo, chọn sách đọc. Mấy đứa trẻ thò lò mũi mới là nguyên nhân chính gây động đất, núi lửa kèm gió mưa sấm chớp.

Tuần sau đám nhỏ nhà em nghỉ học... Ảnh minh họa
Tuần sau đám nhỏ nhà em nghỉ học... Ảnh minh họa

Quản chúng chơi đã mệt, đ​ến giờ ăn mới nan giải, khi một đám bảy đứa trẻ chỉ có ba đứa ăn nhanh, còn bốn đứa gồm một đứa lớn và ba đứa nhỏ thì vừa ăn vừa ngậm, phải mười phút mới xong một miếng cơm, năm tuổi rưỡi còn nhai bằng răng cửa.

Tôi giục ăn nhanh thì đám nhỏ chỉ chị lớn: "Chị Ty cũng chưa ăn xong mà bác!"

Tôi giục con bé Ty thì nó thủng thỉnh: "Mấy em chưa ăn xong mà bác!"

Tôi ngao ngán nhìn đám nhỏ đứa nhây đứa ngậm và khâm phục sự kiên nhẫn của cha mẹ chúng. Một ngày có hai bốn tiếng mà hai bữa ăn đã mất bốn tiếng vàng ngọc, ăn uống thế này bảo sao chúng nó cứ gầy nhớt ra.

Tôi dẹp chén bát khi giờ ăn đã quá một tiếng​, đám trẻ tròn mắt... vui sướng. Tôi nói không ăn thì đổ, chứ không có chuyện ngồi ì mất thời gian, cơm canh nguội lạnh. 

Vụ lùa đám nhỏ đi ngủ có vẻ dễ dàng, đơn giản vì nô từ sáng chúng đã khá mệt rồi.

Bữa xế, thay vì cho ăn chè đậu xanh, tôi quyết định đổi thành bánh mì ngọt và chỉ cho đám nhỏ cách nhai. Rằng phải nhai bằng răng hàm, lấy lưỡi đẩy thức ăn ra sao.

Tụi nhỏ có vẻ thích và hăng hái thực hành, kết quả là thiếu bánh mì để... thực tập.

​Đám nhỏ thích thú với vụ "chia việc cho răng" nên thay vì buổi tối về ăn cơm nhà thì chúng đòi ở lại ăn cơm với bác để "bác xem con làm đúng chưa?"

Đám nhỏ bỗng ăn nhanh hơn ngày thường và còn biết nhìn đồng hồ để bữa cơm không quá bốn mươi lăm phút. Khỏi phải nói bố mẹ chúng vui thế nào, còn nhăm nhe mai gửi bác luôn bữa sáng và cười cười: "Em hứa sẽ tăng lương cho bác, nhất bác đấy, có ai đi làm ngay ngày đầu đã được tăng lương không?"​

Nhà cửa đó giờ yên tĩnh, nay náo loạn như có hội có đám làm tôi đau đầu. Ảnh minh họa.
Nhà cửa đó giờ yên tĩnh, nay náo loạn như có hội có đám làm tôi đau đầu. Ảnh minh họa.

Mười mấy năm không chăm bẵm trẻ con, thú thật là tôi ngại. Nhà cửa đó giờ yên tĩnh, nay náo loạn như có hội có đám làm tôi đau đầu.​

Trả hết đám trẻ, tôi còn ráng thu dọn nhà cửa, hút bụi lau nhà xong mới lên giường với cái lưng mỏi nhừ và cổ họng ran rát. Mai tôi phải “huấn luyện” đám nhỏ cách hút bụi, lau nhà, rửa chén và dọn dẹp nhà cửa. Giấc ngủ lại đến rất nhanh, và sâu.

Thôi thì đất chẳng chịu trời thì trời chịu đất. Mùa dịch giã, giúp người cũng như giúp mình để cùng tồn tại, cùng chiến đấu. Ai chuẩn bị kỹ càng, kiên cường hơn sẽ thắng. 

Thúy An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI