Mùa dịch, giả xe cứu thương để trục lợi

20/08/2021 - 07:04

PNO - Lợi dụng nhu cầu vận chuyển trong mùa dịch, một số đối tượng đã hoán cải xe chở khách thành xe “cứu thương” để chở người bệnh với giá chặt chém gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Xe cứu thương trá hình chặt chém

Anh Nguyễn Hoàng Nhật, người sở hữu sáu chiếc xe cứu thương thiện nguyện ở Q.Bình Tân, TPHCM, cho biết, trong mùa dịch, do phần nhiều xe cứu thương được tập trung chở các ca F0, nên nhu cầu về xe chuyển bệnh tăng rất cao. Hằng ngày, nhóm của anh Hoàng Nhật nhận hàng trăm cuộc gọi nhờ hỗ trợ chuyển bệnh nhân đi rất nhiều địa phương khác nhau. 

“Trong mùa dịch, lại đang giãn cách xã hội, nên mỗi khi xe lăn bánh cần có nhiều thủ tục hơn bình thường, như lệnh điều xe, giấy thông hành và giấy tờ của phía bệnh nhân”, anh Hoàng Nhật chia sẻ. Tuy nhiên, theo anh Hoàng Nhật, trong quá trình vận chuyển, anh thấy nhiều xe “cứu thương” lạ hoạt động. Tìm hiểu, anh biết, một số xe cứu thương “từ thiện” nhưng lại lén lút chở bệnh nhân với giá cao, trong đó có cả xe cấp cứu biển xanh. “Kinh nghiệm cho tôi biết ngay đó là xe giả. Làm gì có xe cứu thương của Nhà nước mà gắn bảng như vậy được” - anh Hoàng Nhật quả quyết.

Đối tượng T. chạy xe cứu thương giả “chặt chém” bệnh nhân trong mùa dịch
Đối tượng T. chạy xe cứu thương giả “chặt chém” bệnh nhân trong mùa dịch

Trung tâm cấp cứu 115 thông tin, thời gian gần đây đơn vị nhận được phản ánh về việc xuất hiện xe cứu thương giả, dán biển “xe miễn phí” nhưng vận chuyển bệnh nhân COVID-19 với giá “chặt chém”. Không chỉ xe ở TPHCM mà còn có xe mang biển số tỉnh khác. Còn theo Công an TPHCM, gần đây đơn vị có nhận được phản ánh về tình trạng “xe trá hình” hoạt động trong dịch COVID-19. Đơn vị đã chỉ đạo công an các quận, huyện, TP.Thủ Đức phải chặn bắt, xử lý nghiêm. 

Mới đây, Công an P.15 (Q.8, TPHCM) phát hiện một ô tô hoán cải thành xe cứu thương, có đèn và còi hụ gắn trên nóc xe, bốn bên thành xe dán chữ thập màu đỏ. Nghi vấn, công an yêu cầu tài xế N.D.T. (31 tuổi, tạm trú Q.12, TP.HCM) dừng xe kiểm tra. Trên xe có chở một bệnh nhân COVID-19 từ Q.8 đến Bệnh viện Gia Định. Tài xế T. không xuất trình được căn cước, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe.

T. khai: được Công ty Vận chuyển cấp cứu 115 phía Đông tại TP.Thủ Đức (nhưng không rõ địa chỉ công ty) điều đi nhận bệnh nhân COVID-19. Giá cả vận chuyển do người nhà bệnh nhân thương lượng với công ty chứ T. hoàn toàn không biết. Trên xe không có nhân viên y tế. Nếu xảy ra sự cố đối với bệnh nhân thì T. tự xử lý. Trước khi bị phát hiện, T. đã điều khiển xe “cứu thương” chở người từ P.10, Q.Tân Bình đến Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM với giá 3,5 triệu đồng cho gần 4km đường đi.

Cách đây vài ngày, Công an Q.1, TPHCM cũng đã phát hiện “xe hỗ trợ phòng, chống dịch” có địa chỉ 201 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1, do H.L.T.P., 31 tuổi, điều khiển. Xe chở năm người nhưng không có giấy tờ theo quy định. Đối tượng khai nhận đã giả mạo xe “hỗ trợ phòng, chống dịch” để qua mặt các chốt kiểm soát, đưa số người trên về quê với chi phí mỗi người từ 5 triệu đồng trở lên, tùy thuộc vào quãng đường gần hay xa. P. đã quảng cáo tìm khách trên Facebook.

Nhận biết xe cứu thương giả

Anh Nguyễn Hoàng Nhật cho biết, trong quá trình vận chuyển bệnh nhân, nhiều tài xế trong nhóm của anh cũng gặp nhiều người xin “đi nhờ” từ địa phương này qua địa phương khác nhằm tránh các chốt kiểm soát. Tuy nhiên, anh yêu cầu tài xế chỉ chở bệnh nhân chứ không tự tiện cho bất kỳ ai “đi nhờ” nhằm đảm bảo phòng, chống dịch. “Nhưng để tài xế tuân thủ, mình phải kiểm soát tốt. Trên tất cả các xe cứu thương thiện nguyện của nhóm chúng tôi đều gắn hai camera giám sát. Nếu tài xế thực hiện không đúng là mình chấn chỉnh ngay. Nhiều đơn vị không có biện pháp giám sát tài xế thì có thể họ làm sai mà chủ xe không kiểm soát được”, anh Hoàng Nhật chia sẻ.

Cũng theo anh Hoàng Nhật, người dân hoàn toàn có thể nhận biết và lật tẩy những xe cứu thương giả mạo. Theo đó, xe của Trung tâm cấp cứu 115 có biển số màu xanh, có logo nhận diện hoặc gắn bảng nhận dạng có đóng dấu đỏ. Với các xe thiện nguyện, chắc chắn là không thu tiền; người dân phải chủ động liên hệ trước, đơn vị điều xe đến sau, không có chuyện xe cứu thương thiện nguyện đi bắt khách kiểu như… xe dù. “Nếu gắn biển xe thiện nguyện mà gạ gẫm, thu tiền thì chắc chắn là xe giả mạo” - anh Hoàng Nhật khẳng định.

Liên quan đến xe cứu thương trá hình, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM Võ Khánh Hưng đã ký văn bản gửi Công an TPHCM, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện, các lực lượng chức năng về việc phải tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Ngoài ra, sở cũng nhận được phản ánh: tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 12 (khu tái định cư Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức) vẫn còn tình trạng tài xế taxi chèo kéo, đeo bám khi bệnh nhân xuất viện. Ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý, sở cũng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị quản lý xe taxi rà soát, chấn chỉnh các nội dung phản ánh về tình trạng chèo kéo, đeo bám bệnh nhân đối với đội ngũ lái xe nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại các bệnh viện.

Với trình trạng một số xe khách vẫn lén lút chở người về các tỉnh trong mùa dịch, Sở GTVT đã có văn bản gửi Sở GTVT các địa phương trong cả nước và các đơn vị liên quan để tăng cường kiểm tra, phối hợp xử lý.

Nguồn tin từ Công an TPHCM cho biết, hiện Công an Q.8 đã chuyển vụ việc xe cứu thương giả chặt chém người bệnh cho Công an Q.Tân Bình điều tra, xử lý. 

Dùng xe cứu thương giả chở ma túy

Tối 11/8, trên tuyến ĐT 741 thuộc địa bàn TP.Đồng Xoài, tổ công tác Công an tỉnh Bình Phước phát hiện xe cứu thương biển số 72C-0426 lưu thông trên đường ĐT741 hướng từ TPHCM đi Tây Nguyên có biểu hiện nghi vấn nên đã dừng xe để kiểm tra.

Kiểm tra xe, công an phát hiện trên kệ để đồ cạnh ghế lái xe có ba đoạn ống hút bằng nhựa màu trắng được hàn kín hai đầu. Lái xe Nguyễn Quốc Việt, 35 tuổi, trú tại khu phố Phú Lộc, P.Tân Phú, TP.Đồng Xoài khai nhận đó là heroin do anh ta mua để sử dụng.

Sơn Vinh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI