Mùa dịch, chồng bất ngờ chi li, tính toán

02/07/2021 - 06:23

PNO - Nhờ việc lên kế hoạch ăn uống, chi tiêu bài bản hơn trước, nên chi phí nội trợ, tiêu dùng trong tháng cũng giảm được một khoản đáng kể.

Từ ngày dịch COVID-19 bùng phát trở lại, dù địa phương chúng tôi sinh sống chưa có ca nhiễm, vợ chồng tôi vẫn bỏ thói quen ăn uống bên ngoài.

Những cuộc tụ tập cà phê của chồng giảm đáng kể, rất nhiều cuộc gọi anh chủ động từ chối. Nhờ vậy mà những gói cà phê bạn bè cho tặng từ tết, nay được dịp mang ra pha chế và thưởng thức.

Thế là mỗi sáng thức dậy, thói quen mới của chồng tôi là đun nước, pha cho vợ một bình nước gạo lứt đậu đỏ, chế tách cà phê cho mình. Mùi cà phê thơm nức tỏa lan khắp gian bếp như đánh thức các giác quan, cảm giác ngày mới bắt đầu thật nhẹ nhàng, tràn đầy năng lượng.

Sau thời gian chỉ nhâm nhi cà phê tại nhà, chồng tôi khá hài lòng và bỗng nhiên… tính toán hơn. Anh bảo, tính sơ sơ cả tháng này tiết kiệm được trên dưới 500.000 đồng tiền cà phê. Mai mốt phải nhờ bạn trên Tây Nguyên mua giúp, uống cà phê do mình tự pha thấy an tâm hơn, lại còn… tiết kiệm nữa. 

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Công việc của chồng tính theo khối lượng sản phẩm hoàn thành nên không quy định khắt khe phải tuân thủ giờ giấc hành chính, thế nên thời gian này anh chỉ đến cơ quan vào buổi sáng, sắp xếp các phần việc, cái nào chưa làm xong thì đem về nhà buổi chiều làm.

Anh phân tích: Đường đến cơ quan lượt đi lượt về cũng gần 15 cây số, việc làm ở nhà được thì đi làm gì cho tốn xăng. Thời dịch giã công việc, thu nhập đều khó khăn hơn, phải biết cách tiết kiệm thời gian và cả vật chất mới mong sống khỏe được.  

Chiều nọ đi làm về, chồng gọt sẵn đĩa trái cây và rủ tôi ăn. Anh hào hứng khoe: Siêu thị mấy ngày cuối tuần có chương trình giảm giá tới 50% các mặt hàng rau củ quả và thực phẩm tươi sống. Rau muống nay có 8.000 đồng/kg, táo nhập khẩu tươi ngon, giòn và ngọt như này chưa tới 40.000 đồng/kg... 

Thịt, cá đều giảm giá vào mỗi cuối ngày. Việc bảo quản trong siêu thị khá tốt, nên chất lượng hàng giảm giá cũng rất đảm bảo, mình mua và sử dụng ngay thì vẫn ngon như thường. 

Thế là từ hôm ấy, vợ chồng tôi thường tranh thủ đi siêu thị “săn” đồ giảm giá. Nếu trước đây sáng ra mới nghĩ chuyện ăn gì, rồi lao ra hàng quán, thì bây giờ, từ chiều hôm trước vợ chồng đã tính chuyện hôm sau ăn gì.

Chồng chịu khó nghĩ món và cùng vợ lo chuyện bếp núc mỗi ngày. Anh còn chủ động lên thực đơn, cùng tôi tính toán sao cho trong chừng ấy số tiền chi ra, mỗi bữa ăn thế nào để vừa đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng vừa có thể tiết kiệm.

Bữa sáng bây giờ rất đa dạng, có món được chuẩn bị từ tối hôm trước, có món sáng ra làm xíu là xong. Bún, nui, phở, mì, cơm… mỗi ngày một cách chế biến khác nhau.

Chồng thích thú với nhiều món do tôi tự học trên mạng và… sáng tạo thêm. Ví như món xôi ăn cùng trứng chiên lá ngải cứu, chút thịt bằm rim mặn, xịt thêm tương ớt; hay món cơm trộn rau củ, món bún riêu tôm lạ miệng…

Nói thật, nhờ việc lên kế hoạch ăn uống, chi tiêu bài bản hơn trước, nên chi phí nội trợ, tiêu dùng trong tháng cũng giảm được một khoản đáng kể.

Thời gian này, chồng làm nhiều việc khiến tôi bất ngờ. Mỗi cuối ngày sau khi tắm táp, cơm nước xong, trong lúc tôi dọn rửa chén bát, anh tranh thủ giặt đồ cho cả nhà. Thường thì việc này đã có máy giặt và tôi làm là chính. Chồng nói giặt tay vừa sạch vừa giúp bảo vệ quần áo, lại tiết kiệm nước hơn dùng máy giặt.

Cuối tháng tôi để ý thì thấy lượng nước tiêu thụ giảm ba khối so với tháng trước. Nghe tôi thông báo, chồng cười bảo, mỗi ngày vợ chồng con cái có dăm, ba bộ quần áo, chẳng lao động vất vả gì nên anh làm một loáng là xong. Giặt đồ, nấu ăn cũng là một cách giúp anh giảm bớt căng thẳng nên cũng thấy vui. 

Khi thấy chồng ngày càng biết chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm, cùng lo chuyện nội trợ, tôi không hề có chút cảm giác lo lắng hay nghĩ ngợi, sợ chồng sẽ ki bo, keo kiệt… mà trái lại thấy sự thu vén ấy giúp cuộc sống gia đình có phần rôm rả, thú vị hơn.

Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, song chúng tôi đã dần biết cách cân bằng và điều chỉnh nhịp sống, tìm ra phương án giúp duy trì đời sống ổn định và thoải mái hơn. Cùng nhau nghĩ cách tiết kiệm trong thời dịch giã, chúng tôi cảm nhận sâu sắc giá trị của sự sẻ chia, thấy vui và vững tâm hơn trước khó khăn. 

Mai Đình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI