Tôi xếp sau dòng người ở cây ATM Sacombank ngã tư Bàu Cát - Đồng Đen (Q.Tân Bình, TPHCM). Khá đông người trước tôi nhưng không ai đeo khẩu trang hay bao tay khi bấm nút giao dịch.
Suy nghĩ một lúc, khi tới lượt, tôi lót tờ khăn giấy ở ngón tay chứ không tiếp xúc trực tiếp với các phím kim loại. Nhìn thấy tiền máy đẩy ra khá mới, tôi lăn tăn giây lát rồi quyết định dùng tay trần nhét vào ví. Với chiếc thẻ, tôi vẫn dùng khăn giấy đón lấy nó, nhét vào ví để lát nữa về nhà đem xịt dung dịch khử trùng. Bước ra khỏi hàng, tôi thấy dòng người phía sau nhìn mình như nhìn người ngoài hành tinh. Mấy cô gái không giấu được khuôn mặt cười. Sao lại cười tôi nhỉ, đang mùa dịch COVID-19 và tôi đang ở cây ATM công cộng, tôi sai chỗ nào?
Đi vào Ngân hàng Sacombank cách cây ATM vài mét, tôi bắt gặp dòng chữ trên tờ giấy dán cửa: “Xin quý khách vui lòng bỏ mũ nón, kính râm, khẩu trang khi vào ngân hàng giao dịch. Xin cảm ơn”. Tôi nghĩ dòng chữ này cũ rồi, lẽ nào lại buộc khách bỏ khẩu trang khi bước vào nơi đông người thế này.
Dù vậy, tôi vẫn tháo ngay khẩu trang vì đâu thể trái quy định của họ. Bước thêm vài mét nữa, tôi thấy có hộp khẩu trang và chai nước sát khuẩn tay đặt trên bàn ghi rõ khẩu trang phục vụ khách đến giao dịch.
|
Đi mua khẩu trang về cho gia đình để chống chọi qua mùa dịch nhưng liệu bạn có mang mầm bệnh về? |
Tuy vậy, khẩu trang trong hộp màu hồng, nên không anh đàn ông nào dùng. Các chị hầu hết đeo khẩu trang vải, nhưng đa số lại kéo xuống cằm để tiện nói chuyện.
“Xin dì tháo khẩu trang cho con nhìn một chút ạ”. “Xin phép chị tháo khẩu trang cho em so hình ảnh chứng minh nhân dân ạ”, tiếng các cô giao dịch viên vang lên xen kẽ tiếng máy đếm tiền. Trước mặt cô là dòng chữ: “Vì sức khỏe cộng đồng, chúng tôi xin phép mang khẩu trang khi giao dịch”. Nhìn dòng chữ này, tôi bất giác buồn cười vì hôm trước trong một cửa hàng thuộc chuỗi Bách Hóa Xanh cũng có dòng chữ tương tự nhưng các cậu nhân viên lúc thưa khách cũng kéo khẩu trang xuống cằm hoặc không đeo.
Tiền vẫn đếm rẹt rẹt, khách vẫn tay trần cầm lấy. Có đứa trẻ con nghịch ngợm chạy tứ tung với khẩu trang trên tay. Hơn một giờ đồng hồ tôi ở trong phòng giao dịch, mấy chục người ra vào, chỉ có hai khách rửa tay bằng bình gel diệt khuẩn nhưng cũng không phải sau khi giao dịch giấy tờ hay sau khi cầm tiền, mà nhân lúc rảnh rỗi ngồi chờ tới lượt.
Nhớ hôm tôi đi mua khẩu trang ở nhà thuốc Long Châu trên đường Hai Bà Trưng, chen vào sát rạt tôi là ba người Trung Quốc. Họ cũng hỏi mua khẩu trang như tôi và họ trông rất trẻ khỏe. Vậy mà tôi về lo mãi. Ra nơi đông người mùa dịch, chẳng biết ai thế nào. Ông khách mới được xác nhận nhiễm vi-rút Corona ở Hồng Kông cho biết, mới hôm đầu tháng Hai, ông có mặt tại Đà Nẵng đó thôi. Nghe bản tin mới nhất trên báo nói, người ta phát hiện COVID-19 từng có thời gian ủ bệnh trên một bệnh nhân tới hơn 30 ngày. Người thân của tôi tại Đà Nẵng đầu tháng Hai có ai bán hàng cho ông khách này không nhỉ?
Nhìn những đoàn người vẫn đang chen chúc tại các chợ thuốc sỉ, nhiều người cũng không thèm đeo khẩu trang, tôi rùng mình. Làm sao biết con vi-rút đang ẩn mình ở đâu.
Ngoài một số người có ý thức phòng dịch, còn rất nhiều người khác không cẩn thận hoặc phòng dịch sai cách, vậy nên hiệu quả cũng như không. Cứ hai ngày tôi đi chợ một lần, tiểu thương, người đeo khẩu trang người không. Mà họ cũng chỉ đeo lúc đông khách. Nắng nóng là kéo hết xuống cằm. Không một ai dùng bao tay khi đưa tôm, thịt, rau củ... Thôi thì cẩn tắc vô áy náy, ra khỏi chợ tôi phải lấy chai nước sát khuẩn trong cốp xe sát trùng tay thật kỹ rồi mới cầm lái về nhà. Ai cười tôi, tôi chịu.
Những dòng tin bất an dội về. Tôi có cảm giác rờn rợn khi đọc bản tin cho biết tiền giấy chính là mối nguy cơ gây bệnh. Vi-rút có thể tồn tại trên tiền nếu người bệnh từng tiếp xúc với tờ tiền đó. Làm sao các bà nội trợ như tôi có thể ngừng dùng tiền giấy đây? Giao dịch trực tuyến chưa phát triển ở mọi lĩnh vực. Tôi đặt bữa trưa qua app điện thoại cho con cái ở nhà, bọn nhỏ cũng phải mang tiền xuống đưa cho anh shipper, rồi cầm tiền thối lại. Ngoài chợ, có mấy bà bán hàng biết tới thanh toán trực tuyến. Ngay cả chiếc máy POS cà thẻ ở các cửa hàng tiện ích hay siêu thị hiện cũng là những phím bấm công cộng như chiếc ATM, tôi nào đâu thấy ai dùng khăn giấy hay bất cứ hành động sát khuẩn trước hay sau.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc chi nhánh Quảng Châu cho biết, họ sẽ tiêu hủy lượng tiền giấy từng được giao dịch tại bệnh viện, chợ thực phẩm và xe buýt - những nơi tiền có nguy cơ cao qua tay người nhiễm vi-rút bệnh. Số tiền giấy từng được dùng tại những nơi nguy cơ cao đó được lọc ra để tiến hành khử trùng rồi mới tiêu hủy.
Giải pháp này được đưa ra sau khi Trung Quốc công bố, đối với toàn bộ tiền mặt trở lại ngân hàng, sẽ được sử dụng nhiệt độ cao hoặc tia cực tím để khử trùng, sau đó cách ly chúng khoảng 14 ngày trước khi đưa vào lưu thông trở lại. 600 tỷ nhân dân tệ (85,6 tỷ USD) tiền giấy mới của Trung Quốc đã được phân phối trên cả nước kể từ ngày 17/1, bao gồm 4 tỷ nhân dân tệ tiền mới được gửi đến Vũ Hán. Trong khi đó, từ ngày 3 - 13/2, có 7,8 tỷ nhân dân tệ tiền mặt đã được rút khỏi lưu thông.
Việt Nam hiện đang là một trong những nước có tỷ lệ sử dụng tiền mặt cao nhất thế giới, hơn 90% giao dịch vẫn là tiền mặt. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo ngân hàng các tỉnh, thành phố tính toán đưa tiền mới vào lưu thông. Do chúng ta chưa đủ điều kiện thực hiện các biện pháp khử trùng tiền nên số tiền cũ quay vòng nhận về từ khách hàng, các ngân hàng sẽ tạm thời để lưu trong khu vực cách ly với thời gian đủ lâu và đưa vào sử dụng ở thời điểm thích hợp.
Nếu không thể hạn chế giao dịch tiền mặt, sao không tự bảo vệ mình?
Hoàng Hương