Mùa dịch, buôn bán nhỏ, nếu chịu khó vẫn trụ được

08/04/2020 - 12:00

PNO - Giữa mùa dịch, sức mua giảm, người bán cũng ế ẩm, nhưng nhờ chịu khó nên việc kinh doanh, buôn bán nhỏ của một số chị em vẫn ổn.

Giữa mùa dịch, quán xá tạm đóng cửa, nhiều gia đình hạn chế chi tiêu khiến việc buôn bán càng thêm khó khăn. Nhưng nhờ chịu khó nên việc kinh doanh, buôn bán nhỏ của một số chị em vẫn ổn.

Giảm khách sỉ nhưng vẫn còn khách lẻ

Rời quê Đắk Nông về Sài Gòn làm giáo viên mầm non từ năm 2013, nhưng ngoài công việc chính, chị Nguyễn Thị Hồng Phước vẫn ấp ủ giấc mơ kinh doanh món cơm lam - gà nướng và trái cây sạch. 

Khoảng một năm nay, chị Phước thay chị gái đảm đương công việc buôn bán. Nhưng vì quỹ thời gian không nhiều nên chị chỉ tập trung bán online. Các đơn hàng được gom lại để tập trung giao vào buổi sáng và chiều tối. Giá combo cơm lam - gà nướng nguyên con là 389.000 đồng, cơm lam - đùi gà hoặc thịt xiên: 70.000 đồng.

Cơm lam - nguyên vật liệu chính được chị Phước đặt người nhà ở Buôn Mê Thuột chế biến sẵn trong ống tre và đưa về Sài Gòn mỗi ngày. Gà nuôi thả vườn cũng được vận chuyển về từ Đắk Nông. Để cơm lam ngon và thơm hơn, chị Phước chịu khó nướng lại cơm cho vàng ánh, chẻ sẵn ống tre rồi mới giao cho khách. Cơm nướng trong ống tre thơm ngon, kết hợp với vị gà nướng rất vừa ăn. Trái cây sạch nhà trồng tùy theo mùa sẽ có nhiều loại khác nhau. 

Hình ảnh cơm lam gà nướng
Hình ảnh cơm lam gà nướng

Chị Phước cho biết, lúc đầu chị chỉ bán online nhưng nhiều người đi ngang thấy món ăn lạ, mua dùng thử rồi giới thiệu, nên lượng khách ngày càng đông. Trước khi có dịch COVID-19, ngày nào cũng có hơn chục đơn hàng khách lẻ và khách sỉ là các quán ăn, cộng tác viên mua về bán lại. Vợ chồng chị phải dậy sớm nướng gà, làm thịt xiên, nướng lại cơm lam rồi gọi shipper giao hàng. Chiều đi làm về cũng tất bật. Có lúc khách đặt nhiều, hai vợ chồng làm không xuể, ba mẹ phải phụ giúp. Thu nhập thêm từ buôn bán lại trở thành thu nhập chính. Trừ hết chi phí, mỗi tháng chị vẫn còn dư 5 - 7 triệu đồng. 

Theo tính toán của chị Phước, nếu công việc thuận lợi, năm đầu tiên doanh thu có thể hơn 400 triệu đồng và lợi nhuận đạt khoảng 90 triệu đồng, sau ba năm lợi nhuận sẽ tăng gấp đôi. Chính vì vậy, vợ chồng chị đã tính toán thuê mặt bằng, thuê nhân viên để mở rộng kinh doanh, chồng sẽ đóng vai trò chính. Ý định đó được Hội LHPN P.Phú Trung, Q.Tân Phú giới thiệu vay 30 triệu đồng vốn khởi nghiệp không lãi suất. Nhưng mọi tính toán bị chậm lại vì 
dịch bệnh. 

Hơn tuần nay, thực hiện cách ly xã hội, quán xá đóng cửa, khách sỉ tạm dừng, nhưng hàng ngày chị Phước vẫn còn duy trì được lượng khách lẻ qua kênh online và chị cũng chịu khó đi giao hàng nên vẫn sống được.

Có thêm khách nhờ bánh ít thanh long

Tại 208/38 đường Bà Hom, P.13, Q.6, nhờ chịu khó mà công việc làm bánh tét, bánh ít thanh long của chị Lê Thị Ngân vẫn giữ được ổn định. 

Nói về ý tưởng làm nên chiếc bánh ít thanh long, chị Ngân vui vẻ: “Xem tin tức thấy thanh long được giải cứu bằng cách trộn vào bột làm bánh mì. Trộm nghĩ, bánh ít cũng được làm từ bột, nên tôi bắt tay làm thử bánh ít thanh long”. Và chị đã thất bại nhiều lần (khi thì màu bánh quá lợt, lúc vị lại quá chua) mới thành công. Cứ 1kg bột kết hợp với 1kg thanh long, gói đều tay, sẽ cho ra 30 cái bánh. Nhân bánh được làm bằng dừa hoặc đậu xanh. Màu bánh chín đỏ, những hạt thanh long đen nhỏ li ti làm cho chiếc bánh thêm bắt mắt, vị thanh long chua chua ngọt ngọt quyện với bột làm nên hương vị độc đáo cho chiếc bánh ít. Bạn bè, hàng xóm ai ăn thử cũng khen ngon. 

Chị Ngân gói hấp bánh ít thanh long
Chị Ngân gói hấp bánh ít thanh long

Chị Nguyễn Thị Ngọc Linh - Chủ tịch Hội LHPN P.13, Q.6 - nhận xét: “Nghe bánh ít thanh long cũng lạ, mở bánh ra thì thấy màu đỏ hồng rất hấp dẫn, khi ăn bánh có vị thanh long và phần hạt nghe rốp rốp. Bột bánh kết dính hơn bình thường. Thấy bánh ngon, Hội hỗ trợ tuyên truyền và nhận bán giúp qua kênh bách hóa online của Hội. Qua một tháng, bánh ít thanh long đã nhận được ý kiến đánh giá tốt”. 

Chị Ngân chia sẻ, nghề làm bánh tét, bánh ít được mẹ chồng chị truyền lại hơn chục năm qua. Cái nghề tuy cực nhưng đã giúp vợ chồng chị ổn định nuôi hai đứa con ăn học. Ngày mới của vợ chồng chị Ngân bắt đầu từ 3g sáng, chồng vo nếp, chị lo làm nhân bánh. Xong hai vợ chồng cùng gói. Gói xong bánh tét, bắc lên nấu, họ lại làm bánh ít để tận dụng hơi nước đang nấu bánh tét hấp bánh ít. Bánh chín được giao cho những khách hàng đã đặt, hôm nào còn thì chồng chị đạp xe đi bán.

Trước khi có dịch COVID-19, mỗi ngày chị làm từ 200 - 300 cái bánh, cao điểm lên 1.000 bánh tét và bánh ít. Hơn tháng nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, số lượng bánh giảm đáng kể. Nhưng nhờ cho ra lò món bánh ít thanh long nên mỗi ngày vẫn duy trì được khoảng 200 bánh. 

Thiên Ân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • hồng phước 09-04-2020 16:53:36

    cám ơn tác giả về bài viết. quý bạn đọc muốn ăn gà nướng cơm lam xin liên hệ địa chỉ 212 khuông việt, phú trung, tân phú, hcm. sdt 0907202261 hoặc 0944155579

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI