Mùa dịch, ăn gì chẳng được

09/07/2021 - 13:38

PNO - Trước đây, khi tôi hỏi muốn ăn gì, anh chỉ nói: “Ăn gì cũng được”. Tôi từng bực bội với câu "vô trách nhiệm" ấy, nhưng trong mùa dịch thì khác...

Khi nghe tin thành phố chuẩn bị giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tôi đứng ngồi không yên. Trên Facebook, không ít người than vãn thực phẩm khan hiếm, biết lấy gì mà ăn trong những ngày cách ly, số khác lại khoe cái tủ lạnh đầy đồ ăn tích trữ.

Nhà tôi chỉ còn 21 quả trứng gà, hai trái bầu, nửa quả thơm, một bó sả và một ít thịt cá ở tủ đông, gạo còn chừng 5 ký thêm nửa thùng mì tôm. Thế mà, khi tôi định chạy xe đi mua thêm thực phẩm, chồng lập tức ngăn lại bằng giọng quả quyết: “Em ở nhà đi, ăn gì cũng được, chẳng đói ngày nào đâu mà lo”.

Chồng tôi thuộc kiểu người dễ ăn, vợ nấu gì cũng ăn ngon lành. Trước đây, tôi từng bực bội khi hỏi chồng muốn ăn món gì thì luôn nhận được câu trả lời: “Ăn gì cũng được!”.

Nhìn những chiếc tủ lạnh đầy ắp thực phẩm tích trữ của bạn bè, tôi đứng ngồi không yên. Ảnh minh họa
Nhìn những chiếc tủ lạnh đầy ắp thực phẩm bạn bè khoe trên Facebook, tôi đứng ngồi không yên (Ảnh minh họa)

Về sau, tôi biết chồng nói thế là thật lòng chứ không phải trả lời cho qua chuyện. Một bữa cơm dù tôi nấu đơn giản hay bày biện cầu kì, anh cũng ăn xong bữa chứ chẳng có ý kiến gì.

Nhờ chồng dễ tính mà chuyện bếp núc của tôi trở nên thoải mái, không phải suy nghĩ tính toán đau đầu. Có lần, tôi bận việc chưa kịp đi chợ, nhà hết đồ ăn, chồng lại có ca trực gấp. Anh nấu một lon gạo, cắt ớt vào chén nước mắm rồi chan cơm ăn ngon lành.

Chuyện ăn uống của gia đình đơn giản nên mấy lần giãn cách xã hội, tôi không phải lo lắng nhiều. Nhớ năm ngoái, trong đợt cách ly đầu tiên, thấy mọi người đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ, tôi cũng lao theo, sau đó ăn hoài không hết phải đổ bỏ.

Nhưng tôi biết, có gia đình nếu không chuẩn bị thực phẩm đầy đủ sẽ tạo nên trận chiến mỗi bữa cơm. Chị hàng xóm đã phải mua thêm một chiếc tủ lạnh để đựng đồ ăn trong mùa dịch.

Chồng con chị kén ăn, mỗi bữa phải có ba món nhưng không trùng nhau ít nhất một tuần. Ăn uống kiểu vậy, không tích trữ sẵn đôi khi không mua được thực phẩm như ý trong lúc dịch giã.

Thấy tôi thấp thỏm sợ thiếu thức ăn, chồng lấy thịt heo, sả băm nhỏ để rang muối. Gần hai tiếng lục đục trong bếp, anh làm được hai lọ muối sả thịt thơm lừng. Anh bảo: “Em yên tâm rồi nhé, chừng này cũng đủ ăn hai tuần đó”.

Để vợ yên tâm, chồng tôi làm hai hủ muối sả thịt để 'tích trữ' cho những ngày phong tỏa thành phố. Ảnh minh họa
Để vợ yên tâm, chồng tôi làm hai hủ muối sả thịt để "tích trữ" cho những ngày phong tỏa thành phố (Ảnh minh họa)

Chồng kể, đợt vừa rồi, quận Gò Vấp phong tỏa, nhà bạn anh còn đúng 5 quả trứng, mấy ký gạo, một ít rau, mà rồi có đói ngày nào đâu. Sau đó, thực phẩm được cung cấp tận nhà, đồ ăn dồi dào phong phú, lại có người đi chợ giùm nên cứ lạc quan thôi. Trong tình huống xấu, nhà mình còn mấy thùng rau trên sân thượng, chăm chỉ tưới nước cũng đủ ăn qua ngày mà. Anh đã trải qua thời khốn khó, lo ăn từng bữa nên thấy chuyện ăn uống đơn giản, chỉ cần có gạo, mắm muối đã vượt qua được cơn đói rồi.

Qua mấy mùa dịch, tôi thấy lời chồng nói không sai. Cách ly phong tỏa chỉ là tạm thời, thực phẩm không thiếu, chỉ do bị tắc nghẽn kênh phân phối, sau vài ngày sẽ ổn định lại. Vả lại còn có cộng đồng, hàng xóm, các tổ chức chính quyền, dân cư, sẽ chẳng để ai phải thiếu thốn trong mùa dịch cả.

Nhìn hai hũ muối sả chồng làm, tôi vẫn đinh ninh, nhà mình không thiếu đồ ăn, dù chẳng mua thêm gì tích trữ.

                                                                                                     Thúy Hà (Q3, TPHCM)

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI