Mua đậu Lào chữa rắn cắn, coi chừng mất mạng

24/05/2020 - 08:44

PNO - Bỏ tiền mua hạt đậu Lào vì tin rằng chúng có công dụng thần kỳ, có thể chữa rắn cắn... nhiều người suýt mất mạng vì niềm tin thiếu cơ sở này.

50.000 đồng/hạt đậu

Một nam thanh niên bắt trói một con heo rồi để cho rắn hổ mang cắn vào đùi heo. Khi con heo bắt đầu ngấm độc rắn, nam thanh niên này tách đôi một hạt đậu màu đen to bằng ngón tay, đắp lên vết cắn. Khoảng 30 phút sau con heo hồi phục hoàn toàn, thả vào chuồng ăn uống bình thường... Đó là đoạn clip được chia sẻ khá nhiều trên mạng xã hội thời gian gần đây.

Mục đích của clip này không gì khác, là nam thanh niên muốn bán hạt đậu được cho có thể hút độc. Theo lời quảng cáo, loại đậu này ngoài chữa rắn cắn còn có thể chữa bệnh dại nếu chẳng may bị chó mèo cắn. 

Theo lời nam thanh niên này, hạt đậu Lào còn gọi là đậu nọc hay hạt rắn cắn, ngọc rắn, đậu bình an… dùng chuyên trị các loại độc của rắn rết, bò cạp, ong, mụn nhọt. Khi bị rắn độc hay côn trùng cắn thì hạt đậu sẽ hút chặt vào vết cắn và hút nọc độc ra. 

Một Fanpage rao bán đậu Lào thu hút hàng ngàn bình luận đặt mua sản phẩm
Hạt đậu Lào được rao bán trên một Fanpage 

Theo tìm hiểu, dù được rao bán khá lâu trên các trang mạng, nhưng sản phẩm vẫn không hề giảm độ “hot”, đặc biệt khi bước vào mùa mưa, người bị rắn cắn xảy ra nhiều hơn. Rất nhiều trang Fanpage, YouTube... rao bán loại đậu này thu hút hàng ngàn người xem, bình luận hay đặt mua hàng.

Gần đây, người bán chuyển hướng tiếp thị, loại đậu này còn có khả năng hút độc tố trên da, làm lành nhanh các loại mụn viêm... nên được nhiều chị em lùng mua.

Sản phẩm "đậu Lào thần kỳ" cũng mỗi nơi một giá. Có nơi rao 50.000 đồng/hạt nhưng có nơi chỉ 15.000 đồng. Trên các trang thương mại điện tử, hạt đậu Lào bán theo ký, mỗi ký 450.000 đồng.

Suýt tử vong vì đắp đậu Lào

Vì quá tin vào công dụng của loại đậu này mà không ít người “tiền mất tật mang”. Cách đây không lâu, một bé trai 10 tuổi ở Bắc Kạn bị rắn độc cắn và gia đình đã dùng hạt đậu Lào đắp vào vết cắn. Sau đó vài giờ bé trai bị đau nhức, sưng nề, hoại tử lan rộng. Tại Trung tâm chống độc của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bệnh nhi được chỉ định dùng huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất, rồi chuyển đến Bệnh viện Bỏng quốc gia để xử lý vết thương.

Còn bệnh nhân H.V.T. (ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) cũng đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng bàn chân sưng phù, bầm đen lan qua khỏi gối. Bác sĩ buộc phải đoạn chi tới háng để giữ mạng sống cho ông. Theo lời kể người nhà thì trong lúc làm vườn ông T. bị rắn cắn. Thay vì đến bệnh viện chữa trị, ông T. sử dụng các loại lá, đậu Lào để lấy nọc. Tuy nhiên chỉ sau 2 ngày, chân ông T. bắt đầu hoại tử lan qua khỏi gối.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết, thay vì đến bệnh viện điều trị kịp thời, nhiều người chọn điều trị và lấy nọc rắn bằng các phương pháp dân gian, kết quả bị di chứng do nhiễm trùng máu, đoạn chi do hoại tử. Trước đây mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 ca tai biến do rắn cắn vì đắp lá, đậu Lào.  

Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, việc tự chữa trị bằng phương pháp dân gian rất nguy hiểm vì rắn cắn có nhiều loại, có loại gây ngộ độc, nhưng có loại lại gây rối loạn đông máu (rắn lục, chàm quạp). 

Để đắp lá, đắp đậu, nhiều người hay rạch vết thương ra với quan niệm dễ hút độc. Nếu gặp phải loại rắn gây rối loạn đông máu thì việc rạch vết thương sẽ khiến máu chảy không ngừng, gây tử vong vì mất máu. Còn việc đắp lá dễ khiến vi trùng xâm nhập vào cơ thể, gây nhiễm trùng huyết, dẫn đến tử vong chứ chưa hẳn do nọc độc của rắn. Hoặc một số loại như rắn hổ mèo khi cắn gây hoại tử và lan rộng rất nhanh nên nếu không điều trị kịp thời thì vết thương sẽ lan rộng gấp 3-4 lần. Nguy hiểm nhất là rắn hổ chúa, hổ đất, nọc đọc phát tán rất nhanh, nếu không kịp thời đến bệnh viện mà ở nhà điều trị sẽ gây tây liệt toàn thân, thậm chí tử vong.

Nói về công dụng của hạt đậu Lào trong đông y, lương y Nguyễn Đức Nghĩa - Hội dược liệu TPHCM - cho biết, đến nay chưa có công trình y học nào nghiên cứu công dụng của hạt đậu Lào. Hạt đậu này cũng không nằm trong danh mục thuốc y học cổ truyền của Việt Nam.

Cũng theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, thậm chí khi bị côn trùng cắn đốt cũng không được tự ý dùng đậu Lào xử lý vì trong côn trùng có những dị nguyên gây ra nhiều phản ứng dị ứng ở nhiều mức độ. Nếu nhẹ thì chỉ nổi mẩn, hơi sưng đau, nhưng nếu nặng thì gây sốc phản vệ có thể tử vong. Bệnh viện từng tiếp nhận bệnh nhân nhập viện trong trạng thái lơ mơ, tức ngực, khó thở, tê bì chân tay... chỉ vì bị kiến càng cắn.

"Khi bị rắn cắn phải bình tĩnh, không được chạy nhảy hoặc hoảng loạn vì khiến độc tố dễ phát tán hơn. Tiếp đến rửa sạch vết thương, băng nẹp cố định chi bị thương rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Nếu bị ong, côn trùng đốt thì cũng rửa sạch vết thương bằng xà phòng, nếu thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường của sốc phản vệ như tiêu chảy, khó thở, sốt hoặc lạnh... thì lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý" - bác sĩ Lê Quốc Hùng khuyến cáo

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI