Đất "bốc hơi", giấy chủ quyền "mất tích"
Ngày 29/4/1994, ông Trần Văn Minh (58 tuổi, khối 2, thị trấn Núi Thành) đại diện cho một nhóm hộ dân chung nhau vốn mua lại đất theo dạng thanh lý tài sản của UBND huyện Núi Thành. UBND huyện Núi Thành thống nhất bán cho ông Minh một nhà làm việc diện tích 127 m2 và hồ nuôi tôm diện tích 3,7 ha ở khối 2, thị trấn Núi Thành với giá là 115 triệu đồng. Ông Minh đã hoàn thành tất cả nghĩa vụ của mình, nộp tiền vào Kho bạc nhà nước.
|
Ông Nguyễn Lữ cho biết, đã 28 năm nay nhưng UBND huyện Núi Thành vẫn chưa cấp sổ đỏ cho diện tích đã bán thông qua hình thức đấu giá cho những hộ dân nơi đây |
“Kể từ đó đến nay, dù đã nhiều lần có đơn kiến nghị, phản ánh với chính quyền địa phương nhưng UBND huyện Núi Thành vẫn không chịu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tôi. Tôi làm nghề nuôi tôm, nhiều lúc cần phải có tài sản thế chấp để vay vốn kinh doanh. Nhưng phía ngân hàng không thể giải ngân vốn vay nếu không có sổ đỏ đất đai”, ông Minh nói.
Được biết, trong diện tích 3,7ha mà ông Minh mua lại của UBND huyện Núi Thành có sự góp vốn của 3 hộ gia đình khác. “Trong hợp đồng mua bán tài sản, hai bên thống nhất chúng tôi được phép mua lại diện tích 3,7ha, trong đó có nhà làm việc của Trạm Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Núi Thành… Nhưng đến nay, diện tích thực của chúng tôi được sử dụng chỉ có 3,2ha. Còn lại 0,5 ha đất đã "bốc hơi" mất, cũng chẳng có ai đến cắm mốc, xác định ranh giới đất cho chúng tôi cả mấy chục năm nay”, ông Nguyễn Lữ (58 tuổi, khối 2, thị trấn Núi Thành) bức xúc.
|
Khi bán đấu giá là 3,7ha nhưng diện tích thực được sử dụng chỉ có 3,2ha |
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Sinh – Chủ tịch UBND huyện Núi Thành giải thích: “Trước đây, khi bán đất, có lẽ mấy ông ở Hợp tác xã đo bằng tay, sau này đo lại bằng máy có sai số. Nhưng giờ mấy người này cứ đòi đúng diện tích của họ, huyện không đẻ ra được đất để bù vào nên không thể giải quyết”, ông Sinh nói.
Theo ông Sinh, đây là chuyện của những người nhiệm kỳ trước chứ không phải của ông "Tôi không biết. Nguyên nhân chỉ tóm lại như thế này, là những người này đòi đúng diện tích đất trong văn bản đấu giá là 3,7ha. Nhưng mấy ông tiền nhiệm của tôi không đẻ ra được 0,5 ha để bù vào đó nên kéo dài mãi cho đến bây giờ không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chứ có chi đâu”, ông Sinh nói.
Đền bù bèo bọt vì không giấy chủ quyền
Hiện tại, phần lớn diện tích đất của ông Minh đã mua lại này nằm trong diện cần giải tỏa, trong đó có 2 dự án lớn là đường Võ Chí Công (129) và Khu dân cư cao cấp Vịnh An Hòa. Con đường 129 được đánh giá là tuyến đường huyết mạch từ khu vực giáp ranh Đà Nẵng, dọc theo Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình vào dốc Diên Hồng của Tam Kỳ. Đây được xem là bước đệm để phát triển kinh tế vùng đông của Quảng Nam.
|
Mua đất 28 năm vẫn còn vướng mắc nên những hộ dân này không đồng ý giao đất và bị cưỡng chế thu hồi đất để làm con đường 129 chạy ngang qua |
Đường 129 đi qua phần đất của ông Trần Văn Minh, Huỳnh Một, bà Bùi Thị Tuyết Sang, ông Nguyễn Biểu, Nguyễn Lữ, Nguyễn Cư, Nguyễn Xử với diện tích hơn 205 m2. Những hộ dân này không đồng ý với việc áp giá đền bù và những vướng mắc xoay quanh nên UBND huyện Núi Thành đã có Quyết định số 16595/QĐ-UBND về việc cưỡng chế, thu hồi đất để phục vụ công trình xây dựng.
“Chúng tôi chẳng phải muốn làm khó dễ gì nhà nước, nhưng phải giải quyết quyền lợi cho chúng tôi trước đã chứ. Đất thì bị mất 0,5ha, chưa có giấy chứng nhận lại không được giải quyết thì làm sao chúng tôi giao đất”, ông Nguyễn Lữ bức xúc.
Theo ông Minh, cũng chính vì việc đất chưa có giấy chủ quyền nên bị áp giá đền bù chỉ có 36.000 đồng/1m2 đất nuôi tôm sú.
|
Theo người dân, việc đất chưa có giấy chủ quyền nên bị áp giá đền bù chỉ có 36.000 đồng/1m2 đất nuôi tôm sú. |
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Cảnh Hà – Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam cho biết: "Ngay khi nhận được phản ánh của người dân, Ban Quản lý đã cử đoàn giám sát xuống kiểm tra việc thi công con đường ảnh hưởng đến người dân. Còn việc đền bù, giải phóng mặt bằng thì huyện Núi Thành trực tiếp xử lý. Làm một công trình mà phải cưỡng chế người dân là chuyện chẳng đặng đừng".
Nguyễn Dương