Cá kho Vũ Đại: coi chừng mua nhằm cá trắm cỏ
Để giữ gìn và phát triển sản phẩm truyền thống địa phương, Ủy ban nhân dân huyện Lý Nhân (Hà Nam) quyết định thành lập Hiệp hội sản xuất và kinh doanh cá kho Nhân Hậu.
Những cơ sở thuộc Hiệp hội phải tuân thủ một số nguyên tắc và chịu sự kiểm soát (có ban kiểm tra, thanh tra, giám sát) về chất lượng cá, mẫu mã, bao bì sản phẩm. Tuy nhiên, ngay tại làng Vũ Đại, cơ sở kho cá thì nhiều nhưng thuộc Hiệp hội cá kho Nhân Hậu chỉ có 21 cơ sở. Họ không tham gia vì cho rằng mỗi nhà có bí quyết khác nhau, tạo nên CKVĐ riêng, việc sản xuất chung có thể làm mất đi sự độc đáo gia truyền.
|
Vì lợi nhuận, không ít nơi đổi nguyên liệu làm cá kho từ cá trắm đen thành cá trắm cỏ. |
Những hộ kho cá thường xuyên ở làng Vũ Đại chỉ có vài chục, nhưng cứ tết đến có khoảng hơn 200 nhà treo biển bán CKVĐ. Không phải những nhà này sẽ làm CKVĐ dở, không ngon bởi có người tận tâm với nghề, sản phẩm làm ra rất ngon. Song, nếu không chịu sự kiểm soát, không ít người vì lợi nhuận, làm ẩu, khiến khách mua không biết, nghĩ xấu về CKVĐ.
Gõ từ khóa trên Facebook “Cá kho Vũ Đại” sẽ hiện ra hàng chục địa điểm rao bán. Điểm chung của các “cửa hàng” này đều không có địa chỉ cụ thể, ghi chung chung ở Hà Nam, số điện thoại.
Như cửa hàng “Cá Kho Làng Vũ Đại”, có số điện thoại 0934.999xxx bình thường kinh doanh đủ loại mặt hàng, chỉ gần tết mới rao bán CKVĐ, hình minh họa trên cửa hàng đều lấy từ các cơ sở CKVĐ khác trên mạng.
Mới đây, “cửa hàng” có trang web riêng với tên miền là “n.t.com” nhưng cũng không cung cấp địa chỉ, khách mua chỉ cần gọi điện thoại sẽ có người giao, giá 450.000đ/niêu 1 ký. Sản phẩm không hề có thông tin, nhãn mác, chỉ đựng trong hộp giấy.
Ông Trần Xuân Thực – Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh cá kho Nhân Hậu – Hà Nam, chủ cơ sở cá kho Phong Thực (xóm 9, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) cho biết, có thực trạng trà trộn nguyên liệu cá kho.
Cụ thể, cá dùng để làm CKVĐ phải là cá trắm đen, được nuôi bằng ốc, nhưng vì lợi nhuận, các cơ sở kho không chuẩn, kém chất lượng đã trà trộn cá trắm đen bằng cá trắm cỏ.
|
Đúng theo nguyên tắc, CKVĐ phải được kho từ 14 – 16 tiếng thì xương cá mới nhừ, thịt mới chắt. |
Cá trắm đen sẽ có giá 160.000 – 180.000 đ/ký, cận tết có thể tăng lên khoảng 200.000 đ/ký, trong khi cá trắm cỏ chỉ có giá khoảng 50.000 – 70.000 đ/ký. Nếu kho trắm đen thì thịt chắc, cứng, theo từng thớ thịt, mùi thơm, thịt ngọt; còn trắm cỏ thì thịt bở hơn, không dính từng thớ, không có mùi thơm.
Đúng theo nguyên tắc, CKVĐ phải được kho từ 14 – 16 tiếng thì xương cá mới nhừ, thịt mới chắt. Nhưng do tết có quá nhiều đơn đặt hàng, vượt quá khả năng, một số cơ sở ăn gian thời gian kho chỉ còn 5 – 7 tiếng nên thịt cá không chắc, xương không nhừ, ảnh hưởng đến danh tiếng CKVĐ.
Đảm bảo khách hàng không bị mua phải hàng giả, hàng nhái chất lượng kém, cơ sở CKVĐ Trần Luận đã đăng ký quyền sở hữu nhãn hiệu. Tuy nhiên, thương hiệu của cơ sở vẫn bị làm giả, làm nhái. Bằng chứng là có đến hàng chục Facebook tự đăng tin rao bán CKVĐ Trần Luận.
Ví dụ, cửa hàng CKVĐ trên Facebook có số điện thoại liên hệ là 0988.681xxx, giới thiệu có website là “cakhocotruyen.org” nhưng lại không vào được, nhân viên cho biết cứ đặt hàng theo số điện thoại trên Facebook, trang website bị lỗi chưa sửa.
Cửa hàng này còn dẫn đường link: “sản phẩm thông qua cá kho làng Vũ Đại Trần Luận”, tuy nhiên khi đăng nhập vào đường link này thì lại đưa đến một trang Facebook khác. Niêu cá tại “cửa hàng” này chỉ đựng trong hộp giấy không có bất kỳ thông tin nào về sản phẩm.
“Có khách hàng mua CKVĐ Trần Luận từ một địa chỉ Facebook rồi phản ánh “mùi vị cá ăn không ngon”, chúng tôi đành phải đem sản phẩm của cơ sở đến đối chứng, khách mới tin. Sau đó, lại xuất hiện trường hợp làm giả tinh vi hơn, tức vỏ hộp, logo giống y như thật", anh Trần Bá Nghiệp, chủ cơ sở cá kho Trần Luận (xóm 1, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) nói.
Hạt bí Mèo đen: coi chừng mua nhầm bí nhuộm màu
Năm nay, thị trường xuất hiện một loại hạt bí màu đen gọi là hạt bí Mèo đen, một số nơi gọi là bầu nhung.
Chị Lan – tiểu thương tại chợ Tân Định (Q.1) cho biết, hạt bí được chuộng để ăn dịp tết nhưng lại sợ có chất tẩy trắng nên nhiều khách đến chợ hỏi về hạt bí Mèo đen. Nhận thấy đây là mặt hàng tiềm năng nên chị cũng đặt hàng từ miền Bắc đem về bán. Do giá khá đắt 300.000 đ/ký nên chị chỉ lấy theo đơn đặt hàng. Hiện số hàng đem về đã giao hết cho khách và chị đang đặt tiếp đợt khác.
|
Năm nay, thị trường xuất hiện một loại hạt bí màu đen gọi là hạt bí Mèo đen, một số nơi gọi là bầu nhung. |
Theo chị Lan, các loại hạt rừng như dẻ, mắc ca, óc chó khi bán khách còn nghi ngờ vì không biết chắc đó có phải hạt rừng hay không. Nhưng với hạt bí Mèo đen khách hoàn toàn tin tưởng vì có màu đen đặc trưng, được người dân tộc Mông trồng tại Hà Giang, Tuyên Quang.
Bên ngoài có màu đen nhưng hạt bên trong màu trắng, rất chắc, mẩy, ngậy và thơm, hạt to gấp đôi hạt bí thường. Tại các trang bán hàng online như lazada.vn, nhommua.com, shopee.vn… hạt bí Mèo đen được rao bán giá 125.000 đ/400g nhưng luôn trong tình trạng cháy hàng.
Tuy nhiên, hiện nay loại bí mèo đen cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc với bề ngoài đẹp, giá rẻ hơn so với hàng Việt Nam.
Chị Linh – chủ cửa hàng online Hạt Bí Mèo Đen Hà Giang cho biết, do thời tiết khí hậu cũng như trồng dưới dạng hữu cơ, không bón phân hóa học nên mỗi mùa vụ, mỗi nhà lại cho ra loại hạt bí khác nhau, tức hạt to bé, già non không đều.
Chính vì vậy, hạt bí Mèo đen Hà Giang có hạt rất to, nhưng có hạt rất nhỏ, lẫn hạt lép. Hạt được làm bằng thủ công nên thi thoảng vẫn còn màng trắng hoặc hạt lép dính vào. Sau khi rang, màng trắng này cháy thành màu ngà nâu bám ở vỏ, chính vì vậy màu sắc hạt không đều, hạt đen và nâu đen lẫn lộn, vỏ cứng.
Trong khi đó, hạt bí mèo đen Trung Quốc có vỏ mỏng hơn chút xíu, hạt đều tăm tắp, vỏ sạch bong không chút bụi rang, cũng không có màng bám quanh vỏ, tất cả hạt đều đen sì lì như nhau. Nếu hạt bí Mèo đen Hà Giang được bán giá 300.000đ/ký thì của Trung Quốc sẽ có giá rẻ hơn từ 30.000 – 50.000đ/ký.
Hạt dẻ Trùng Khánh: Hàng ở chợ phần lớn là Trung Quốc
Một số tiểu thương tại chợ Bình Tây (Q.6) khẳng định hạt dẻ bán ở chợ phần lớn là hạt dẻ Trung Quốc, một số ít hạt dẻ nhập khẩu từ Nhật, Mỹ. Không hề có hạt dẻ Trùng Khánh.
Theo số liệu thống kê từ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trùng Khánh, hiện cả huyện chỉ có gần 250 ha cây dẻ, sản lượng 180 – 200 tấn/vụ/năm, quá ít để cung cấp cho thị trường. Người dân muốn ăn hạt dẻ phải nhắn người thân gửi từ Trùng Khánh ra mới có.
|
Hạt dẻ Trùng Khánh trên thị trường phần lớn đều là hàng Trung Quốc. |
Trong khi đó, tại các cửa hàng online, đâu đâu cũng rao bán hạt dẻ Trùng Khánh, giá 145.000 đ/ký loại tươi, 175.000 đ/ký loại đã rang, mua bao nhiêu cũng có. Nếu trước đây, hạt dẻ Trung Quốc có kích thước to còn hạt dẻ Trùng Khánh có kích thước nhỏ, thì ngày nay, các điểm bán không biết tìm ở đâu ra hạt dẻ có kích thước đều đều nhau, không quá to như trước kia, gọi là “hạt dẻ lon ton”.
Ông Nguyễn Minh Điền – Giám đốc công ty cổ phần Đặc sản 3 miền (Phan Văn Trị, P.2, Q.5, TP.HCM) cho biết, phần lớn hạt dẻ có mặt trên thị trường đều là hạt dẻ Trung Quốc.
Cứ vào thời điểm cuối năm, đặc biệt là lúc giáp tết Nguyên đán, một lượng lớn hạt dẻ từ Trung Quốc lại ồ ạt tràn vào Việt Nam chiếm lĩnh thị trường với cái mác “hạt dẻ Trùng Khánh” đánh lừa người tiêu dùng. Năm nay cũng không ngoại lệ, do đó khách hàng nên cẩn trọng khi lựa chọn loại hạt này.
Thanh Hoa