Mùa COVID-19: Tại sao người ta tranh mua giấy vệ sinh?

08/03/2020 - 11:12

PNO - Trang mạng Sky News đã đề nghị các chuyên gia giải thích nguyên nhân cơn sốt mua dự trữ hàng hóa và vì sao cuộn giấy vệ sinh lại trở thành mặt hàng được nhiều người mua vét.

 

Để đối phó với coronavirus, người tiêu dùng mua trữ hàng hóa thiết yếu và họ luôn để mắt đến cuộn giấy vệ sinh
Để đối phó với coronavirus, người tiêu dùng mua trữ hàng hóa thiết yếu và họ luôn để mắt đến cuộn giấy vệ sinh

Mới đây, chính phủ Anh đề nghị người dân đừng "hoảng loạn mua sắm” trong cơn lo sợ COVID-19, nhưng nhiều người thực tế đã hành động ngược lại.

Hành vi "phi lý" bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), tâm điểm của virus SARS-CoV-2 gây bệnh dịch COVID-19, trước khi lan rộng khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đến tận các châu lục khác, trong đó có nước Anh.

Sky News đã hỏi ba chuyên gia tâm lý về nguyên nhân của việc mua hàng hoảng loạn và tại sao trong đó có một mặt hàng có nhu cầu đặc biệt cao là giấy vệ sinh.

Người mua hàng giành giật những cuộn giấy vệ sinh trên kệ hàng
Người mua hàng giành giật những cuộn giấy vệ sinh trên kệ hàng

Tiến sĩ Dimitrios Tsivrikos, chuyên gia về khoa học hành vi và tiêu dùng Đại học London (Anh) đã giải thích sự khác biệt giữa hoảng loạn thảm họa và hoảng loạn nói chung, trong đó, giấy vệ sinh trở thành một biểu tượng của hoảng loạn nói chung.

Ông Tsivrikos nói: "Hoảng loạn thảm họa là điều bình thường trước một cái gì đó bạn có nhiều thông tin, chẳng hạn như thiên tai”. Ông giải thích, “bạn biết điều đó sẽ xảy ra và bạn thường biết nó sẽ kéo dài một vài ngày và bạn có thể chuẩn bị một cách hợp lý”.

Ông giải thích, "nhưng trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng, chúng ta không biết về thời gian hay cường độ trong khi mỗi ngày đều nhận thông tin cập nhật, điều này gây nên tâm lý hoảng loạn là nguyên nhân của việc chúng ta mua tích trữ nhiều hơn nhu cầu của mình, vì đó là công cụ kiểm soát (hoảng loạn) duy nhất của chúng ta”.

Ông nói rằng vì giấy vệ sinh có thời hạn sử dụng dài hơn nhiều mặt hàng thực phẩm, nổi bật trên các kệ hàng và được đóng gói kích thước lớn, nên về mặt tâm lý chúng ta bị lôi cuốn mua mặt hàng này khi nổ ra khủng hoảng. Ông nói: "Bịch giấy vệ sinh càng lớn, chúng ta nghĩ nó càng quan trọng!”.

Tiến sĩ Tsivrikos kết luận: "Nếu chúng ta có một ký hiệu quốc tế cho sự hoảng loạn thì đó sẽ là một biển cảnh báo giao thông mà ở giữa là một cuộn giấy vệ sinh”.

Katharina Wittgens, chuyên gia tâm lý về hành vi cá nhân và nhóm của tổ chức Innovationbubble, giải thích, bộ não của chúng ta luôn có khuynh hướng đề phòng mối đe dọa và tìm kiếm sự an toàn, đặc tính này sẽ mạnh hơn khi mối nguy hiểm là "mới và ngoài tầm kiểm soát".

Cô cho biết những người hoảng loạn mua sắm đánh giá quá cao nguy cơ tử vong của COVID-19. Cô nói, “mỗi năm nhiều người chết vì tai nạn xe hơi hoặc các tai nạn trong sinh hoạt, nhưng chúng ta không hoảng loạn về những điều đó vào mỗi buổi sáng trước khi chúng ta đi làm”.

Cô lý giải, "thật khó để thuyết phục bộ não của chúng ta tin các dữ kiện, đó là nguyên nhân tại sao số liệu thống kê thường không có tác dụng”. Cô cho biết những "cơn hoảng loạn" này thường giảm đi sau một tháng khi mọi người có thời gian để suy nghĩ hợp lý hơn.

Chuyên gia tâm lý Wittgens nói, khi chúng ta đứng trước các kệ hàng trống trơn, nhiều người sợ sẽ sắp hết hàng nên ai nấy thường mua nhiều hơn mức họ cần. Điều này trở nên "nguy hiểm" khi một số hàng hóa như xà phòng, thuốc men và thuốc khử trùng không có đủ cho những người có nhu cầu ngay lập tức.

Một gian hàng giấy vệ sinh trống rỗng dễ thấy hơn so với các mặt hàng khác, dẫn đến cơn sốt đối với mặt hàng này được đẩy lên cao”. Bà Wittgens nói thêm rằng, tâm lý mua trữ giấy vệ sinh dường như có nhu cầu cao nhất ở các nước phương Tây, vì "thật khó tưởng tượng nếu thiếu công cụ làm sạch chính mình, khi những vấn đề riêng tư này có thể mang bệnh và cũng có thể kích hoạt nhu cầu cảm thấy an toàn của chúng ta”.

Trong khi đó, chuyên gia tâm lý học Emma Kenny cho rằng "Thật nực cười" khi nói về hành vi mua hàng hoảng loạn, đặc biệt là khi người ta săn giấy vệ sinh. Cô Kenny nói rằng “giấy vệ sinh không phải là công cụ cứu bạn trong tình huống sinh tử, cái chúng ta cần là thực phẩm”.

Chuyên gia tâm lý Emma Kenny nói “thật nực cười” khi người la hoảng loạn mua sắm
Chuyên gia tâm lý Emma Kenny nói “thật nực cười” khi người ta hoảng loạn mua sắm, đặc biệt là săn giấy vệ sinh

Cô giải thích, “đó là lý do tại sao mọi người không thực sự quan tâm đến bản thân virus mà quan tâm nhiều hơn đến việc duy trì những tiện nghi hàng đầu là có thể sử dụng nhà vệ sinh”. Mặc dù có thể hiểu rằng mọi người sẽ cảm thấy lo lắng về vấn đề vệ sinh trong quá trình tự cách ly, nhưng cô Kenny cho biết lượng hàng và giấy vệ sinh mọi người dự trữ là “không hợp lý”.

Thanh Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI