Múa chỉ sống… bề nổi

04/11/2013 - 20:03

PNO - PN - Không chờ đến khi các chương trình truyền hình thực tế về múa xuất hiện, diện mạo của múa Việt Nam mới thay đổi. Trước đó, vở diễn Chuyện kể những chiếc giày của nhóm múa nghệ sĩ Tấn Lộc cũng đã gây cơn sốt, kín vé...

edf40wrjww2tblPage:Content

Lần đầu tiên sau nhiều năm tại Việt Nam, một vở múa đương đại có thể làm người ta khóc, đó là vở Chuyện kể những chiếc giày. Vở diễn này sau đó được mang ra Hà Nội, khán giả ngồi kín khán phòng. Thế nhưng, theo biên đạo múa Tấn Lộc - linh hồn của vở, sau hai năm với nhiều lần gây sốt vé trên cả nước, vở thu lời chỉ được… 20 triệu đồng! Vở Những mảnh ghép của giấc mơ gần đây cũng khiến nhiều người xem đi xem lại hai, ba lần, nhưng với câu hỏi vở đủ thu - chi không, nhạc sĩ Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) trả lời khá… tế nhị: “Khán giả đến với đêm diễn đông như thế và vẫn muốn xem lại nếu có lần sau, đó là khoản thu quá lớn rồi”. Thực tế, vở hoặc các trích đoạn của vở vẫn thường xuyên diễn miễn phí cho khán giả hơn là bán vé, nhất là cho sinh viên. À Ố Show - một chương trình được đầu tư khá bài bản, dành cho khách du lịch là chính, giá vé ngất ngưởng, cũng được khen, cũng sốt vé nhưng theo biên đạo Tấn Lộc - người chỉ đạo nghệ thuật và biên đạo cho chương trình: “Phải một năm nữa may ra À Ố Show mới lấy lại được vốn”.

Mua chi song… be noi

Vở Tích tắc chỉ công diễn hai đêm rồi… xếp kho

Bước ra từ Thử thách cùng bước nhảy, Lâm Vinh Hải trở thành cái tên được nhắc nhiều trong một số sản phẩm, nhưng không phải là về múa. Chia sẻ về cuộc sống sau khi trở thành quán quân cuộc thi, anh cho biết, mình nhận được nhiều lời mời quảng cáo hơn, tham dự nhiều sự kiện hơn, và làm diễn viên trong MV của các ca sĩ cũng nhiều hơn, chứ không phải là được múa nhiều hơn hay kiếm tiền từ múa khá hơn. Xét ở góc độ thực tế nhất, nghĩa là đo đời sống của múa dựa trên việc một diễn viên múa tài năng có thể sống bằng cát-sê múa hay không, câu trả lời vẫn là: không! Đời sống của múa, thực chất chỉ mới có bề nổi với một vài vở diễn đình đám sau một, hai đêm, hoặc ồn ào từ một hai chương trình truyền hình thực tế.

Nguyên nhân, có thể nhận ra ngay từ vở Tích tắc, chỉ diễn hai đêm rồi để đó vì không tìm được địa điểm diễn tiếp. Không gian phù hợp duy nhất ở TP.HCM để diễn là Nhà hát Thành phố thì đã kín hết lịch vào cuối tuần trong năm 2014. Không cần phải tính toán, cũng có thể thấy ngay, chỉ với hai đêm diễn thì dù vé có được bán đắt đến thế nào vẫn không thể bù chi, vì để có hai đêm diễn đó, các diễn viên phải tập luyện ròng rã nhiều tháng trời. Theo biên đạo múa Tấn Lộc, điểm diễn thật sự là một vấn nạn đối với múa, vì tính đặc thù của loại hình này. Địa điểm “vàng” Nhà hát Thành phố không dễ gì thuê được. “Dựng một vở múa rất công phu, được khán giả thích là rất khó nhưng chỉ diễn một-hai đêm thì cũng tội cho múa!”, biên đạo Tấn Lộc nói. Nhưng, đây lại là vấn đề nằm ngoài khả năng của những người làm nghề. Lớp áo lấp lánh của múa hiện nay, vì thế, không hề đồng màu với chén cơm của nghệ sĩ múa.

 Võ Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI