Múa bóng rỗi chông chênh giữ nghề

11/04/2019 - 11:24

PNO - Dù là nghi lễ thờ cúng, MBR vẫn có sức hút lạ kỳ với công chúng nhờ sự hòa quyện giữa tiếng trống, tiếng song lang, tiếng đờn và giọng hát rỗi điêu luyện của các cô bóng.

Trong khuôn khổ Festival Nghệ thuật dân gian Việt Nam lần 1 - 2019 diễn ra từ 13-15/4 tại đường đi bộ Nguyễn Huệ, nghệ thuật múa bóng rỗi (MBR) sẽ lần đầu được “sánh vai” cùng các loại hình nghệ thuật dân gian khác như bài chòi, múa Khmer, đờn ca tài tử… Đây là niềm vui cho những nghệ nhân đã gắn bó gần hết cuộc đời với MBR - loại hình diễn xướng dân gian độc đáo, vừa mang yếu tố tâm linh vừa mang tính giải trí, gắn liền với nghi lễ thờ cúng đình, miễu ở Nam bộ, nhưng chưa được nhìn nhận đúng giá trị và đang có nguy cơ thất truyền.

Gian nan học nghề

“Không biết rồi mai này MBR có còn? Không còn gì níu giữ những người trẻ học và gắn bó với nghề, để giữ đúng lề lối, sự tôn nghiêm mà người đi trước đã truyền lại” - bà bóng - nghệ nhân ưu tú Tư Trầu (H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) trầm ngâm. Từng là diễn viên gánh hát bội của bầu Mách, rành rẽ hát Khách, hát Nam, nhịp nội, nhịp ngoại, nhưng bà Tư Trầu kể, bà vẫn rất lúng túng khi mới học MBR. Không chỉ rành Xuân, Ai, Đảo, Lý; hát sóng đâu, ngừng thàn, mường, san, thài… cô bóng còn phải biết ém hơi để hát rỗi có nội lực, dễ nghe; phải biết nguyên tắc ngắt câu, biết phối hợp giữa ca với nói lối, canh nhịp phách khi đọc rỗi để nghe sao cho ngân nga, trầm bổng…

Mua bong roi chong chenh giu nghe
Nghệ nhân ưu tú Tư Trầu đang hướng dẫn các học trò

“MBR gắn liền với nghi lễ cúng tế thần linh, nhưng không chứa những yếu tố liên quan đến sức mạnh thần thánh. Nghi lễ MBR chỉ nhằm cảm ơn thần linh và cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, gia đạo yên bình, hạnh phúc. MBR đúng nghĩa chỉ có hát rỗi và múa bóng, không có yếu tố dị đoan, đội khăn đỏ, gọi hồn nhập cốt”.

Nghệ nhân Út Son

Từng học chính thức với 6 người thầy, nhưng để trở thành cô bóng nổi tiếng đất Tiền Giang, nghệ nhân ưu tú Tư Trầu còn học lóm những cô bóng giỏi nghề, nhiều kinh nghiệm, bởi mỗi người đều có bí quyết riêng, hiếm khi chịu dạy hết cho trò. Những nghệ nhân nổi tiếng của MBR như cô bóng Út Son (H.Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), ông bóng Minh Hùng (Long An)… thường bắt đầu học nghề ở tuổi mười tám, đôi mươi. Cá biệt, cô bóng Ngọc Thanh (TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) bén duyên với MBR khi mới 8 tuổi. Cô Huỳnh Thị Bé (H.Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) - thế hệ thứ tư của gia đình có năm đời theo nghề MBR - 15 tuổi đã biết hát rỗi, đánh trống, làm nàng.

Dù là nghi lễ thờ cúng, MBR vẫn có sức hút lạ kỳ với công chúng nhờ sự hòa quyện giữa tiếng trống, tiếng song lang, tiếng đờn và giọng hát rỗi điêu luyện của các cô bóng. Phần hát rỗi trên nền nhạc luôn có sự phối hợp của nhiều nhịp điệu, tiết tấu, sinh động như quan niệm về sự dung hòa giữa trời và đất, giữa âm và dương. Phần múa bóng đòi hỏi quá trình luyện tập công phu và sự khéo léo, linh hoạt của cô bóng, là một trong những đặc trưng độc đáo của MBR. Nhìn những cô bóng lắc lư uyển chuyển theo tiếng nhạc, dùng đầu, trán, lưng… điều khiển mâm vàng, lông công, lu đất hay bình rượu nhỏ vắt vẻo trên cây tre cao vút… có người nghĩ, “nhờ Bà đỡ mới không rớt”.

Văn của phần hát rỗi được xem như linh hồn của MBR. Để hát rỗi hay, học trò sẽ được thầy dạy từ bài bản đến nhịp phách, sau cùng mới đến lời văn. Nhưng dù đã biết nhịp, biết bài bản, người học vẫn cứ phải nghe thầy hát và tập theo cho tới khi rành rẽ. Tới khi đó, mỗi người, tùy khả năng sáng tạo của mình, sẽ luyện thêm độ luyến láy, ngân nga hay cách chẻ nhịp, ngắt câu để thành lối hát riêng. Mỗi lễ cúng có những bài văn chúc khác nhau, nhưng đều chung ý nghĩa ca ngợi, cảm ơn công đức của thần linh, mời các vị thần về dự lễ, cầu cho quốc thái dân an, gia đạo yên bình, hạnh phúc. Dù ở phần lễ cúng hay trước khi biểu diễn múa bóng, lời văn cũng phải liền lạc, bài bản và đầy đủ ý nghĩa.

Những bài múa dâng bông, mâm vàng, múa bông huệ, lục bình, cần nhạo, lông công, khạp da, rót rượu bằng đầu… khiến công chúng thán phục sự khéo léo của người biểu diễn, nhưng cũng mang nhiều hàm ý với từng loại đạo cụ. “Chén bông, mâm vàng là những lễ vật không thể thiếu để dâng cúng Bà; múa cần nhạo như lời nguyện ước làm ăn phát đạt, múa lục bình để cầu bình an cho thôn xóm, gia đạo; múa tĩnh là sự tĩnh tâm, an lạc của cộng đồng” - bà Tư Trầu giải thích.

Mua bong roi chong chenh giu nghe
Biểu diễn hát rỗi thỉnh bà của Múa bóng rỗi ở Liên hoan múa bóng rỗi - Địa nàng Nam bộ năm 2017 (Đồng Nai)

Nguy cơ mai một và biến tướng

MBR Nam bộ từng nổi tiếng với các tên tuổi Địa Hữu Lợi, Địa Tí, Nàng Nên, Nàng Hóa, Nàng Hồng, bóng Thu Hồng, bóng Tuấn, bóng Quít, bóng Thủ… Nhưng hiện nay, các nghệ nhân MBR được học hành bài bản chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết họ đều nhận học trò, mong truyền dạy, để giữ gìn nghệ thuật MBR, nhưng đa phần học trò không đủ kiên trì để theo đuổi.

MBR thường chỉ bận rộn tháng Hai đến tháng Tư âm lịch. Nhiều lễ cúng ở đình, miễu, nguồn thu của các nhóm MBR chỉ nhờ vào hảo tâm của bá tánh. Một buổi cúng miễu khoảng 2 tiếng, tiền thu được chia đều, mỗi người nhận từ 400.000-600.000 đồng. Ở những đình miễu nhỏ hoặc vùng xa, thù lao tối đa chỉ 200.000 đồng. Mùa cao điểm, nhiều nhất mỗi nhóm cũng chỉ dám nhận 2 buổi cúng lễ/ngày. Thu nhập không đủ sống, mà học nghề lại đòi hỏi nhiều công phu nên nhiều người trẻ không muốn theo.

Theo thị hiếu của công chúng, nhiều tiết mục múa bóng có độ khó cao đã ra đời như múa dao, múa ghế, đội xe máy… Nhưng theo các nghệ nhân MBR, những tiết mục này thiên nhiều về xiếc, phục vụ nhu cầu giải trí. “MBR có những nguyên tắc mà người làm nghề phải hiểu và làm đúng. Bài múa mâm có ba loại: mâm vàng dành cho lễ cúng miếu Bà; mâm bạc múa trong lễ cúng miếu Ông và mâm ngũ sắc chỉ múa ở các miếu Ngũ hành. Ngoài hát bài bản, các cô bóng, bà bóng còn phải biết nguyên tắc dùng từng bài lý khi hát rỗi: cúng miếu Bà hát Lý con cá, Lý ngựa ô hát ở miếu Ông và Lý cây bông hát khi cúng tại gia trang…” - nghệ nhân Minh Hùng chia sẻ.

Mua bong roi chong chenh giu nghe
Múa mâm vàng của múa bóng rỗi đã được cố NSND Thái Ly đưa vào phần biểu diễn múa dân gian ở những chương trình chuyên nghiệp.

Nhưng điều khiến các nghệ nhân và những người tâm huyết với bộ môn nghệ thuật dân gian này lo lắng hơn cả là sự biến tướng đáng ngại của MBR. Nhiều nhóm đồng tính nam tự giới thiệu là nhóm MBR, nhưng lại không hề am hiểu về bộ môn này. Họ nhận hát đám ma, đám cưới - vốn là điều tối kỵ của nghệ thuật MBR, phần hát rỗi sơ sài, cẩu thả, thậm chí chỉ diễn xiếc tạp kỹ mà bỏ qua phần hát rỗi; có nhóm lợi dụng sự mê tín của một bộ phận công chúng để trục lợi, phát ngôn bừa bãi, làm công chúng hiểu lầm về MBR, thậm chí tạo nên sự kỳ thị đối với những nghệ nhân MBR thực thụ.

Từ năm 2015 đến nay, MBR đã có nghệ nhân Tư Trầu, Minh Hùng và Út Song được xét, trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú; nhưng MBR vẫn bị thả nổi, hoạt động tự phát và thiếu sự hỗ trợ từ Nhà nước. Đến nay, mới có 2 liên hoan dành cho MBR là liên hoan Bóng rỗi và cắt dán mâm vàng do tỉnh Tiền Giang tổ chức năm 2007 và liên hoan bóng rỗi Địa nàng Nam bộ tại Đồng Nai năm 2017. “Một số cán bộ văn hóa địa phương vẫn chưa am hiểu nhiều về MBR và không phân biệt được những nhóm MBR với những nhóm biểu diễn tạp kỹ, dẫn đến gây khó khăn cho các nhóm MBR trong những kỳ lễ hội, cúng đình miễu” - nghệ nhân Tư Trầu nói.

Bao giờ MBR được nhìn nhận đúng với giá trị để có kế hoạch bảo tồn? Những nghệ nhân MBR đa phần đều đã lớn tuổi, có người đã không còn đủ sức múa bóng. Nếu phải tiếp tục chờ đợi, e MBR chỉ còn trong những câu chuyện kể ngày xửa ngày xưa… 

Mua bong roi chong chenh giu nghe
Nghệ nhân Minh Hùng biểu diễn rót rượu bằng đầu

Các bà bóng có một câu châm ngôn: “Bà vui thì dân vui. Dân vui thì bà vui”. Với ý nghĩa đó, MBR là một tục thờ cúng tốt đẹp, đồng thời cũng là một nghệ thuật diễn xướng đặc sắc. Tiếc rằng, khi hầu đồng ở miền Bắc đã được công nhận ở tầm quốc tế thì MBR vẫn chưa được quan tâm. Trong khi đó, so với hầu đồng, yếu tố diễn xướng dân gian ở MBR rõ hơn rất nhiều.

Nên chăng, TP.HCM đại diện các tỉnh thành phía Nam tổ chức hội thảo về tục thờ nữ thần ở Nam bộ và diễn xướng MBR, để xã hội công nhận MBR là nghệ thuật trình diễn dân gian mà không mang màu sắc mê tín như suy nghĩ của một bộ phận công chúng. Tôi cho rằng MBR xứng đáng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, ít nhất ở tầm quốc gia hoặc khu vực. Đã đến lúc lập hồ sơ để xét công nhận MBR là di sản văn hóa phi vật thể, từ đó, Nhà nước có sự quản lý và đầu tư xứng đáng, đặc biệt ở việc truyền dạy nghề và dạy cho lớp trẻ đạo đức làm nghề của người làm bà bóng: không lợi dụng, bày vẽ để làm những điều xằng bậy. Bên cạnh đó, cần có thêm những cuộc liên hoan, để các bà bóng trình diễn và nâng cao tài năng.

Hiện nay, rất nhiều người nhận mình là bà bóng, nhưng lại không được dạy dỗ về đạo đức lẫn nghề nghiệp. Với thực tế này, e rằng MBR sẽ mai một và biến tướng. Nhiều cá nhân lợi dụng MBR để kiếm tiền, trục lợi, báng bổ thần thánh, làm mất lòng tin của người dân vào những điều tốt đẹp.

Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI