Mùa biển nghịch

01/01/2016 - 10:55

PNO - Thêm một mùa không bão tố, bớt đi những tiếng kêu than vì chìm tàu... Và có thêm những tiếng cười áo ấm, cơm no khi cái tết cái tết cận kề.

Mua bien nghich
Mùa biển nghịch nhưng lại thuận cái ăn cho gia đình những phụ nữ này

Lạnh buốt. Ướt át. Tôi đếm, có 38 người phụ nữ mang áo mưa, ủng, găng tay cao su ngồi chờ bên cảng cá Sa Kỳ - Quảng Ngãi. Đó là đội quân bốc, phân loại cá. “Nó (tàu - PV) sắp vào đó - bà Dương Thị Châu, quê Bình Châu, huyện Bình Sơn, vồn vã - chờ từ sáng đến giờ. Mà cháu gặp may đó. Mấy chục tàu vừa ra lại, nay còn chừng ba chiếc”.

Bà rành rõi, bởi có con trai là chủ tàu. Con bà vừa quay mũi tàu ra lại hướng Hoàng Sa. Lặn lội bến cá đã hơn 20 năm, tàu ai trúng trật, bà biết hết. “Cũng được cháu à, tàu tụi nó mỗi đứa chia được chừng gần 10 triệu sau hơn 20 ngày đi, không hơn các năm, nhưng ông trời thương mùa này không giông gió, tết cũng sắp tới rồi”.

Biến đổi khí hậu khiến miền Trung bước qua năm thứ hai mùa đông không bão lụt. Nông dân kêu trời vì năm đến thế nào cũng thiếu nước thủy lợi, chuột, rầy sâu rầm rộ, đất không được tráng lớp phù sa, nhưng dân biển thì lại như trẻ được quà, bởi không có cảnh nằm bờ, mùa… tiêu tiền lại đang cận kề.

Mua bien nghich
Nhiều chủ tàu thắng lớn

“Rồi, rồi!”. Đám người nhốn nháo đứng lên phóng mắt ra biển. Chiếc tàu lớn tấp vào bờ. Đó là tàu Qng 95294 của ông Bùi Phú quê Bình Châu. Tôi nhảy lên tàu. Tiếng một chị la:

“Ơi anh, coi chừng, bao nhiêu người té gãy răng chỗ miếng ván đó”. Tôi ngó xuống, mòn nhẵn, trơn tuột, xuôi một góc chừng 15 độ, phía dưới là nước và đá lởm chởm. Một cánh tay đưa ra, tôi nắm lấy, vọt lên. Cảm giác lạnh biến mất, thay vào đó hơi ấm len vào tim.

Tôi hỏi ngư dân Lê Văn Hạnh: “Trúng không?”. “Được anh, chừng năm tấn cá chuồn và ít cá ngừ, bẹ”. “Chia được mấy?”. “Chắc mỗi người năm triệu”. “Sao lại toàn cá chuồn?”. “Lưới chuồn anh à”. Tiếng một người đàn ông hét: “Dây xịt nước đâu Chung ơi”. Ống dây được chuyển tới. Nắp hầm cá bật ra. Hơn 20 ngày trên biển, cá được ướp đá, dính chặt, phải dùng nước để gỡ ra. Cá chuồn kín chật khoang. Một con cá ngừ đại dương được chuyển lên. “Cá câu đó” - anh Chung giải thích.

Mấy bà thuần thục, ngồi hai bên như đánh domino, gỡ, xếp rồi chuyển rổ nhựa lớn ra chỗ hầm cá. Lại một ông hét: “Tôi nói miết mà mấy bà quên hề, cá xấu, cá xinh bỏ riêng ra chứ, làm như nồi lẩu thế này là sao…”. Phân loại, rửa, ướp đá. Một chiếc xe đông lạnh chờ sẵn. “Giá bao nhiêu một ký?”.

Chị Dung thương lái trả lời: “30 đến 45 ngàn/kg, tùy theo các chợ đó anh”. “Mấy chuyến trước thì sao?”. “Cũng vậy, nhưng năm này cá ít hơn”. “Vừa rồi có bão, dính không?”. “Neo tàu năm ngày ở Hoàng Sa đó anh - Hạnh nói - Không hiểu sao cá càng ngày càng ít, như năm ngoái là tụi em thắng lớn”. “Nhưng nay biển nghịch, không bão là mừng chứ?”. “Dạ, mừng, yên tâm đánh”. “Tàu Trung Quốc có phá không?”. “Có chứ, nhưng mình cứ đánh. Trên bờ bám đất giữ làng thì dưới biển phải bám nước mà sinh sống, giữ biển, dạo này nó cũng ít phá hơn”.

 Một ông chen vào: “Có hai tàu của họ không biết sao cứ quần miết gần chỗ mình đánh, kệ, mình có việc của mình”. Anh Cường lái xe đông lạnh, trầm tư: “Ngư dân khổ lắm. Tôi từng đi biển mà, mong nhà nước giúp bà con nhiều hơn”. “Có chứ - Hạnh lên tiếng - mỗi chuyến bình quân nhà nước hỗ trợ 75 triệu tiền dầu. Tàu ở đây hầu hết đi Hoàng Sa, tàu Trung Quốc nó đuổi, mình quen rồi anh, làm sao đừng để nó chặt phá, cướp dụng cụ, cứ bám, đi theo đội, đánh bắt gần nhau, anh em có chi hỗ trợ, không bám là chết đói”.

Lại chiếc thứ hai cập cảng chở đầy cá chuồn. Hầm đá lâu ngày mở ra gặp không khí, bốc hơi mịt mùng như sương. Lạnh quá. Mặt, tay các ngư dân tím tái. Những người đàn bà hết đứng lại ngồi co ro. Một đời với biển. Đâu phải người đi biển mới khổ với giông gió. Những người như chị Tân đây, quê ở Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, 16 năm bám bến cá nuôi con, hễ mùa biển động, đàn con chị đói theo.

Tay rửa cá, giọng chị trầm lạnh, có lúc nghèn nghẹn: “Năm này may mắn em, không động nên tàu đi miết, mình cũng có thu nhập, mỗi buổi kiếm mấy chục ngàn. Từ đây tới tết chắc biển êm, tụi chị mới có tiền để sắm tết cho gia đình, có năm đói quá phải đi vay mua áo cho con”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI