Mùa bệnh viêm mũi xoang ở trẻ

29/12/2024 - 06:59

PNO - Thời tiết cuối năm trở lạnh kết hợp với tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi mịn, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn và vi rút phát triển mạnh. Điều này khiến trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, trong đó có viêm mũi xoang.

Bệnh dai dẳng, dễ biến chứng

Bác sĩ Đoàn Trịnh Nhã Khanh - Hội Nhi khoa Việt Nam - cho biết, số trẻ em mắc bệnh viêm mũi xoang đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt là trong những tháng cuối năm. Sự thay đổi bất thường của thời tiết và tình trạng ô nhiễm môi trường đã khiến bệnh trở nên phức tạp, kéo dài hơn so với thông thường. Điều đáng lo ngại là nhiều trẻ mắc bệnh viêm mũi xoang tái phát nhiều lần, thậm chí biến chứng thành viêm phổi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, xáo trộn sinh hoạt của cả gia đình.

Hãy thường xuyên lau chùi nhà cửa, thay drap, vỏ gối… để giúp loại bỏ bụi bẩn, mạt bụi và các chất gây dị ứng
Hãy thường xuyên lau chùi nhà cửa, thay drap, vỏ gối… để giúp loại bỏ bụi bẩn, mạt bụi và các chất gây dị ứng

Điển hình là trường hợp của bé trai Đ.H.N. (3 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM). Ban đầu, N. có triệu chứng ho khan nhẹ vào ban đêm. Khi ấy, gia đình chỉ nghĩ đó là một cơn cảm cúm thoáng qua và đã áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà như cho bé uống nhiều nước, mang vớ, mặc áo giữ ấm ngực, cổ. Tuy nhiên, sau 1 tuần, tình hình của bé càng nghiêm trọng hơn. Cơn ho của bé ngày càng dữ dội, kèm theo tiếng khò khè. N. quấy khóc, ăn uống kém và sốt nhẹ nên phải nghỉ học. Ba mẹ bé thay nhau nghỉ việc để chăm sóc con giữa thời điểm bận rộn cuối năm khiến cả nhà vô cùng áp lực, cuộc sống trở nên xáo trộn. Tình trạng này kéo dài suốt 3 tuần khiến ba mẹ bé vô cùng lo lắng và đưa con đi khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm mũi xoang.

Trường hợp khác là bé gái P.T.M. (2 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM). M. khởi phát bệnh với dấu hiệu sốt nhẹ và sổ mũi trong nhiều ngày liền. Mẹ đã cho bé uống thuốc hạ sốt và các loại thuốc cảm cúm thông thường nhưng tình trạng vẫn dai dẳng. Đêm, bé bị nghẹt mũi, phải thở bằng miệng. Mỗi khi thức dậy, mũi bé chảy rất nhiều dịch nhầy màu vàng xanh. Mẹ đã đưa M. đi khám ở phòng khám tư gần nhà và cho bé uống thuốc theo toa của bác sĩ. Thế nhưng, bệnh chỉ đỡ chứ không khỏi hẳn, cứ tái đi tái lại cả tháng nay. Bé còn nhỏ mà cứ liên tục đi khám rồi uống thuốc, ăn uống kém khiến cả nhà vô cùng lo lắng.

Thêm một trường hợp là bé trai N.V.Đ. (18 tháng tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) vốn là một trẻ sơ sinh nhẹ cân. Từ khi thời tiết chuyển lạnh, bé thường xuyên bệnh vặt. Lần này, bệnh của bé diễn biến rất phức tạp. Ban đầu, bé chỉ bị sổ mũi và ho nhẹ. Nhưng chỉ sau vài ngày, tình trạng của bé chuyển biến xấu đi nhanh chóng. Bé ho rất nhiều, tiếng ho nghe khò khè và khó thở. Thấy con mình thở nhanh, thở co rút lõm lồng ngực, mặt tím tái, mẹ bé hoảng hốt đưa bé đi khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi, yêu cầu nhập viện theo dõi ngay.

Cần phát hiện kịp thời và can thiệp đúng cách

Qua đó, bác sĩ Nhã Khanh nhận định, viêm mũi xoang ở trẻ nhỏ không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu như sổ mũi, ho, hắt hơi… mà còn có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách. Nếu bệnh không được xử trí triệt để, cứ dai dẳng, kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới thể trạng và sự tăng trưởng của trẻ. Thời tiết thay đổi, ô nhiễm không khí và sức đề kháng của trẻ yếu là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, khiến bệnh trở nên phức tạp hơn.

Ô nhiễm không khí, đặc biệt là các hạt bụi mịn PM 2.5 và các chất độc hại khác, khi kết hợp với thời tiết lạnh đã trở thành mối đe dọa lớn đối với sức khỏe đường hô hấp của trẻ nhỏ. Các hạt bụi mịn đủ nhỏ để xâm nhập sâu vào phổi, gây kích ứng và viêm niêm mạc mũi họng. Đồng thời, thời tiết lạnh làm co mạch máu, khiến niêm mạc mũi khô hơn và dễ bị tổn thương. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và vi rút xâm nhập, gây viêm nhiễm và sản sinh nhiều dịch nhầy. Dịch nhầy ứ đọng trong xoang gây áp lực, dẫn đến các triệu chứng điển hình của viêm mũi xoang như nghẹt mũi, chảy mũi, đau đầu, giảm khứu giác.

Trẻ em thường nhạy cảm hơn người lớn với các tác nhân gây bệnh, do đó dễ mắc viêm mũi xoang cấp tính hơn. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, viêm mũi xoang cấp tính có thể chuyển sang mạn tính, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Các biến chứng của viêm mũi xoang mãn tính bao gồm viêm tai giữa, viêm xoang trán, viêm xoang hàm, thậm chí viêm màng não.

Viêm mũi xoang kéo dài gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Trẻ thường xuyên bị nghẹt mũi, khó thở, ngủ ngáy, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và khả năng tập trung. Các triệu chứng trên không chỉ gây khó chịu mà còn làm giảm hiệu quả học tập và hoạt động vui chơi của trẻ.

Những sai lầm thường gặp

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ Nhã Khanh nhận thấy không ít cha mẹ mắc sai lầm khi chăm sóc trẻ bị viêm mũi xoang. Sai lầm phổ biến nhất là lạm dụng thuốc. Việc tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, corticoid hoặc các loại thuốc xịt mũi chứa corticoid mà không có chỉ định của bác sĩ hết sức nguy hiểm.

Bác sĩ Đoàn Trịnh Nhã Khanh đang khám cho một trường hợp viêm mũi xoang kéo dài - ẢNH: Đ.K.
Bác sĩ Đoàn Trịnh Nhã Khanh đang khám cho một trường hợp viêm mũi xoang kéo dài - ẢNH: Đ.K.

Lạm dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc, làm giảm hiệu quả điều trị trong các đợt bệnh sau và tăng nguy cơ nhiễm trùng bởi các vi khuẩn kháng thuốc. Dù corticoid có tác dụng giảm viêm hiệu quả nhưng nếu sử dụng không đúng cách có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng như teo niêm mạc mũi, suy giảm miễn dịch, làm chậm quá trình tăng trưởng ở trẻ và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác.

Bên cạnh đó, tin tưởng vào các phương pháp dân gian hoặc sử dụng các loại thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc cũng là một sai lầm thường gặp ở phụ huynh. Thuốc gia truyền có thể chứa các thành phần không rõ ràng, gây kích ứng niêm mạc mũi, thậm chí gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng.

Một sai lầm khác nữa là sử dụng nước muối sinh lý không đúng cách. Nhiều phụ huynh tự pha nước muối tại nhà mà không đảm bảo vô trùng hoặc xịt rửa mũi quá mạnh, quá thường xuyên dẫn tới tổn thương niêm mạc mũi của trẻ, gây kích ứng, làm bệnh tình trở nên nặng hơn.

Cuối cùng, chủ quan với các triệu chứng ban đầu của bệnh là một sai lầm đáng tiếc. Việc phụ huynh nghĩ rằng con mình chỉ bị cảm cúm thông thường và tự điều trị tại nhà có thể dẫn đến việc bệnh tình kéo dài, chuyển biến phức tạp và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Để phòng ngừa và điều trị hiệu quả bệnh viêm mũi xoang ở trẻ, chăm sóc toàn diện đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ngoài việc giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng mũi họng, cần chú trọng đến việc vệ sinh môi trường sống.

Hãy thường xuyên lau chùi nhà cửa, thay drap, vỏ gối, hút bụi, sử dụng máy lọc không khí để giúp loại bỏ bụi bẩn, mạt bụi và các chất gây dị ứng. Đồng thời, nên hạn chế để trẻ tiếp xúc với khói bụi, hóa chất, phấn hoa và lông động vật.

Bên cạnh đó, chế độ ăn uống lành mạnh, giàu vitamin và khoáng chất như vitamin C, vitamin A, kẽm, kết hợp với việc uống đủ nước sẽ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng. Vệ sinh mũi họng hằng ngày cho trẻ bằng nước muối sinh lý là một thói quen tốt, giúp làm sạch và loại bỏ các chất bẩn. Ngoài ra, cha mẹ nên khuyến khích trẻ tăng cường vận động và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá. Khi trẻ có các triệu chứng bất thường, cần đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI