Mùa bệnh ngoài da ở trẻ

31/08/2024 - 06:37

PNO - Thời tiết nóng nực lại có những cơn mưa bất chợt thường khiến phụ huynh lo lắng về những căn bệnh dễ gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là bệnh ngoài da.

Không khí nóng ẩm, cộng với hoạt động vui chơi ngoài trời khiến làn da non nớt của trẻ dễ bị tổn thương. Nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh sẽ trở nặng ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống, từ đó ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng.

Thời tiết nắng nóng kết hợp với những cơn mưa bất chợt dễ khiến trẻ mắc bệnh ngoài da. Nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách, tình trạng bệnh sẽ tiến triển phức tạp, gây ảnh hưởng tới chất lượng sống
Thời tiết nắng nóng kết hợp với những cơn mưa bất chợt dễ khiến trẻ mắc bệnh ngoài da. Nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách, tình trạng bệnh sẽ tiến triển phức tạp, gây ảnh hưởng tới chất lượng sống

Tự điều trị làm bệnh thêm nặng

Chị P.T.H. (ngụ quận 3, TPHCM) chia sẻ, con gái chị là bé M.K. (6 tháng tuổi) bị hăm da do tã lót bởi thời tiết nắng nóng. Chị đã bôi cho con một loại kem trị nấm được người quen giới thiệu. Ban đầu, tình trạng có vẻ thuyên giảm nhưng sau đó trở nên nghiêm trọng hơn. Vùng da bị hăm đỏ rực, sưng tấy, xuất hiện nhiều mụn nước. Bé bỏ bú, bỏ ăn, liên tục quấy khóc cả đêm vì ngứa ngáy. Đến khi đi khám, bé được chẩn đoán bị nhiễm trùng da do vi khuẩn.

Trường hợp khác là bé H.M. (9 tháng tuổi, ngụ quận 10, TPHCM). Bé M. có tiền sử viêm da cơ địa. Da bé thường xuyên khô, ngứa và xuất hiện các mảng đỏ. Mẹ bé đã mua nhiều loại kem dưỡng da và thuốc kháng histamin không kê đơn để bôi cho con. Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện, thậm chí còn trầm trọng hơn. Các vết ngứa ngày càng lan rộng, bé cào gãi nhiều đến nỗi da bị trầy xước, chảy máu.

Thêm một trường hợp là bé T.A. (11 tháng tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM). Gần đây, trên da đầu bé xuất hiện nhiều mụn nước nhỏ, vỡ ra tạo thành vảy vàng. Mẹ bé đã bôi thuốc tím lên các vết loét để sát trùng. Thế nhưng, thuốc tím lại làm cho các vết loét khô hơn, gây đau rát và chậm lành. Bé A. bứt rứt, khó chịu, ngủ không ngon giấc, quấy khóc. Bé hay cào gãi vết thương làm các chỗ bị đóng vảy bong tróc, chảy máu, chảy dịch.

Còn có cả những trường hợp viêm da thông thường nhưng không được vệ sinh và dưỡng ẩm đủ gây ra những vết loét và trầy xước, da rỉ dịch. Các ca bệnh này rất khó điều trị và dễ nhiễm khuẩn bởi đa phần các loại thuốc bôi đều không được dùng trên vết thương hở. Với những trường hợp như vậy, thông thường, bác sĩ sẽ cho trẻ bôi thuốc màu như: xanh (methylen), đỏ (eosin) để vết thương khô ráo, sau đó mới chăm sóc.

Côn trùng gây hậu quả nghiêm trọng

Mới đây, bé M.A. (8 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) vừa chui vào mền để ngủ thì bất ngờ cảm thấy rát bỏng và ngứa ngáy dữ dội ở cánh tay.

Ban đầu, mẹ bé nghĩ rằng con gái bị muỗi chích nên đã bôi thuốc chống muỗi thông thường. Sau vài giờ, vết thương sưng đỏ, nổi mụn nước li ti và lan rộng ra xung quanh. Bé liên tục gãi khiến da trầy xước, xuất huyết và hình thành những vệt đỏ dài giống như vết roi.

Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang. Nhà bệnh nhi ở chung cư cao tầng, hay mở cửa sổ cho thông thoáng nhưng không kéo cửa lưới. Mưa xuống, kiến ba khoang bay vào nhà, núp dưới chăn mền. Bé M.A. vô tình chạm phải. Chất độc trong cơ thể kiến ba khoang khi tiếp xúc với da sẽ gây ra phản ứng viêm mạnh, biểu hiện bằng những nốt mụn nước, phỏng rộp, ngứa ngáy dữ dội. Bác sĩ kê đơn thuốc kháng histamin để giảm ngứa, thuốc corticoid bôi ngoài da để giảm viêm và các loại thuốc kháng sinh (nếu có nhiễm trùng).

Qua các trường hợp kể trên, bác sĩ Đoàn Trịnh Nhã Khanh - Hội Nhi khoa Việt Nam - khuyến cáo rằng tuy các bé mắc phải những vấn đề về da khác nhau nhưng điểm chung là các bậc phụ huynh đều đã tự ý điều trị cho con mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Việc sử dụng bừa bãi thuốc không kê đơn, đặc biệt là các loại thuốc có tính sát khuẩn mạnh như thuốc tím, khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Vào thời điểm nắng nóng giao thời với mùa mưa, các bác sĩ thường ghi nhận nhiều trường hợp tới khám vì bị hăm da ở trẻ sơ sinh, viêm da. Vị trí bị tổn thương chủ yếu tại các nếp gấp tự nhiên như nách, cổ, khuỷu tay, khuỷu chân… Ngoài ra, có không ít bé bị côn trùng đốt, đặc biệt là kiến ba khoang. Mặt khác, chốc, lở hay ghẻ, bệnh da do ký sinh trùng cũng là vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ khi thời tiết nắng nóng.

Bệnh ngoài da nếu không được chăm sóc đúng cách, điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiễm trùng da nặng và có thể bội nhiễm làm bệnh tình phức tạp hơn như viêm mô tế bào, nhiễm trùng máu…

Không khí nóng ẩm, cộng với hoạt động vui chơi ngoài trời khiến làn da non nớt của trẻ dễ bị tổn thương
Không khí nóng ẩm, cộng với hoạt động vui chơi ngoài trời khiến làn da non nớt của trẻ dễ bị tổn thương

Bọ chét trên thú cưng cũng có thể gây ra bệnh ngoài da ở trẻ

Thời tiết nắng nóng, mồ hôi nhiều, đặc biệt là khói bụi kết hợp với mồ hôi của trẻ tích tụ tại các nếp gấp tự nhiên gây tình trạng viêm da. Nếu làn da thiếu sự chăm sóc và không khô thoáng cũng rất dễ mắc bệnh. Không chỉ kiến ba khoang, muỗi…, nếu nhà có nuôi thú cưng thì bọ chét trên thú cưng cũng có thể gây ra các bệnh ngoài da ở trẻ. Vết đốt của côn trùng thường gây ngứa, sưng đỏ, thậm chí gây nhiễm trùng nếu không được chăm sóc đúng cách.

Để phòng tránh, cha mẹ nên cho trẻ ngủ màn, sử dụng thuốc xịt muỗi, mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài, đặc biệt là vào buổi tối. Khi trời mưa, côn trùng thường bay vào trú ẩn trong nhà, dưới mùng mền và cắn trẻ. Vì vậy, các gia đình cần có rèm cửa chống côn trùng. Phụ huynh nên kiểm tra mền gối trước khi đi ngủ và quần áo trước khi mặc cho trẻ.

Những cơn mưa mùa hè thường tạo ra những vũng nước bẩn - nguồn lây gây ra các vấn đề như chốc, lở, ghẻ hay bệnh ký sinh trùng. Cần giữ trẻ sạch sẽ, tránh xa những vũng nước bẩn, vệ sinh môi trường sống xung quanh nhà và làm sạch những ao tù nước đọng…

Nhận biết các dấu hiệu bất thường ở da để kịp thời chăm sóc và đưa trẻ đi khám là vô cùng quan trọng. Khi trẻ có những vấn đề ngoài da như nổi ban hay mụn nước nhỏ, sau đó lan rộng ra những vùng da xung quanh hoặc trẻ ngứa ngáy, nóng rát, khó chịu vì các vấn đề ngoài da, cha mẹ không được tự ý bôi thuốc, dầu gió, rượu thuốc hay đắp lá… Hãy đưa bé đến bác sĩ để được kiểm tra và kê thuốc uống, thuốc bôi phù hợp.

Trẻ rất hay cào gãi vì khó chịu, ngứa ngáy. Phụ huynh cần theo dõi sát, giữ cho những mụn nước trên da trẻ khô, đặc biệt không được cào vỡ chúng. Những bóng nước do kiến ba khoang gây ra khi bị vỡ sẽ gây lở loét, viêm và nhiễm trùng da. Ngoài sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, phụ huynh cần đặc biệt chú ý vấn đề vệ sinh, cắt móng tay móng chân cho trẻ, tránh bé cào gãi làm vết thương thêm trầm trọng.

Trên da của trẻ cũng có một hệ vi trùng thường trú, chúng sẽ tấn công vào những vết thương hở như vết cào gãi, vùng da bị viêm xước… Qua đó, vi trùng sẽ xâm nhập vào da, sinh sôi và gây nhiễm trùng, phù nề, gọi là viêm mô tế bào. Tùy mức độ nhiễm trùng mà bé cần sử dụng kháng sinh đường uống hay đường tiêm. Triệu chứng điển hình của viêm mô tế bào là đỏ da tại chỗ, da ấm, sau đó sưng đau, phù nề và có thể gây sốt… Nếu thấy trẻ có dấu hiệu kể trên, cha mẹ cần đưa bé đi khám sớm tránh tình trạng nhiễm trùng diễn tiến nặng.

Thanh Huyền

Ảnh minh họa: internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI