|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Nhiều ca bệnh nặng phải nhập viện để theo dõi, điều trị. Lượng bệnh nhi nhập viện bắt đầu tăng cao do các bệnh hô hấp ở trẻ em tăng mạnh mùa này. Ghi nhận tại BV Nhi Đồng 2 TP.HCM cho thấy, số bệnh nhi mắc bệnh hô hấp hiện tăng 20% so với trước đó. Nhiều ca bệnh nặng phải nhập viện để theo dõi, điều trị. Không ít trường hợp trẻ tử vong.
Chớ xem thường "khò khè"
Vào hè, thời tiết mưa nắng thất thường, nhiệt độ và độ ẩm thay đổi liên tục khiến trẻ em - đối tượng có sức đề kháng kém - rất dễ mắc các bệnh lý về hô hấp (ho, sổ mũi, cảm…) và bệnh tiêu hóa. Đây là những bệnh lây nhiễm từ siêu vi.
Trẻ nhỏ dưới một tuổi thường bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Trẻ lứa tuổi học đường phần lớn mắc các bệnh về tiêu hóa, tiêu chảy cấp. BS Nguyễn Anh Tuấn - Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 cho biết: thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi ngày nóng, đêm lạnh, siêu vi dễ phát triển.
Trẻ bị nhiễm siêu vi bị cảm cúm thường sốt nhẹ hoặc sốt cao kèm đau đầu, đau cơ, chóng mặt, hắt hơi, sổ mũi. Bệnh viêm tiểu phế quản thường gặp ở trẻ nhỏ dưới hai tuổi do đường thở của trẻ hẹp, ngắn, vi trùng dễ xâm nhập từ mũi, họng vào phế quản, dẫn đến tiểu phế quản bị viêm, đọng đàm nhớt, trẻ thở khò khè.
Trường hợp trẻ nhiễm trùng nặng hơn, từ viêm họng, viêm phế quản, nhiễm trùng có thể lan tới phổi gây viêm phổi. “Lúc này, trẻ có dấu hiệu sốt kèm tăng nhịp thở, khó thở. Nếu không kịp thời điều trị, trẻ sẽ bị suy hô hấp và tử vong. Vì vậy, nếu trẻ bị viêm phổi không kèm dấu hiệu khó thở, bác sĩ sẽ chỉ định uống kháng sinh và theo dõi sát sao; đồng thời nhắc kỹ người nhà bệnh nhân cần đưa trẻ quay lại tái khám kịp thời khi có những dấu hiệu nặng kể trên”, BS Tuấn nhấn mạnh.
Đáng lưu ý, thời gian gần đây, khoa Hô hấp BV Nhi Đồng 2 TP.HCM thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhỏ dưới hai tuổi bị bệnh đường hô hấp sau quá trình điều trị từ 7-14 ngày nhưng đã không qua khỏi.
Như trường hợp bé T.G.P. (hai tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) nhập viện trong tình trạng sốt cao, thở nhanh, khó thở, suy hô hấp… Bệnh nhi bị nhiễm vi trùng độc tính cao nhưng cơ thể đã lờn thuốc kháng sinh nên thuốc không có tác dụng.
Các BS cho biết, bệnh nhi bị viêm phổi kèm bệnh tim bẩm sinh nên suy giảm miễn dịch, cộng với việc trẻ bị kháng thuốc do trước đó gia đình cho trẻ dùng kháng sinh bừa bãi, tự ý mua cho trẻ dùng hoặc dùng không theo đúng chỉ định của BS. Thực tế, kháng sinh thường được khuyến cáo sử dụng từ năm-bảy ngày, nhưng nhiều bà mẹ sốt ruột, trẻ mới uống được hai-ba ngày đã cho ngưng thuốc, điều này vô tình giúp vi trùng kháng thuốc, khi điều trị không còn tác dụng.
Trẻ bị viêm phổi nhập viện trong tình trạng sốt cao, thở nhanh, khó thở, suy hô hấp. Những trường hợp nặng, BS chỉ định cho trẻ thở ôxy, hỗ trợ hô hấp, nếu tình trạng nặng hơn thì đặt nội khí quản cho trẻ thở máy, đặc biệt khi trẻ có những cơn ngưng thở. Hướng điều trị chính là cho trẻ uống kháng sinh, trường hợp nặng, BS phải truyền kháng sinh đường tĩnh mạch. Đáng lo là nhiều trẻ sức đề kháng kém, khi mắc bệnh, tùy cơ địa, có trẻ bị nhiễm trùng, dẫn đến tử vong.
Riêng bệnh đường tiêu hóa, nhiều trẻ bị tiêu chảy từ mức độ nhẹ đến tiêu chảy cấp. Nguyên nhân do trẻ bị nhiễm vi khuẩn từ đường miệng do ăn uống không đảm bảo vệ sinh, trời nóng thức ăn dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn; trẻ nhỏ thường ngậm tay, đồ chơi bẩn… Trường hợp nhẹ, trẻ bị tiêu chảy kéo dài từ ba - bảy ngày, thường được điều trị ngoại trú. Những trẻ bị tiêu chảy cấp nặng, bị mất nước nhiều, buộc phải nhập viện theo dõi, truyền dịch vì lúc này bệnh nhi bị rối loạn điện giải, nếu không kịp thời điều trị, có thể dẫn đến biến chứng suy thận.
Chăm trẻ bệnh: Sai một ly, đi một dặm
Đáng lưu ý là, mùa này tuy chưa thành dịch nhưng đã có nhiều trẻ bị sốt xuất huyết. BS Tuấn lưu ý: “Nhiều trường hợp trẻ bị sốt bình thường, gia đình đưa trẻ khám ở BV tư liền được truyền dịch để trẻ khỏe. Điều này rất nguy hiểm, vì những trẻ sốt xuất huyết biến chứng nặng thường bị sốc, khi đó mới cần truyền dịch.
Với trường hợp trẻ đã được truyền dịch trước đó, sẽ dẫn đến tình trạng lượng dịch dư, gây nguy hiểm cho trẻ, vì nếu quá tải dịch, trẻ sẽ bị phù phổi cấp. Phụ huynh không nên đưa trẻ đến phòng mạch tư truyền dịch bừa bãi”.
Bên cạnh đó, một sai lầm trong chăm sóc trẻ nữa là, khi trẻ bị tiêu chảy, thay vì cho trẻ uống nhiều nước, kèm thuốc bù nước và các chất điện giải bị mất (Na, Ka, glucose); cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng, thì nhiều gia đình lại cho trẻ kiêng cá, thịt, dầu mỡ, rau củ quả… vì cho rằng “bụng đang yếu, chỉ ăn cháo trắng”.
Theo khuyến cáo của các BS, trẻ bị tiêu chảy vẫn nên ăn uống bình thường và vệ sinh kỹ. Cần lưu ý, phân của trẻ bị bệnh là nguồn lây nhiễm cho những người trong nhà, kể cả người lớn. Người lớn chăm sóc trẻ cũng phải thường xuyên rửa tay kỹ, khử trùng những vật dụng trẻ thường tiếp xúc
Ngoài ra, nhiều gia đình chăm sóc trẻ bệnh sai cách như: quan niệm trẻ bị bệnh thì phải kiêng gió, nước; ủ kín trẻ, không tắm cho trẻ… dẫn đến nhiều trẻ bị sốt phát ban, sốt xuất huyết mà không được phát hiện kịp thời. Thông thường, trẻ sau khi sốt ba - năm ngày sẽ phát ban. Đây là hiện tượng bình thường sau sốt, chứng tỏ trẻ hồi phục bệnh.
Nhưng không ít gia đình thấy trẻ bị phát ban thì sốt ruột và tự ý cho trẻ dùng thuốc Đông y để sổ ban, làm trẻ ngộ độc thuốc. BS Tuấn cho biết: “Nhiều trẻ nhập viện do ngộ độc chất thạch tín có trong một số loại thuốc gia truyền. Với trẻ ngộ độc thuốc cấp tính và nổi dị ứng, trẻ được chỉ định uống thuốc trị dị ứng. Nhưng nguy hiểm hơn là ngộ độc thuốc mạn tính, hậu quả sẽ tới từ từ, tác động đến sự phát triển của trẻ.
Vì vậy, phụ huynh không nên tự ý cho trẻ uống thuốc khi không có chỉ định của BS chuyên khoa nhi”. Với trẻ bị viêm tiểu phế quản, tùy mức độ bác sĩ sẽ quyết định hướng điều trị. Bệnh nhẹ, trẻ có thể điều trị ngoại trú, cho trẻ uống nhiều nước, sử dụng si rô ho thảo dược an toàn. Bệnh nặng (sốt cao, khó thở, bỏ bú, nôn ói...), phải cho trẻ nhập viện. Nếu trẻ bị đàm nhiều, bác sĩ điều trị sẽ chỉ định kỹ thuật viên vật lý trị liệu giúp tống đàm ra ngoài, vì trẻ nhỏ chưa biết tự khạc đàm ra. Một số trẻ bị viêm tiểu phế quản có thể bị bội nhiễm, sốt cao, phải nhập viện, BS sẽ chỉ định xông khí dung kết hợp thuốc dãn phế quản.
Thực tế, nhiều cha mẹ thấy con cứ đi khám bệnh hô hấp là được chỉ định xông khí dung, “để tiết kiệm, đỡ mất thời gian”, không ít gia đình tự mua máy xông khí dung về xông cho trẻ. Phần lớn chỉ xông nước muối sinh lý, nhưng cũng có người tự ý xông thuốc cho trẻ mà không qua chỉ định của BS.
“Không nên tự ý xông khí dung cho trẻ, vì xông bằng nước muối không có tác dụng nhiều; trong khi việc sử dụng thuốc dãn phế quản phải có chỉ định của BS. Hơn nữa, thực hiện xông ở nhà khâu vệ sinh không đảm bảo, thao tác sai, vô tình đưa vi trùng vô sâu đường hô hấp của trẻ khiến tình trạng bệnh thêm nặng”, BS Tuấn khuyên.
Cách chăm sóc, bảo vệ trẻ tốt nhất trong “mùa bệnh” này là luôn giữ ấm cho trẻ, nhất là buổi tối khi cho trẻ ra ngoài. Cần cho trẻ ăn uống đầy đủ chất theo đủ bốn nhóm dinh dưỡng khuyến nghị (tinh bột, đạm, chất béo, rau củ quả). Đặc biệt, phải cho trẻ uống nhiều nước vì trời nóng khiến trẻ bị mất nước do ra mồ hôi nhiều; cần vệ sinh sạch sẽ cho trẻ và người chăm sóc trẻ. Điều cực kỳ quan trọng nữa là hạn chế cho trẻ tiếp xúc với mầm bệnh (không tiếp xúc, sử dụng chung đồ chơi, dụng cụ của những trẻ, người lớn bị bệnh). Người lớn khi ra ngoài về nhà phải thay áo quần, vệ sinh sạch sẽ trước khi tiếp xúc với trẻ. Cha mẹ cần tiêm chủng đầy đủ cho trẻ để phòng ngừa bệnh.
Tử vong do viêm phổi ở Việt Nam đứng hàng đầu trong các nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em. Hàng năm trung bình tần suất mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính của mỗi trẻ từ bốn - năm lần. Tử vong do viêm phổi ở trẻ dưới năm tuổi chiếm 1/3 trong tổng số các nguyên nhân tử vong. Trẻ dưới năm tuổi mắc bệnh cao nhất là ở Đông Nam châu Á với tỷ lệ là 0,36 đợt/trẻ/năm. Nếu xếp thứ tự và chọn ra 15 nước trên thế giới có số trẻ mắc viêm phổi hàng năm cao nhất là Ấn Độ với 43 triệu trẻ. Việt Nam được xếp thứ chín với tổng số trẻ mới mắc hàng năm là 2,9 triệu trẻ. Biểu hiện lâm sàng bệnh viêm phổi ở trẻ: thở nhanh là dấu hiệu có giá trị chẩn đoán viêm phổi cao nhất; rút lõm lồng ngực là dấu hiệu của viêm phổi nặng; sốt cao cũng là một triệu chứng thường gặp; trẻ khò khè. Các triệu chứng phập phồng cánh mũi, thở rên, bú kém, kích thích, và các bất thường khi khám phổi thay đổi phụ thuộc vào tuổi bệnh nhân và độ nặng của bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới đã phân loại viêm phổi thành các thể: rất nặng, nặng và không nặng dựa vào các triệu chứng lâm sàng trên, và hướng điều trị tùy tình trạng bệnh. |
Nguyễn Cẩm