Mua bảo hiểm ô tô điện, cần hỏi rõ về pin

25/02/2023 - 05:58

PNO - Pin ô tô điện có giá khá cao, dễ bị hư hỏng, cháy nổ. Các công ty bảo hiểm thường đưa ra các điều khoản loại trừ bảo hiểm pin xe nhưng lại không được nhắc đến trong hợp đồng, nhân viên bán bảo hiểm cũng không tư vấn cho khách.

 

Nhân viên tư vấn không rõ ràng, hợp đồng thiếu chặt chẽ... có thể khiến khách hàng mua bảo hiểm pin xe điện
Nhân viên tư vấn không rõ ràng, hợp đồng thiếu chặt chẽ... có thể khiến khách hàng mua bảo hiểm pin xe điện chịu thiệt (ảnh minh họa)

Nhân viên bảo hiểm cũng không nắm rõ 

Khi chúng tôi liên hệ, tìm hiểu về bảo hiểm ô tô điện, nhân viên một đại lý bảo hiểm trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TPHCM) cho biết, tùy theo mức giá của ô tô điện mà phí bảo hiểm khác nhau. Chẳng hạn, xe VF8 Eco của hãng Vinfast không kèm pin, giá 1,1 tỉ đồng thì phí niêm yết của Công ty Bảo hiểm Dầu Khí (PVI) là gần 10,6 triệu đồng. Phí như vậy nhưng đại lý chỉ thu gần 9,6 triệu đồng, tặng kèm bảo hiểm bắt buộc. Xe VF9 Eco không kèm pin, giá 1,4 tỉ đồng, phí bảo hiểm niêm yết là 14,43 triệu đồng, đại lý chỉ thu 12,85 triệu đồng, tặng kèm bảo hiểm bắt buộc. 

“Nếu giá pin là 380 triệu đồng thì phí bảo hiểm thực thu là 3 triệu đồng. Phạm vi xe được bảo hiểm là đâm, va chạm, lật, rơi toàn bộ xe, bị các vật thể khác rơi vào; hỏa hoạn, cháy nổ; tai nạn bất khả kháng do thiên nhiên; mất toàn bộ xe do trộm cướp; cứu hộ và di dời xe tới nơi sửa chữa gần nhất; thủy kích; bảo hiểm thay thế mới. Nếu khách chọn cơ sở sửa chữa chính hãng thì sẽ được khấu trừ 500.000 đồng” - nhân viên đại lý trên nói. Chúng tôi không nghe nhắc đến các điều khoản loại trừ bảo hiểm. 

Nhân viên một đại lý bảo hiểm trực tuyến khác cho hay, mức phí của Công ty Bảo hiểm Pjico ưu đãi hơn. Chẳng hạn, dòng xe Vinfast E34 có giá 900 triệu đồng (đã bao gồm pin) có phí bảo hiểm là 7,45 triệu đồng, tặng kèm bảo hiểm trách nhiệm dân sự nhưng mức phí của Công ty Bảo hiểm Bưu Điện (PTI) là 10,53 triệu đồng. Nhân viên này cũng không đả động gì đến các trường hợp pin bị từ chối bảo hiểm. Chúng tôi hỏi thì nhân viên này nói: “Em cũng không rõ”. 

Liên hệ với Công ty Bảo hiểm P, chúng tôi được báo: phí bảo hiểm vật chất cho 1 chiếc xe điện KIA có giá 880 triệu đồng là 10,44 triệu đồng (đã bao gồm pin xe). Trong bảng phí mà chúng tôi nhận được, có thêm điều khoản dành cho pin gắn trên xe, nhưng chỉ nhắc đến thông tin về trường hợp pin xe được bảo hiểm (pin do nhà sản xuất xe phân phối và lắp đặt chính hãng), không nhắc đến trường hợp nào thì pin sẽ bị từ chối bảo hiểm. 

Cần hỏi rõ khi mua bảo hiểm 

Luật sư Đỗ Hồng Sơn - Phó trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam (Vics-corp) - cho biết, một số công ty bảo hiểm ban hành quy tắc loại trừ bảo hiểm (còn gọi là không chi trả bảo hiểm) cho pin xe điện nhưng rất ít khách hàng biết đến các điều khoản này. 

Theo đó, các công ty bảo hiểm sẽ không chi trả bảo hiểm trong các trường hợp: pin sử dụng cho xe khác; pin dùng để cầm cố, thế chấp; pin bị tịch thu do vi phạm quy định của pháp luật, khách tự ý thải bỏ pin; pin bị hỏng, lỗi do nhà sản xuất hoặc lỗi bất cẩn của bên cho thuê và người sử dụng pin, hoặc tổng dung lượng pin tối đa (SOH) dưới 70%; khách sử dụng thiết bị sạc hoặc trạm sạc không do nhà sản xuất cung cấp; pin không nằm trong danh mục thiết bị phù hợp do nhà sản xuất công bố; dung lượng pin còn thấp hơn 5% (dung lượng hiển thị màu đỏ trên màn hình) nhưng khách hàng không sạc ngay lập tức, gây hư hỏng pin. Bộ dây sạc, dây cáp hoặc đầu nối điện cao áp (là thiết bị tách rời khỏi xe) cũng không được bảo hiểm. 

Trao đổi với chúng tôi, một số chủ xe ô tô điện nói không biết đến các quy tắc loại trừ bảo hiểm này. Không ít chủ xe điện cho hay, họ thường lắp đặt các thiết bị sạc ở nhà để sạc pin xe. Có người mua thiết bị sạc của hãng xe nhưng có người mua thiết bị sạc từ các công ty khác. 

Theo ông Nguyễn Khắc Xuân - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair - đa phần khách hàng không biết trường hợp nào thì pin xe bị từ chối chi trả bảo hiểm do các quy tắc này thường không được đưa vào hợp đồng và nhân viên bán bảo hiểm cũng không tư vấn cho khách, thậm chí không biết để tư vấn. Do đó, người mua bảo hiểm sẽ bị thiệt thòi. Khi mua bảo hiểm, khách nên hỏi rõ về điều khoản loại trừ. 

Khoản 2, điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng”.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI