Mùa bánh trứng kiến - thời trân của rừng

13/04/2025 - 16:47

PNO - Có những mùa trong năm chẳng đo bằng lịch, mà đo bằng tiếng lá xào xạc trên triền đồi, bằng mùi khói rơm lẩn khuất, và bằng cả bước chân người đi rừng trở về - sau lưng là bao món đồ lỉnh kỉnh, trên tay là chút sản vật của rừng: trứng kiến đen.

Kỳ công như bánh trứng kiến

Bánh trứng kiến - thứ quà quê tưởng đơn sơ mà kỳ công, là món thời trân của đồng bào Tày, Nùng vùng Đông Bắc, mỗi năm chỉ có một vụ ngắn ngủi độ tháng Ba, tháng Tư âm lịch. Đó là khi bầy kiến đen xây tổ trên cây vầu, cây găng… trắng xốp cả một góc rừng.

Trứng kiến căng tròn như hạt nếp
Trứng kiến căng tròn như hạt nếp

Để lấy được trứng, người đi rừng phải canh giờ, canh ngày, canh tiết. Sai một chút thôi là trứng chưa đủ độ béo, hoặc quá muộn thì trứng sẽ bung thành nhộng, kém phần tinh.

Trứng kiến không được “vơ vạt” như hái rau. Người đi rừng phải lót lá chuối dày, khéo léo hạ tổ, dùng chổi rơm khua nhẹ từng mảng trứng trắng mịn như tơ. Nhiều khi, tay vừa rũ trứng, chân vừa phải giậm đất đuổi kiến.

Trở về, trứng được đãi sạch, hong nhẹ trong gió cho ráo. Mỗi mẻ trứng là cả trời công phu.

Bánh trứng kiến cũng không thể làm vội. Phải là nếp nương dẻo thơm, phải là lá vả bánh tẻ - không non quá, cũng chẳng già quá. Lá vả rửa sạch, trần sơ để bớt chát. Nếp đồ lên, giã nhuyễn, trải mỏng thành lớp bánh đầu tiên.

Nhân bánh được xào trước khi gói
Trứng kiến được xào cùng hành tím, hành lá trước khi gói

Lúc ấy, gian bếp bỗng dậy lên thứ hương quyến luyến rất khó gọi tên: mùi của mỡ phi hành tím thơm lừng gian bếp, lẫn với trứng kiến vừa xào tới, béo ngậy, bùi bùi, nghe như tiếng mùa rừng đang rủ rỉ trong chảo. Tiếng xèo xèo giòn nhẹ khi trứng chạm đáy chảo như đánh thức cả ngũ quan - tai nghe, mũi ngửi, lòng xao xuyến.

Kết tinh của thời gian

Nhân trứng kiến được rải đều lên lớp nếp, rồi phủ thêm một lớp nếp nữa, gói khéo trong lá vả như giấu cả mùa xuân rừng vào từng thớ bánh. Bánh được hấp cách thủy chừng hai mươi phút, không quá lâu để giữ nguyên cái bùi, cái thơm của trứng. Mở nắp nồi, hơi nước bốc lên mang theo mùi thơm nức - vị nếp, mùi lá vả, thoang thoảng hương mỡ hành, tất cả hòa quyện khiến bụng người cứ thế lăn tăn.

Lá vả là thành phần không thể thiếu của món bánh trứng kiến
Lá vả là thành phần không thể thiếu của món bánh trứng kiến

Miếng bánh đưa vào miệng, đầu lưỡi cảm nhận rõ cái mềm dẻo của nếp quyện cùng nhân béo bùi như lạc rang nhưng lại ngậy hơn, mịn hơn. Lá vả thấm vào từng thớ bánh chút chát dịu, thanh mát như gió đầu hạ. Bánh không ăn vội, phải nhai chậm rãi để cảm được trọn vẹn cái ngọt âm thầm nơi hậu vị - ngọt không đến từ đường, mà từ lòng núi, lòng người.

Ở quê rừng, người ta không bao giờ ăn bánh trứng kiến một mình. Phải có mẹ, có bà, có mấy đứa nhỏ ngồi xúm quanh bếp. Phải có câu chuyện lẩn trong khói, tiếng cười chen trong miếng bánh. Bánh trứng kiến không chỉ là món ăn. Đó còn là ký ức, là mùa vụ, là kết tinh của thời gian và nhọc nhằn.

Bánh trứng kiến là món thời trân - quà tặng của rừng
Bánh trứng kiến là món thời trân - quà tặng của rừng

Thời nay, bánh trứng kiến đã ra phố, xuất hiện trong các phiên chợ quê vùng xuôi. Nhưng chỉ có ăn bánh giữa rừng, giữa chập trùng cây lá, hay ngồi góc bếp cuối vườn nghe tiếng chim ríu ran, tiếng suối rầm rì mới thấm hết cái tình, cái hồn, cái thiêng liêng của món ăn tưởng chừng giản dị ấy.

Trứng kiến không phải thực phẩm, mà là lộc trời. Mỗi mùa bánh trứng kiến đi qua, như nhắc khẽ: có những món ăn không thể cất trữ, không thể ăn qua loa mà chỉ có thể nâng niu và thưởng thức như một nghi lễ của đất trời.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI