Trời cuối năm lành lạnh, nhẹ nhàng đủ để có một chút cảm giác mùa xuân sắp tới. Một người bạn thuộc dòng dõi thổ công những quán cà phê hẻm Sài Gòn dẫn tôi vào một quán mà anh cho là nghe nhạc “hết sẩy con bò bẩy”. Người bạn này cũng cùng lứa tuổi như tôi - lứa tuổi sống nhiều bằng hoài niệm và ký ức thời còn nhìn con gái với cặp mắt thẫn thờ ngu độn đầy tôn sùng thanh thoát.
Quán cà phê nằm trong ngõ vắng. Sài Gòn có nhiều con ngõ vắng với những quán cà phê mà bạn không thể ngờ tới. Chưa bước vào đến cửa quán, tôi đã được nghe âm thanh của bài hát Ly rượu mừng từ hai cặp loa cổ cứng cựa cù cưa.
Một cảm giác ngạc nhiên đầy ấm áp khi nhìn thấy chính giữa căn phòng không phải là cô chủ quán, mà là một cái máy quay băng hiệu Teac với bốn kim xanh vàng nhảy loạn xạ như máy đo nhịp tim. Những vòng băng cối chạy từ trái qua phải để rồi từ ampli đèn bóng nào bóng nấy bự chảng, khuếch đại tiếng hát để đời của ban Thăng Long qua cặp loa đời cũ. Máy ghi âm và băng cối là cặp đôi cũng như đầu đọc và dĩa CD bây giờ.
Băng nhạc làm bằng chất nhựa dẻo bề ngang độ 7 ly, màu nâu lợt, bóng loáng. Khi muốn nghe hát, người ta gắn cuộn băng vào đầu bên trái và kéo băng cho qua một đầu đọc rồi gắn vào một cuộn băng trống phía bên tay mặt để băng tự cuốn vào. Nhấn nút play băng sẽ chạy qua đầu từ để phát ra âm thanh. Đại khái băng nhựa cũng như là một dĩa hát: trên dĩa hát thì có các đường rãnh nhỏ để kim chạy vào thì phát ra âm thanh. Trên băng nhựa thì có các lớp hóa học tùy dày mỏng mà phát ra âm thanh. Nhưng nguyên tắc phát âm vẫn là cây kim: khi băng cọ vào cây kim thì phát ra tiếng.
Tôi không biết thời đại @ nghe dĩa CD này, băng cối đã trở lại chưa. Nhưng tôi được biết có một số quán cà phê đã thay thế đầu đọc dĩa CD bằng máy magnetophone (còn gọi là máy ghi âm - thu băng, quay băng) sử dụng băng cối để phục vụ những khách già hoài cổ.
Cũng có nhiều gia đình đã sưu tầm những chiếc máy Akai, Teac, Sony, Sansui, National và băng cối để nghe và cũng có những tay chơi âm thanh cổ từ Hà Nội vào Sài Gòn lùng sục máy lẫn băng. Có người cho rằng nghe âm thanh của máy magnetophone hay hơn đầu đọc CD.
Tôi là người có cái lỗ tai mù, không thể phân biệt âm thanh của loại máy nào hay hơn. Nhưng tôi thích nghe nhạc từ máy magnetophone quay băng cối. Nó là ký ức của tôi, ký ức của một thời mê nghe nhạc mà không có tiền, đành phải vào quán cà phê chung quanh trường để gửi hồn vào âm thanh trầm bổng.
Tôi biết nhạc Trịnh qua giọng hát Khánh Ly "Người con gái Việt Nam da vàng", nghe được giọng ca Thái Thanh “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời”, yêu nhạc Ngô Thụy Miên “Mưa vẫn mưa rơi, mây vẫn mây trôi hắt hiu tình tôi”… từ những cuộn băng cối chạy qua đầu từ các máy ghi âm và loa đủ loại thương hiệu từ cũ đến cũ hơn.
Máy quay băng đã có một thời kỳ ngự trị trong các quán cà phê từ bình dân đến sang trọng sau khi máy quay dĩa đã trở nên lạc hậu. Đó là thời kỳ trước năm 75, các cô cậu học sinh, sinh viên vào quán để được nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh, những tình khúc của Từ Công Phụng, Lê Uyên và Phương, nhạc của Ngô Thụy Miên, Cung Tiến, The Beatles, Rolling Stones, The Monkees, Frank Sinatra, Elvis Presley, Mireille Mathieu…
Đa số người nghe là giới trẻ vì có nhiều thời giờ rảnh rỗi, thích nghe nhạc nhưng lại “mông tại”, đành phải ghé quán cà phê mà nghe nhạc giá rẻ, bỏ vài chục mua một ly cà phê rồi có thể “ngồi đồng” mòn cả ghế. Các tay chủ quán muốn quán mình đông khách thường tìm những băng nhạc hay và có một hệ thống âm thanh thuộc loại “gồ ghề” để câu khách. Một anh bạn nhà thơ viết trên Facebook của mình cho biết, mẹ của anh mở quán cà phê có dàn máy thu băng cối nên từ nhỏ anh là “chuyên gia” thay băng nhạc, hồn anh thấm đẫm những lời nhạc bay bổng…
Nghe tiếng hát “Mùa xuân xin chúc…” từ máy thu băng như con thuyền đưa tôi trở lại dòng sông tuổi thơ, thuở còn là cậu học sinh quần xanh áo trắng mang phù hiệu trường Pétrus Ký trong những buổi sáng không có giờ học cùng bạn bè lang thang trong thương xá Tam Đa - Crystal Palace (ITC cháy năm 2002) nằm ở hai mặt đường Nguyễn Trung Trực và Nam Kỳ Khởi Nghĩa, là một trung tâm thương mại lớn sau thương xá Tax, chuyên bán thời trang, mỹ phẩm và cũng là “thủ phủ” của những cơ sở sản xuất băng nhạc tầm cỡ ở tầng một.
Nào là cửa hàng băng nhạc Tú Quỳnh của vợ chồng nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương - Như Hảo mà ai muốn được nhìn ngắm dung nhan của cô xướng ngôn viên Như Hảo thường ghé vào cửa hàng này mua băng gốc do nhạc sĩ chồng sản xuất.
Rồi đến cửa hàng thu và sản xuất băng rất hiện đại của ca sĩ Jo Marcel. Cạnh đó là những cửa hàng bán băng gốc hoặc sang lại băng của các chương trình Shotguns của Ngọc Chánh, Khánh Ly hát cho quê hương, băng nhạc Tơ Vàng. Đặc điểm của băng nhạc Tơ Vàng là ngoài kỹ thuật thâu âm stereo hoặc sound on sound theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, về nội dung băng nhạc này còn giới thiệu từng nhạc sĩ độc đáo như Lê Uyên & Phương, Từ Công Phụng hoặc một giọng hát như Thái Thanh, Châu Hà với những ca khúc chọn lọc được soạn hòa âm công phu…
Tất nhiên vào Crystal Palace, tôi chỉ nhìn, nghe và ngắm. Thời kỳ ấy một dàn máy như Akai, Teac, Sony, Sansui… là một ước mơ cao cấp đối với những gia đình nghèo. Từ năm 1966, theo chân quân đội Mỹ, cơ quan PX đã mang theo nhiều thứ hàng xa xỉ không có tính cách quân sự đủ loại, trong đó có máy thâu băng của Nhật Bản mà nổi tiếng nhất là Akai, đến nỗi từ Akai được dùng để chỉ chung cho máy thu băng.
Những chàng lính “Mẽo” này mua máy ghi âm để xài thì ít nhưng bán lại để kiếm lời thì nhiều. Máy ghi âm nhập khẩu chính thức thì mắc vì thuế, nhưng nhờ những tay bán hàng lậu PX nên dân miền Nam - Sài Gòn là chính - mới có điều kiện tiếp cận khi máy quay dĩa gần như thoái trào. Lúc này, người ta chỉ thấy trên báo toàn quảng cáo đủ thể loại máy thu băng và băng nhạc mới ra lò chớ nào thấy quảng cáo về dĩa nhạc.
Lý do cũng dễ hiểu, khi nghe băng nhạc này chán rồi người nghe có thể mang băng nhạc cũ đến tiệm để nhờ sang lại chương trình khác với giá rẻ, trong khi dĩa hát thì bất khả. Chỉ cần lận lưng vài cuốn băng nhạc gốc rồi cứ xóa đi thâu lại nên người nghe luôn được nghe nhạc mới với giá phải chăng. Điều này làm các nhà sản xuất băng nhạc méo mặt, còn các tiệm sang băng chỉ cần có vài cái máy và một số băng gốc (F1) là có thể kiếm cơm sườn.
Trong cư xá Chu Mạnh Trinh ai chẳng biết tiệm thu băng của ca sĩ Anh Ngọc. Nhờ có nhiều kinh nghiệm trong những năm làm tại Đài Phát thanh Sài Gòn, với vốn liếng là bốn năm cái máy ghi âm hiệu Teac và một tủ băng nhạc gốc, Anh Ngọc trở thành nơi sang băng nhạc có tiếng.
Mỗi khi tết gần đến, tôi thường được giao nhiệm vụ đi tìm những tiệm chuyên sang băng nhạc để sang lại nhiều cuốn nhạc xuân. Nào là Đám cưới đầu xuân của Nhật Trường, Ly rượu mừng của ban Thăng Long, Xuân này con không về qua giọng ca Duy Khánh. Thoạt đầu người ta chỉ thấy một vài người đăng quảng cáo trên báo là nhận sang các băng nhạc đã thâu sẵn hoặc thâu thanh những bài hát mà người có máy ghi âm muốn nghe mà không biết tìm ở đâu.
Từ năm 69-70, người ta thấy xuất hiện ngày một nhiều nhà sản xuất băng nhạc có vẻ quy mô. Hằng ngày có nhiều quảng cáo băng nhạc Shotguns, Tơ Vàng, Trường Sơn, Sơn Ca, Thanh Thúy, Mây Hồng, Khánh Ly, Jo Marcel, Nhã Ca, Trường Hải… với lời lẽ hấp dẫn đầy quyến rũ của chữ nghĩa có thể biểu đạt như “Những tình khúc tuyệt phẩm”, “Giọng ca tứ quý trong những tình khúc để đời của nhân loại”, “Thái Thanh - giọng ca vàng vượt thời gian”… Những nhà sản xuất băng nhạc thường là những doanh nhân nhưng một số ca nhạc sĩ cũng tự sản xuất chương trình của mình.
|
Ngọc Chánh của ban Shotguns đã thực hiện hai mươi ba băng nhạc có chủ đề khác nhau. Song Ngọc thì những chuyện tình buồn đôi lứa. Lệ Thu cũng tự ra băng nhạc với tiếng hát của riêng mình. Phạm Mạnh Cương với 22 băng nhạc chủ đề “băng vàng, băng ngọc, băng kim cương”, nhạc sĩ Văn Phụng với hai cuốn “Diễm ca”. Nhà văn Nguyễn Đình Toàn cũng nhảy vào lĩnh vực này khi thực hiện băng nhạc chủ đề với những ca sĩ số một, có giá trị về tiếng hát mà hầu như không xuất hiện trên sân khấu cũng như truyền hình như Sỹ Phú, Duy Trác, Võ Anh Tuấn. Bảo Thu với “Đừng hỏi vì sao tôi buồn”. Nguyễn Hữu Thiết và Ngọc Cẩm với “16 tình khúc quê hương”, “Tiếng hát 20” của Nhật Trường…
Riêng Khánh Ly tung ra thị trường ba cuốn với những sắc thái đặc biệt “Khánh Ly hát cho quê hương Việt Nam” với nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc chủ đề với sự cộng tác của Nguyễn Đình Toàn. Có năm xui, Khánh Ly vừa in xong cả ngàn băng nhạc để ở nhà thì bị bọn đạo chích vào khiêng đi mất. Chỉ khiêng băng nhạc mà không thèm khiêng chủ nhà. Chắc tay trộm này mê giọng hát của nàng ca sĩ lừng khừng nhất nước (chữ của báo chí thời ấy đặt cho Khánh Ly) nên dứt khoát không muốn cho ai thưởng thức giọng hát ma mị của nàng.
Khoa học kỹ thuật phát triển và sự nghiệp nghe nhạc của giới trẻ cũng phát triển theo. Máy cassette - một loại máy nghe băng nhỏ gọn phát triển và đến đầu những năm 80, băng cối và chiếc máy ghi âm to đùng biến mất, nhường lại cho những chiếc máy cassette stereo nhỏ gọn mà người nghe có thể mang đi khắp nơi. Sau đó là thời kỳ hoàng kim của CD. Nhưng bỗng dưng, một sáng ngủ dậy, chợt nghe giọng hát Nhật Trường qua bài Đám cưới đầu xuân từ cái máy Akai bên quán cà phê hàng xóm lại nhớ đến những mùa xuân thơ ấu, mỗi khi gần tết phải chạy mua một cuộn băng nhạc mùa xuân về nghe cho rộn rã những ngày tết lấy hên “Mùa xuân xin chúc nơi nơi…”.
Lê Văn Nghĩa