Mua bán thuốc online - nên hay không?

15/11/2024 - 14:10

PNO - Theo chuyên gia, mua bán thuốc online là xu hướng tất yếu, không thể tư duy "không quản được thì cấm" mà phải có hành lang pháp luật để quản lý.

Mua bán thuốc online sẽ ngày càng tăng

Sáng 15/11, tại tọa đàm đối thoại chính sách “Mua bán thuốc online - nên hay không?” do Truyền hình Quốc hội tổ chức, bà Lê Thị Hà - Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) - cho biết, hiện tượng mua bán thuốc trên mạng không còn mới, thậm chí ngày càng có xu hướng gia tăng. Công tác quản lý của Cục ghi nhận hơn 1.000 cơ sở kinh doanh dược thực hiện bán thuốc online.

Các chuyên gia thảo luận về việc có nên mua bán thuốc online tại tọa đàm chính sách, sáng 15/11
Các chuyên gia thảo luận về việc mua bán thuốc online tại tọa đàm chính sách, sáng 15/11 - Ảnh: H. Anh

Ông Vũ Thái Hà - Giám đốc vận hành eDoctor, thành viên nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về ứng dụng khám chữa bệnh từ xa - cũng khẳng định, việc mua thuốc không cần tới cửa hàng đã phổ biến. Thuốc được giao tận nhà như các hàng hóa khác.

“Có cầu thì sẽ có cung, chắc chắn hình thức này còn tăng hơn nữa” - ông Vũ Thái Hà nhận định và cho rằng, cần có hành lang pháp lý để quản lý việc bán thuốc trên mạng thay vì cấm.

Cùng quan điểm trên, bà Trần Thị Nhị Hà - Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ĐBQH đoàn TP Hà Nội - cho hay, kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ số.

Hiện nay, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đang được trình, xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, trong đó có đề xuất cho phép kinh doanh thuốc trên thương mại điện tử. Trước đó, còn rất nhiều ý kiến băn khoăn, nên hay không nên có quy định này.

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà cho rằng, cho phép bán thuốc trên thương mại điện tử là nội dung phù hợp, hướng tới sự thuận tiện cho người dân và tăng cường quản lý mua bán thuốc trên mạng - một thực tiễn đang xảy ra. Hướng đi này đúng với quan điểm mà Tổng bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh trong thời gian qua, đó là phải thay đổi tư duy “không quản được thì cấm”.

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà lưu ý, dự thảo phải hướng tới giải quyết được nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra: “Ví dụ, có những loại thuốc bán trên mạng có giá rẻ hơn nhiều nhà thuốc truyền thống. Rõ ràng, ở đây có liên quan vấn đề chất lượng, cần quản lý sao cho phù hợp với nhu cầu nhưng phải đảm bảo chất lượng thuốc, sức khỏe của người dân”.

Đề xuất được mua thuốc kê đơn trong hệ thống đơn thuốc điện tử

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược quy định, trên thương mại điện tử, thuốc trong mua bán lẻ là thuốc không kê đơn; thuốc trong mua bán buôn là thuốc kê đơn và không kê đơn. Bà Trần Thị Nhị Hà chỉ ra, thuốc kê đơn không được phép mua bán lẻ trên thương mại điện tử.

Các chuyên gia nhấn mạnh, cần hoàn thiện Hệ thống đơn thuốc quốc gia để
Các chuyên gia nhấn mạnh, cần hoàn thiện hệ thống đơn thuốc quốc gia để tăng cường quản lý thuốc mua bán trên thương mại điện tử - Ảnh: B.Y.T.

Bà Trần Thị Nhị Hà phân tích, hiện nay, có hơn 80% các loại thuốc là thuốc kê đơn, chỉ 20% là thuốc không kê đơn. Do đó, nhu cầu mua thuốc kê đơn của người dân là rất lớn. Đặc biệt, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã quy định hình thức khám chữa bệnh từ xa, nếu không bán thuốc kê đơn điện tử cũng là một khó khăn.

Bà đề nghị ban soạn thảo luật nghiên cứu, bổ sung quy định cho phép bán lẻ thuốc kê đơn trên thương mại điện tử với thuốc được quản lý trên hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn (Hệ thống đơn thuốc Quốc gia). Đây là hệ thống kho tổng tiếp nhận bản điện tử của mỗi đơn thuốc được tạo ra tại cơ sở khám chữa bệnh.

Bà Trần Thị Nhị Hà kỳ vọng, Bộ Y tế nhanh chóng hoàn thiện Hệ thống đơn thuốc Quốc gia; liên thông đơn thuốc điện tử giữa các bệnh viện, nhà thuốc, cơ sở kinh doanh dược.

Là người đồng hành cùng các đơn vị triển khai khám chữa bệnh từ xa, ông Vũ Thái Hà nhấn mạnh, mua bán thuốc điện tử là một phần không thể thiếu trong quy trình này. Ông kiến nghị, dự thảo luật từng bước từng cho phép giao dịch “online” với thuốc kê đơn.

“Trước hết nên cho phép bán thuốc kê đơn trên thương mại điện tử với các loại thuốc gắn với các mặt bệnh được phép khám chữa bệnh từ xa (đã quy định trong luật)” - ông Vũ Thái Hà nói.

Bà Lê Thị Hà chia sẻ thực tế, trong công tác quản lý thuốc trên thương mại điện tử, nếu chỉ một đơn vị tham gia thì không thể đạt hiệu quả mà cần có sự đồng hành của các cơ quan chuyên ngành. Bà cho rằng, nếu Bộ Y tế hoàn thiện được Hệ thống đơn thuốc Quốc gia thì sẽ tạo thuận lợi cho việc quản lý, lưu vết giao dịch thuốc trên mạng. Từ đó, có thể mở rộng để cho phép bán lẻ thuốc kê đơn trong hệ thống đơn thuốc điện tử.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI