Mrs Doubtfire: Ly hôn không phải là kết thúc

13/11/2022 - 07:56

PNO - Nhiều khán giả trưởng thành đã xem bộ phim "Mrs Doubtfire" như một “liều thuốc xoa dịu tâm hồn” giúp họ vượt qua nỗi đau khi chứng kiến cha mẹ ly hôn.

Mở đầu Mrs Doubtfire (tạm dịch: Bà Doubtfire), người xem thấy Daniel Hillard (Robin Williams) cùng các con giấu vợ mình - Miranda Hillard (Sally Field) tổ chức một buổi sinh nhật độc đáo và hoành tráng. Tuy nhiên, ý tưởng của Daniel đã khiến ngôi nhà trở nên bừa bộn. Miranda hốt hoảng bỏ công việc đang làm để chạy về nhà “dẹp loạn”.

Cô đã có một cuộc tranh cãi nảy lửa với chồng và quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân 14 năm, mặc kệ Daniel tỏ ra hối lỗi và hài hước để xoa dịu cô. 

Từ khi trở thành “bà Doubtfire”, Daniel bắt đầu học cách trở thành người đàn ông tốt hơn
Từ khi trở thành “bà Doubtfire”, Daniel bắt đầu học cách trở thành người đàn ông tốt hơn

Câu chuyện ly hôn trong bộ phim năm 1993 có sự tương đồng với nhiều mẩu chuyện ly hôn chúng ta thường đọc trên báo hay đâu đó: một bất đồng nhỏ nhặt dẫn đến sự kết thúc của cuộc hôn nhân. Tuy nhiên, trong một mối quan hệ lâu dài, người ta không thể tự dưng chọn dứt áo ra đi đột ngột như thế, đặc biệt khi không có sự xuất hiện của người thứ ba. Cái “nhỏ nhặt”, “vặt vãnh” mà người ngoài thấy thực chất chỉ là giọt nước tràn ly, những bất đồng không thể dung hòa, thiếu giao tiếp thẳng thắn và sự tôn trọng.

Khi Miranda quyết tâm chia tay, Daniel vẫn còn yêu cô rất nhiều. Song những thước phim đầu tiết lộ cuộc sống hằng ngày của cặp vợ chồng này khiến khán giả ngầm hiểu họ thực sự không dành cho nhau. Họ ra tòa. Phán quyết của vị thẩm phán lúc này như một nhát dao đâm vào người chồng: ông chỉ được thăm con vào thứ Bảy mỗi tuần. Lý do: Daniel thất nghiệp. Để tăng thời gian được gặp con, giành được quyền nuôi con, ông phải cho pháp luật thấy mình đủ năng lực tài chính. Vì quá mong được gần con, người cha đã tận dụng tài năng diễn xuất để làm điều điên rồ nhất: hóa trang thành vú em để chăm sóc các con. 

Dù mang cái kết được xem là “không có hậu”, bộ phim mang lại nhiều giá trị tinh thần to lớn cho cả người lớn và những đứa trẻ sống trong những gia đình tan vỡ
Dù mang cái kết được xem là “không có hậu”, bộ phim mang lại nhiều giá trị tinh thần to lớn cho cả người lớn và những đứa trẻ sống trong những gia đình tan vỡ

Nói về sự đổ vỡ trong hôn nhân nhưng xuyên suốt Mrs Doubtfire, khán giả được cười nhiều hơn khóc. Người xem cười trước những tình huống trớ trêu và cả những trò quỷ quái mà “bà Doubtfire” bày ra nhưng cũng ngậm ngùi thương cảm cho những nỗ lực của Daniel Hillard. 

Vào đêm Giáng sinh, bà vú Doubtfire đã cầm lá thư của một đứa trẻ đang bối rối trước cuộc ly hôn của cha mẹ mình, nhẹ nhàng trả lời: “Cháu biết không, một số cha mẹ trở nên hòa hợp hơn khi họ không sống chung với nhau nữa. Họ không còn cãi nhau nhiều và trở thành những người tốt hơn...

Một số người quay lại với nhau. Một số thì không. Và nếu họ không quay lại bên nhau, đừng tự trách mình. Họ không yêu nhau nữa không có nghĩa là họ không yêu cháu. Có rất nhiều kiểu gia đình khác nhau. Một số gia đình có một người mẹ, có khi chỉ có một người cha... Một số đứa trẻ sống với dì dượng. Một số lại sống với ông bà hay sống với cha mẹ nuôi. Một số đứa trẻ lại sống tách biệt ở những ngôi nhà nhiều khác biệt trong một đất nước. Họ có thể không gặp nhau trong nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng hay nhiều năm nhưng tình yêu chính là sợi dây kết nối mọi người trong gia đình với nhau. Và, cháu sẽ mãi mãi có một gia đình trong trái tim mình”.

Bà Doubtfire là bộ phim có yếu tố giả gái nhưng không cố tình khai thác tiếng cười từ màn giả gái. Nhân vật Daniel giả thành vú em vì ông không muốn rời xa các con. Với ngoại hình phụ nữ, anh còn được gần vợ mình - người phụ nữ anh yêu và đang nỗ lực hàn gắn. Khi Miranda mở lòng, nghẹn ngào hồi tưởng những lúc cô bất lực khi giao tiếp với chồng, bà quản gia Doubtfire mới hiểu ra rằng dù tình yêu dành cho nhau nhiều đến đâu, nếu chúng không được thể hiện rõ qua hành động, lời nói hằng ngày thì cũng đến lúc cạn đi. 

Đây là một bộ phim hài nhưng lại mang cái kết không có hậu. Từ khi trở thành “bà Doubtfire”, Daniel bắt đầu học cách trở thành người đàn ông tốt hơn - có công việc ổn định, tự lo cho bản thân và biết dùng sự hài hước đúng lúc. Dù là người cha tốt và tận tụy với các con nhưng anh và vợ không quay về với nhau. Không phải vì Miranda có người mới (Richard Gere), mà vì anh nhận ra rằng khi rời xa nhau, họ mới trở thành phiên bản tốt nhất của mình. Các con của họ cũng từ trạng thái không chấp nhận việc cha mẹ mình không sánh đôi bên nhau mọi lúc mà trở nên thoải mái, cảm thông hơn. 

Để đi đến đoạn kết này, ê-kíp sản xuất cũng phải trải qua giai đoạn đấu tranh tư tưởng bởi bộ phim có vẻ đi ngược lại thông điệp đoàn tụ trong dòng phim về gia đình. Họ từng chọn một nhà biên kịch khác viết nên cái kết đoàn tụ thay cho cái kết ban đầu. Tuy nhiên, cuối cùng, đạo diễn Chris Columbus và ê-kíp lại thấy cái kết không có hậu hoàn toàn hợp lý.

Bà Doubtfire đứng trong danh sách “100 phim hài của thời đại” do Viện Điện ảnh Hoa Kỳ bình chọn
Bà Doubtfire đứng trong danh sách “100 phim hài của thời đại” do Viện Điện ảnh Hoa Kỳ bình chọn

Khi tham gia đóng Bà Doubtfire, cả Robin Williams và Sally Field đều đã trải qua đổ vỡ trong hôn nhân. Có lẽ vì thế, diễn xuất của họ đầy thuyết phục. Đồng thời, trong những cuộc phỏng vấn, họ đều đồng tình với cái kết cả hai nên tiếp tục lối đi riêng trong đời. Trong một cuộc phỏng vấn đăng trên kênh ScreenSlam, cây hài của nước Mỹ đã chia sẻ về bộ phim: “Đó là một cái kết thực tế. Sự thật là 99/100 người không quay lại bên nhau khi đã quyết định ly thân. Họ ly thân thường chỉ để thực hiện thủ tục một cách đường hoàng. Việc quay lại với nhau là một viễn tưởng tiêu cực, đặc biệt với những đứa trẻ”.

Trong Bà Doubtfire, dù nhân vật chính là những người lớn sau cuộc ly hôn nhưng thiệt thòi nhất vẫn là những đứa trẻ. Ba nhân vật nhí đóng vai các con của Daniel ở từng độ tuổi (5, 12 và 14 tuổi) có thái độ khác nhau trước sự chia ly của cha mẹ. Trong khi bé nhỏ Natalie (Mara Wilson) vẫn còn ngây ngô trước sự đến rồi đi của người cha thì hai chị em Chris (Matthew Lawrence) và Lydia (Lisa Jakub) ngầm chống đối và tự đổ lỗi cho bản thân trước sự chia cách của cha mẹ. Cả ba diễn viên nhí đều có nét diễn xuất tự nhiên và chân thật, đặc biệt là nhân vật cô chị Lydia. Dù đất diễn không nhiều, Lisa Jakub đã thể hiện đúng tâm lý một cô bé tuổi teen trước cuộc chia tay của cha mẹ. Một bộ phận khán giả đồng cảm trước tâm lý nổi giận và chống đối của Lydia trước quyết định của mẹ mình, cũng như sự xuất hiện của vú em Doubtfire. Song dần dà, cô có góc nhìn chín chắn hơn về hạnh phúc của mẹ và gia đình mình. 

Trailer phim Mrs Doubtfire:

 

Ở thời điểm đó - xã hội còn mang nhiều định kiến về việc ly hôn - với lý lẽ “ly hôn là quyết định ích kỷ, là không biết nghĩ đến con” và việc một người sau ly hôn có tình yêu mới là điều khó chấp nhận, sự ra đời của Bà Doubtfire đã thể hiện tầm nhìn đột phá của người làm phim và những diễn viên đã trải qua đổ vỡ trong hôn nhân. Bà Doubtfire lọt vào top những bộ phim thành công về doanh thu, chỉ đứng sau Jurassic Park (Công viên kỷ Jura). Phim cũng đứng trong danh sách “100 phim hài của thời đại” do Viện Điện ảnh Hoa Kỳ bình chọn. Nhiều khán giả trưởng thành chia sẻ rằng bộ phim kinh điển này đã giúp những đứa trẻ thuở bấy giờ hiểu rằng “ly hôn không phải là cha mẹ không còn yêu thương các con như trước nữa” và họ cũng không còn tự đổ lỗi cho mình trước sự tan vỡ của gia đình. 

Vĩnh Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI