Mpox là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe gây quan ngại quốc tế

16/08/2024 - 06:12

PNO - Theo WHO, đợt bùng phát mpox gần đây đủ nghiêm trọng để tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế”.

Cách đây 40 năm, việc xóa sổ bệnh đậu mùa trên toàn cầu là một trong những thành tựu vĩ đại nhất lịch sử y tế công cộng. Tuy nhiên, hiện nay, một chủng vi rút đột biến nguy hiểm đã được phát hiện ở ít nhất 6 quốc gia châu Phi, khiến ngày 14/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như các cơ quan y tế châu lục phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe.

WHO tuyên bố mpox là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe - Nguồn ảnh: Getty Images
WHO tuyên bố mpox là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe - Nguồn ảnh: Getty Images

Các nhà khoa học cho biết, một đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ (mpox) ở châu Phi có nhiều điểm tương đồng với thời kỳ đầu của HIV. Các chuyên gia y tế thúc giục đẩy nhanh xét nghiệm, vắc xin và thuốc điều trị ở những khu vực bị ảnh hưởng, đồng thời khởi động các chiến dịch nhằm giảm kỳ thị đối với những người bị nhiễm loại vi rút này.

Việc có thêm nhiều nguồn lực cho nghiên cứu cũng rất quan trọng, vì đây là “những ẩn số lớn” về một biến thể mới đang lây lan giữa những người ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Tính đến ngày 4/8, đã có 38.465 trường hợp mắc bệnh mpox và 1.456 ca tử vong ở châu Phi.

Theo WHO, đợt bùng phát này đủ nghiêm trọng để tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế” - cụm từ từng được sử dụng cho các đợt bùng phát Ebola, COVID-19 và đợt bùng phát mpox năm 2022 tại châu Âu.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO - cho biết tình hình rất đáng lo ngại và cần báo động cao nhất theo luật y tế quốc tế. Ông nói WHO đã giải ngân 1,5 triệu USD từ quỹ dự phòng và có kế hoạch giải ngân thêm, đồng thời kêu gọi các nhà tài trợ tăng cường tài trợ phần còn lại trong số 15 triệu USD cần thiết cho những nỗ lực của tổ chức này trong khu vực.

Trudie Lang - giáo sư tại Đại học Oxford, Anh - nói: “Tôi đã nghe rất nhiều người nói rằng tình hình này rất giống với thời kỳ đầu của HIV”. Bà cho biết, trường hợp này đặc biệt nghiêm trọng, vì vi rút dường như lây lan qua mạng lưới tình dục, với những người hành nghề mại dâm trẻ tuổi, những người dễ bị tổn thương, bị bóc lột, có nguy cơ cao.

Theo giáo sư Lang, có những báo cáo cho thấy một số lượng lớn các ca sảy thai do vi rút và trẻ sơ sinh bị tổn thương mpox do lây truyền từ khi còn trong bụng mẹ: “Điều tôi thực sự lo lắng là những trường hợp nhiễm trùng nhẹ, chưa phát bệnh rất dễ lây truyền”. Bà cũng cho biết nếu vi rút xuất hiện ở châu Âu hoặc Mỹ, nó sẽ dễ dàng được ngăn chặn bằng vắc xin như trong đợt bùng phát mpox năm 2022. Nhưng lần này dịch bùng phát ở khu vực nghèo đói tại châu Phi, đó là điều đáng lo ngại.

Tiến sĩ Ayoade Alakija - Chủ tịch Liên minh Phân phối vắc xin châu Phi - cho biết, tuyên bố của WHO cần được tập trung triển khai với việc cung cấp tài chính để ngăn chặn tình trạng lây lan. “Cần có cuộc điều tra chuyên sâu hơn để hiểu rõ hơn về động lực lây truyền mpox nhằm hướng dẫn các biện pháp kiểm soát và kế hoạch ứng phó cũng như tăng cường giám sát và tiếp cận công bằng với vắc xin, chẩn đoán và điều trị cho tất cả các nhóm dân số bị ảnh hưởng. Hầu hết các loại vắc xin đã được các nước giàu đặt hàng trước” - Alakija nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 13/8, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) đã công bố mpox là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Tiến sĩ Jean Kaseya - Tổng giám đốc CDC châu Phi - cho biết, tuyên bố này không chỉ là hình thức mà là lời kêu gọi hành động và đảm bảo những nỗ lực chủ động, tích cực để ngăn chặn và loại bỏ vi rút.

Tiến sĩ Boghuma Titanji - phó giáo sư y khoa tại Đại học Emory ở Atlanta, Mỹ - hy vọng tuyên bố này sẽ thúc đẩy chính phủ các nước ở châu Phi phân bổ kinh phí để chống lại dịch bệnh. Liên minh châu Phi đã phê duyệt 10,4 triệu USD cho hoạt động ứng phó của CDC châu Phi vào đầu tháng Tám trong khi theo tiến sĩ Jea Kaseya, lục địa này sẽ cần tới khoảng 4 tỉ USD.

Thảo Nguyễn (theo The Guardian, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI