Một vùng trà nước bên hông Sài Gòn

19/02/2018 - 09:46

PNO - Làng trà cổ ngay bên hông Sài Gòn. Tính theo đường… nước chảy, đường đến nơi chỉ bằng một lần “chia hai” của con sông, ngay đoạn qua Nhà Bè.

Vậy mà, chắc vì khuất nẻo, ở phía dòng nước chảy về Gia Định, người Sài Gòn chỉ còn biết về xứ trà Phú Hội (thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) qua dòng miêu tả trong Gia Định thành thông chí, rồi thảng thốt đi tìm khi thấy trên mạng lưu truyền thành ngữ Nước Mạch Bà, trà Phú Hội. Nghĩ, thành ngữ vẫn được truyền miệng thì chắc còn nước, còn trà…

Mot vung tra nuoc ben hong Sai Gon
 

Mạch nước đòi tuôn

Đường vào Phú Hội, hai bên cây xanh ngút mắt. Cứ đi qua mỗi “điểm nối” của bờ rào giữa hai mảnh vườn, lại thấy một con mương chạy len dưới đất, phân chia ranh giới hai nhà, mang theo dòng nước đổ ra cái mương lớn hai bên đường. Bạn đường nói “ngôi làng như bị bỏ quên sau lưng khu công nghiệp và cái náo nhiệt của vùng lân cận Sài Gòn”. Tôi lại thấy chính vùng đất tươi xanh, bình lặng này như đang “quên” mất phố phường vẫn ngày càng sầm uất phía bên kia.

Quán chè ngay đầu một con dốc nhỏ, dưới một tán cây sát bên mương, đúng kiểu “quán nước đầu làng” huyền thoại. Thấy tôi đeo máy ảnh, chị chủ quán liền bắt chuyện: “Cưng đi chụp nước hen?”. “Dạ! Nước bữa nay còn nhiều dữ hông chị?”. Bà chị cởi bỏ cái từ tốn khách sáo, chuyển sang giọng biểu cảm hết mức: “Cưng nghe câu nước Mạch Bà, trà Phú Hội rồi hen? Mạch Bà cũng đây, mà Phú Hội cũng đây. Phú Hội tui nghèo gì thì nghèo chứ không bao giờ nghèo nước à”.

Chị chỉ xuống con mương đang chạy qua trước mắt: “Nước này là nước ngầm phun lên ở mạch trào rồi chảy khắp làng, người ta phải đào mương dẫn đường cho nó đi. Đi đâu cũng thấy mương nước. Xưa tui rửa chén, nấu cơm bằng nước này không đó. Trà Phú Hội coi nổi tiếng vậy chớ không có nước Mạch Bà để pha thì cũng… thua nha!”. 

Cứ về Phú Hội mà hỏi nước Mạch Bà, thì người dân lại chỉ “lên coi mạch trào”. Mạch trào là nơi mạch nước ngầm phun lên mặt đất. Theo các bậc cao niên ở Phú Hội, ngày xưa, những mùa nhiều nước, mạch trào phun cao đến vài mét. Phụ nữ ở ấp Xóm Hố, Phú Mỹ 1 đến giờ còn nhắc về “chuyện thiêng” xảy ra ở ngay mạch trào cách đây chừng 50 năm.

Hồi đó, người ta phát hiện một đôi trạnh (giống con ba ba) to bằng cái mâm ăn cơm nằm dưới nước, cứ một chặp lại ngoi lên đớp đớp. Dân làng hoang mang bàn tán. Chuyện lan dần ra khỏi xã Phú Hội, người ở vùng lân cận ùn ùn tới xem. Chuyện kỳ lạ trở nên phiền nhiễu, người dân ở gần mạch trào bàn nhau ra khấn vái “thần trạnh”: “Nếu đúng là ông bà hóa thân thì xin lặn đi tìm nơi trú ẩn để con cháu được sống thanh bình”.

Chừng một tháng sau, đôi trạnh biến mất. Dân làng lại lần nữa loan tin về cái chết của một người đàn ông ở gần mạch trào, cho rằng bị “ông bà quở phạt” vì đã đánh đuổi đôi trạnh. Làng Phú Hội được một phen nổi tiếng, báo chí ở Sài Gòn thời đó cũng tìm xuống đưa tin. 

Mot vung tra nuoc ben hong Sai Gon
 

Đi theo con nước trước quán chè chừng 300m, tôi được đưa tới trước mạch trào. Nước lúc này không còn phun, mạch trào chỉ như một cái giếng vuông, ứ đầy nước, rồi tràn sang con mương. Ở mấy khu vườn gần đó, chỉ cần đào xuống chừng hai thước, nước đã phun lên, trong vắt. Còn giao thông hào chằng chịt đó là cách người dân lâu đời ở Phú Hội mở đường cho nước. “Mạch Bà” vì thế chạy khắp nơi, len lỏi vào chung sống với từng mái nhà; nuôi sống, phân ranh những khu vườn khác chủ suốt trăm năm.

Im một “giấc trà”

Nếu dựa vào trí nhớ của người dân, thì lai lịch của trà ở vùng đất này cũng mờ mịt như nước. Bởi, không ai biết trà có tự bao giờ. 

Thằng bé gầy gò được giới thiệu là cháu ngoại chị Lê Thị Bé, đạp xe vun vút đưa chúng tôi đi thăm vườn trà lâu năm của bà Hai Anh, mẹ chị Bé. Rẽ vào một đường đất nhỏ, chiếc xe đạp của thằng bé như mở lối… “thoát” khỏi xóm làng, đưa chúng tôi chìm sâu giữa bụi bờ, tre lá um tùm. Đến đoạn eo do cây tre xòa khuất lối đi, thằng bé nhỏ xíu khéo léo chui lọt khoảng trống, còn tôi cảm giác như đang đi vào ngõ cụt. Cúi rạp người luồn qua khúc eo đó, tầm mắt tôi... vướng vào một khu vườn im lìm, bạt ngàn những cây trà cao vừa tầm người.

Bốn bề như bao phủ bởi cây rừng, vườn trà rộng chừng ba công đất, lọt thỏm như một bề mặt xanh nghít, hứng lấy ánh nắng chiếu xuyên qua tàng cây sầu riêng, chôm chôm phía trên. Ngay chính giữa khu vườn là một căn nhà gỗ. Căn nhà cũng cũ kỹ, im lìm.

Mot vung tra nuoc ben hong Sai Gon
 

Khắp khu vườn này chỉ có một chuyển động duy nhất, là dòng nước đang tràn ra từ cái vòi nước làm bằng ống nhựa bên hông nhà. Thằng bé vừa thắng xe, chó ở tứ bề đã sủa inh tai. Tôi nhận ra, ngoài bìa khu vườn này không phải là núi rừng mà là... vườn nhà của những gia đình khác. Nghe tiếng chó sủa vọng lại từ khắp nơi, thằng bé dáo dác, rồi tiu nghỉu thông báo: “Bà ngoại con chưa về”. 

Chúng tôi tỏa ra thăm thú khu vườn. Đúng như miêu tả của người dân, trà ở đây thuộc giống trà quế, mọc thành bụi, cao vừa tầm. Khắp khu vườn hàng trăm gốc trà này, chỉ một phần ít là có vẻ mới được trồng, còn lại đều in hằn dấu vết thời gian ở lớp vỏ thân cây sần sùi, nhiều u bắp, cành mẹ cành con chằng chịt. Trong lúc chúng tôi đoán già đoán non, thì chị Bé đẩy chiếc xe đạp luồn qua khúc eo có bụi tre lòa xòa ngay lối vào vườn.

Chị chào khách, nói “tui nghe bà Hai nhắn có mấy cô xuống chơi”, rồi lấy xuống chiếc bao tời, chân xăm xăm ra sau vườn, giọng vội vã: “Đi ra đây nói chuyện đặng tui hái mớ trà cho kịp trời tối”. Lúc đó, nắng đã chực tắt, hay đã “mắc” lại đâu đó trên những tàng cây ăn quả.

Chị Bé kéo áo, che khăn kín khắp người, dặn chúng tôi “phải trùm kỹ coi chừng muỗi chích “. Cứ hai tay hai ngọn, mỗi lần ngắt, chị chỉ hái được một đọt trà với ba lá non nhỏ nhất vừa nứt ở đầu cành. Những cây trà gần trăm năm vươn ra những lá xanh non bị ngắt đi dưới đôi tay thoăn thoắt của người chủ vườn. Mà… “vườn này hổng phải của tui”, chị Bé đính chính.

Chừng 70 năm trước, ngay ngày đầu mua lại mảnh vườn của ông Hai Thới, bà Nguyễn Thị Anh đã phát hiện mấy gốc trà lâu năm, rụng hạt nảy mầm quanh gốc. Hồi đó, mọi gia đình ở Phú Hội đều trồng trà, nhưng phần lớn trồng để uống. Chỉ vài người sống được bằng nghề trà. Bà Hai Anh kiên quyết phát quang khu vườn mới mua, nhặt những hạt trà rụng bên những gốc cây, ươm trồng. Vườn trà sau đó nuôi được cả gia đình với “một đàn con”.

Người Phú Hội nhiều phen phá bỏ vườn trà để tập trung cho những loại cây ăn quả có giá trị kinh tế hơn, nhưng bà Hai vẫn kiên quyết làm trà. Cách đây ba năm, chứng tai biến làm bà không đi lại được, phải giao vườn trà lại cho người con gái, chính là chị Ba Bé.

Mot vung tra nuoc ben hong Sai Gon
 

Những “bạn trà” như ông Tư Nô, bà Lít, những người sở hữu vườn trà lâu năm nhất Phú Hội cũng chỉ biết về cây trà ở xứ này theo cách đó. Còn nếu hỏi xa hơn chút nữa, các vị cao niên trong vùng lại lý giải: “Người ở đây quen làm, quen sống, mà không quen ghi chép lại, nên cả lai lịch của cây trà lẫn kỹ thuật trồng trà của người Phú Hội xưa không còn ai biết đến”.

Vài bước thành huyền thoại

Nhưng, trà Phú Hội từng được miêu tả khá chi tiết trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức: “Cây trà mọc cao từ ngang đầu người đến hàng chục mét, được trồng ở các vùng gò đồi, lá và thân đều có thể dùng nấu nước. Lá trà được hái về, vò, ủ kín, hạ thổ, nấu bằng siêu. Khi rót, siêu nước trà được giơ cao, dòng trà rót mạnh xuống tô nổi bọt trắng đục. Thế là trà ngon...”. Trong Địa chí Đồng Nai cũng viết: “Nước Mạch Bà, trà Phú Hội là thức uống nổi tiếng xưa nay”. 

Dì Sáu, vợ ông Út Nùng (ấp Đất Mới) pha một ít trà phật lá ren của Phú Hội rồi chạy vô bếp kiếm bằng được cái ly thủy tinh ra rót, để khoe “cái màu vàng mật, trong veo của trà ở đây”. Đây là thức uống truyền đời của người xứ này, người sinh ra ở đây “chỉ việc uống theo ông bà”, rồi “mắc mùi”.

Trà Phú Hội hái về phải để qua đêm cho dịu lại, đợi trời nắng đem phơi chừng một giờ, rồi đem vào đạp cho xoăn trước khi mang phơi khô qua hai nắng. Cứ năm ký trà tươi thì làm được một ký trà khô. Để ướp trà theo kiểu người Phú Hội, phải hái lá ren và lá trà phật tươi, cắt nhỏ, bỏ vào túi bóng chung với trà mộc đã phơi khô buộc kỹ chừng ba ngày.

Đến khi hai loại lá héo xoắn lại, mở túi bóng sẽ nghe mùi thơm đặc trưng, đem pha với nước Mạch Bà sẽ cho một loại trà nước trong, màu vàng mật, mùi thơm ngọt, mát lành. Trà Phú Hội phải được trồng ở vùng đất có Mạch Bà, và phải pha với chính dòng nước này. Người làng còn quả quyết, nhiều người di cư đi xứ khác từng mang cây trà Phú Hội theo, nhưng chỉ cần đi khỏi mấy ấp có Mạch Bà, thì trà cũng nhạt mất.

Cây trà “không chịu” đi đâu khỏi Mạch Bà, vùng trà từng được “tái sinh” qua đợt sốt giá cách đây mấy năm giờ cũng thu hẹp dần; trà Phú Hội ngày càng khan hiếm. Một ký trà ướp lá ren giá 700.000 đồng, trà mộc không ướp giá 650.000 đồng. Xuống Phú Hội mùa này, người ta dễ thấy cảnh người dân ghé khắp các “đầu nậu trà” để lùng mua cho bằng được trà ướp kiểu Phú Hội xưa, để biếu tết.

“Đầu nậu” nhận đặt hàng của khách từ trước vài tháng, đến giờ vẫn chưa gom đủ để giao. Các chủ vườn ở Phú Hội xưa hái đọt mỗi tháng ba lần, mỗi công đất cho chừng hai ký trà khô, giờ ba công chỉ gom được một ký. Được cho là thành công trong kỹ thuật trồng trà, vườn trà 500 gốc Lê Danh (ấp Xóm Hố) cũng chỉ thu tối đa ba ký trà khô mỗi tháng. 

Mạch Bà, cây trà Phú Hội, trà phật, lá ren, và cả những con người quấn quít với cây trà tôi đang thấy ở đây, cũng như một hình ảnh của vùng đất xưa kia, nhưng… đã tiến gần hơn đến “huyền thoại”. Trong những lời kể hồ hởi về mạch nước vẫn tuôn trào trăm năm, người dân không khỏi nhẹ giọng lại, mà nói thêm: “Giờ nước yếu nhiều rồi, mương nước nhiều chỗ tù đọng vì nước chảy không đủ mạnh, chuyện này xưa kia hổng có”.

Vợ chồng Út Nùng yên tâm rằng vườn nhà mình cũng có chừng chục cây trà nhà của ba má, thì giờ làm lại đất, gầy một vườn trà, chắc cũng dễ. Nhưng 1.000 gốc trà chết khô. Mới mấy tháng trước, vợ chồng phải làm lại đất lần nữa, đánh sạch mớ rễ trà “không chịu sống” lên, trồng lại cây ăn quả.

Ngồi trước hè khi trời đã tối mịt, ông Hai Danh cứ nhắc tôi: “Chút cưng đi ra ngoài lộ mà coi khu công nghiệp to đùng, từ ngày khởi công, trong đây đã thấy cát trôi theo nước mưa, lẫn vào đất, mạch nước yếu đi, cây cối suy dần, trà không sống nổi”.

Mot vung tra nuoc ben hong Sai Gon
 

Ông nói, hồi xưa má ông nuôi cả bầy con chỉ nhờ vào kinh tế vườn. Cây trồng không cần tưới, hoa trái phủ phê. Hồi xưa phụ nữ ở xứ ông chỉ nhặt chôm chôm rụng mà bán cũng để dành được mỗi năm năm, bảy chỉ vàng. Phụ nữ rửa bát trước mương mà lỡ đánh rơi cái chén cũng bị trôi mất vì nước chảy rất mạnh. Hồi xưa, cây trà ươm lên trồng xuống đất là sống...

Mà, có một “hồi xưa” đến giờ vẫn còn dấu vết, là cái hồi ông đi làm nghề… đạp trà thuê khi vùng trà Phú Hội đang độ rộn rã nhất. Các hãng trà ở Biên Hòa, Chợ Lớn khi ấy tìm xuống tận nơi mua về làm nguyên liệu. Các vườn trà khi ấy phải thuê người làm, có chủ vườn còn đầu tư cả máy vò trà, sấy trà. Thợ hái trà thì phải dùng “công ruột”, tức họ hàng trong gia đình để đảm bảo “vừa hái vừa dưỡng”. Ông Hai Danh chỉ được thuê để đạp trà.

Chính cái cảm giác khoan khoái khi đạp trà, chứng kiến công đoạn cuối cùng của thức ngon nức tiếng xứ mình ngày đó, mà mãi sau này, khi đã qua ngưỡng 60 tuổi, người đàn ông này lại quyết định “quay đầu”, khởi nghiệp với loại cây xưa cũ của cha ông.

***

Vùng trà nước ấy nghe như huyền thoại, mà cũng như đang đứng yên cho thời gian trôi qua, rồi cuốn nó vào huyền thoại. Mạch nước từ trăm năm đã đòi chảy, vùng trà bao phen bị bỏ mặc, bị trở thành “thứ yếu” vẫn im lìm tồn tại; hẳn là những thứ không muốn bị quên đi.

Nhưng, người Sài Gòn, Đồng Nai, và cả các vùng sông nước lân cận này vài năm sau nữa, rồi có còn được kể về vùng trà nước này như một kiểu “hoa trái quanh tôi”, hay phải kỳ công nhớ lại, rồi diễn đạt nó như níu kéo những hình dung đã trở thành huyền thoại? Câu hỏi có phần lẩn thẩn này, chắc cũng là một trạng thái của những ngày cuối năm - khi người ta hay đem ra… nhớ lại, những điều sắp bị lãng quên. 

Thanh Tân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI