Một vòng thưởng thức đặc sản miền Tây

06/07/2023 - 17:40

PNO - Nếu bánh xèo, chuột đồng quen thuộc với nhiều người thì bánh canh nước cốt dừa hay gỏi bông bần không phải ai cũng có cơ hội thưởng thức.

Cà na đập dập
Cà na trộn muối ớt: Cà na là một loại cây đặc trưng của miền Tây. Trái cà na có kích thước nhỉnh hơn ngón tay cái người lớn, màu xanh, vị chua chát khá lạ. Cà na thường không được dùng ngay mà phải qua hàng loạt bước xử lý như ngâm nước muối loãng, đập dập, xả nhiều lần với nước muối để bớt chua, sên cùng đường để phần thịt có thể rời khỏi hạt... mới chế biến thành nhiều món khác nhau như cà na muối, cà ca sên đường, mứt cà na... Hấp dẫn và bắt miệng nhất là cà na đập dập trộn muối ớt bởi tổng hòa vị chua, cay, mặn, ngọt. 
Bánh xèo
Bánh xèo miền Tây có kích thước khá lớn. Bên cạnh kích thước "khủng", món bánh này còn lạ miệng với không ít thực khách vì nước cốt dừa được pha trực tiếp trong bột gạo. 
Chuột đồng nướng
Nhắc đến đặc sản miền Tây không thể không nhắc đến chuột đồng. Có 2 loại chuột được bán ở các chợ hay chế biến món ăn ở nhà hàng, quán ăn tại vùng đất chín rồng là chuột cơm (nhỏ) và chuột cống nhum (kích thước lớn). Mỗi loại có hương vị khác nhau, tùy sở thích hay khẩu vị của thực khách.
Bún nước lèo
Nhờ các loại gia vị đặc trưng miền Tây là ngải bún (một loại củ gia vị) và mắm linh, mắm sặc... bún nước lèo miền Tây có vị đậm đà cùng hương thơm đặc trưng. Điều thú vị là dù cùng tên gọi, song tùy khẩu vị và sở thích của người chế biến, bún nước lèo ở các tỉnh miền Tây cũng có sự khác nhau, có tỉnh người bán sẽ thêm bì vào tô bún trước khi phục vụ thực khách, có quán lại thêm trứng vịt lộn luộc chín.
Hủ tiếu Mỹ Tho
Hủ tiếu Mỹ Tho là món hủ tiếu do người Mỹ Tho (Tiền Giang) tạo nên từ các sản vật địa phương và là món ăn sáng nhất định phải thử một lần của mọi du khách khi đến Tiền Giang nói riêng và miền Tây nói chung. Nguyên liệu chính của món ăn là hủ tiếu khô kết hợp với nước dùng nấu từ thịt heo bằm nhỏ, lòng heo và xương tủy heo. Hủ tiếu Mỹ Tho thường được ăn kèm giá, hẹ, tôm và lòng heo.
Cá linh
Cá linh là sản vật của đồng bằng sông Cửu Long và thường xuất hiện vào mùa nước nổi (ngày nay, người ta đã tìm cách trữ để phục vụ thực khách quanh năm). Cá linh có xương nhỏ, mềm, vị béo. Cá linh có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau từ lẩu cá linh bông điên điển đến cá linh kho mía, cá linh chiên giòn, cá linh kho tộ...
Gỏi bần
Gỏi bông bần: Cây bần thường mọc ở vùng nước lợ. Cả cây từ thân, rễ đến trái đều có thể được khai thác cho mục đích kinh tế. Gỏi bông bần là gỏi được chế biến từ những nhụy trong bông bần. Thường, nhụy bông bần không nhiều và khó thu hoạch nên gỏi bông bần thường chỉ dành chiêu đãi khách quý hay cha mẹ đãi những đứa con học hành xa nhà về thăm. Nhụy bông bần khi ăn có vị đắng, chát nhẹ.
Gỏi cá trích
Gỏi cá trích là món nhất định phải ăn khi đến Phú Quốc nói riêng và Hà Tiên nói chung. Món ăn được làm từ cá trích tươi, ăn cùng dừa bào, hành tây chấm tương. 
Tép xào bông điên điển
Tép xào bông điên điển: Khi mùa nước nổi về, các con kênh đầy cá tép, ven con rạch cũng nở rộ những cánh bông điên điển vàng, người miền Tây lại kết hợp 2 nguyên liệu để tạo thành món ăn có vị tươi, ngon đắng nhẹ. Trong món ăn này, để giữ màu bông điên điển, vị đắng của hoa, người nấu thường xào chín tép, nêm gia vị cuối cùng mới cho bông điển điển vào, trộn đều rồi tắt bếp.
Bánh canh nước cốt dừa
Bánh canh nước cốt dừa là món ăn kết hợp giữa thịt tôm ngọt, nước dùng vị béo từ dừa, sợi bánh canh dai dẻo - một trong những món đậm đà chất miền Tây Nam Bộ. Sự kết hợp ngọt mặn này trong bánh canh nước cốt dừa thường gây hoang mang nhẹ cho những vị khách từ xa tới, song nếu mạnh dạn nếm thử, bạn sẽ nhận ra món ăn đậm đà và thú vị.

Bài và ảnh: Huỳnh Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI