Một vòng luẩn quẩn

19/11/2016 - 15:11

PNO - Trang tìm kiếm “thực phẩm bẩn” sau vài giây trả về 2.170.000 kết quả. Đó là chưa kể kết quả tìm kiếm “thực phẩm không an toàn”, vì như một vị đã nói, “không có thực phẩm bẩn, chỉ có thực phẩm không an toàn”.

Thời buổi công nghệ cao, chỉ cần gõ mấy chữ “thực phẩm bẩn”, đã thấy cả triệu trang thông tin về chuyện này. Chính xác là, hôm 17/11, trang tìm kiếm “thực phẩm bẩn” sau vài giây trả về 2.170.000 kết quả. Đó là chưa kể kết quả tìm kiếm “thực phẩm không an toàn”, vì như một vị đã nói, “không có thực phẩm bẩn, chỉ có thực phẩm không an toàn”.

Đọc sao cho hết đám “dữ liệu lớn” này, mới chỉ lướt sơ vài trang, đã thấy vây quanh mình là ma trận thực phẩm bẩn dày đặc, chằng chịt, không thể tránh né, không còn biết đặt chân vào đâu. Tất cả các thực phẩm đều có loại bẩn len vào, từ giọt nước mắm đến cân đường; từ miếng thịt heo đến tai nấm khô, ký miến, gói mì…

Vậy mà, đúng là phục cái tài nhanh nhạy của người mình, không chỉ đối phó với “thực phẩm bẩn” trong thực tế, ngay cả trên mặt trận mạng, mặt trận thông tin, cuộc chiến cũng vô cùng ngoạn mục. Gõ mấy chữ tìm “thực phẩm sạch”, lại cũng chỉ vài giây sau, 2.180.000 kết quả được trả về, cho thấy tình trạng “sạch” nhiều hơn “bẩn”, nhiều hơn tới mười ngàn mẩu thông tin!

Mot vong luan quan
Ảnh minh họa.

Chỉ qua một vài thao tác phân tích dữ liệu sơ sài, thấy đa phần thông tin về thực phẩm sạch là quảng cáo cửa hàng rau sạch, các điểm bán thực phẩm đảm bảo sạch, các công nghệ trồng rau thủy canh, trồng rau tại nhà, trồng rau trên sân thượng. Giá cả các bộ công cụ, công nghệ sản xuất thì trên trời dưới đất đều có, giá cả của các loại rau củ thực phẩm, cả gạo và khoai lang nữa, thường cao ngất. Dữ liệu cung cấp một kết luận sơ bộ, là có thể, và nên, tự sản xuất lấy thực phẩm tại nhà.

Và những khu vườn rau, những điểm sản xuất cung ứng thực phẩm đã âm thầm phát triển trong lòng đô thị như thế. Người ta tận dụng mọi khoảng không gian để trồng; tận dụng mọi loại phương tiện để trữ và vận chuyển thực phẩm, giao hàng, thu tiền.

Khu chung cư này, dù không còn mới, nhưng cũng khang trang, sạch đẹp, phần lớn người ở đây thuộc hàng trung lưu, công chức viên chức, thu nhập không cao nhưng cũng có ý thức môi trường, khu nhà không đến nỗi bầy hầy, xuống cấp. Chỉ khoảng một năm trở lại đây thôi, ngoài các hành lang, trên nóc nhà, dưới sân… chỗ nào có thể đều đã thấy ngổn ngang xếp lớp hộp xốp trắng, thùng đất nâu, rau, cây leo, giàn bầu giàn bí.

Nước tưới rau ngấm trần, ngấm tường chung cư nhiều hơn nước sinh hoạt. Thỉnh thoảng giữa giờ cơm, lại tạt vào nhà mùi “phân hữu cơ”, chắc ai đó đang tưới rau, bón phân. Đất được cõng lên đến tận tầng năm, sân thượng; nước tưới, phân tro đóng gói thùng lớn bịch nhỏ, cái bón liền vào chậu, cái để dành…

Đã qua thời khách đến nhà được chủ nhà khoe gian bếp hiện đại, tủ lạnh và máy giặt, bây giờ người ta khoe nhau vườn rau, kéo nhau ra xem trồng rau sạch tại nhà, lúc về chủ nhà cắt rau làm quà; đem cho đem biếu, lấy cái tiếng rau nhà trồng, đảm bảo sạch.

Một hiện thực chẳng mấy vui vẻ gì đang lặp lại. Nhớ những năm đầu 80 của thế kỷ XX, nhà nhà trồng rau, nuôi heo, nuôi gà, cũng ngăn sân thành vườn, trữ vại nước tiểu làm phân tưới; ngăn phòng tắm, ngăn nhà thành chuồng nuôi, nhà nhà đều có thùng chứa nước gạo, cơm thừa cho heo.

Ông công chức cán bộ, buổi chiều hết tám giờ vàng ngọc về nhà mặc áo may ô tưới rau, mặt mày mãn nguyện hạnh phúc, đến kỳ đến tháng, người buôn heo vào tận chuồng bắt heo bỏ vô rọ, móc cân lên, ba bốn người châu đầu vô nhìn thẳng nhìn nghiêng, bàn tính, con heo kêu eng éc vang xóm vang làng.

Giờ thì không heo, nhưng cô bạn giảng viên một trường đại học ở Huế, hôm rồi đi công tác ở Nha Trang đã bỏ chuyến đi tham quan đảo, ở nhà để ra chợ mua hơn chục ký cá, mang về khách sạn sơ chế, gửi ngăn tủ đông, để mang về cho gia đình đã mấy tháng trời không được ăn cá. Không phải mình cô, các chị trong đoàn, chuyến về ai cũng lỉnh kỉnh thùng xốp, bọc ni lông, gói cá, gói mực, gói đồ khô… như các bà buôn chuyến thời bao cấp. Tưởng đã thoát đói, thoát nghèo, nhưng hình như không phải, chuyện văn minh, phát triển, như tụt lại “về mo” cả.

Chuyện thực phẩm là chuyện của các ông nông nghiệp và phát triển nông thôn, bệnh tật là của các ông y tế, buôn bán hàng gian hàng giả là chuyện của các vị công thương, còn các nhà quy hoạch đô thị chẳng biết có nhìn thấy không, đã có một thành phố vườn manh mún và nhếch nhác, tự cấp tự túc, đang hình thành dần trong lòng các đô thị lớn.

Dựng rào ngăn sân thượng, sân nhà thành chỗ trồng rau đang là “mốt”, với nhà ở đô thị, đặc biệt là nhà phố có diện tích nhỏ, điều này đang làm biến dạng cảnh quan, méo mó đời sống văn minh đô thị. Người dân, vì không còn cách xoay xở nào khác, không còn biết đặt lòng tin vào đâu trong ma trận thực phẩm bẩn vây quanh mình, đã chọn một cách phản ứng tiêu cực, “thân ai người ấy lo”.

Cơ chế tổ chức phân công công việc, chuyên nghiệp hóa ngành nghề của một xã hội tiến bộ đang nhòe mờ dần. Và một môi trường đô thị thực sự văn minh, hiện đại cũng khó mà đạt được, khi con người ta bị đẩy về quanh quẩn lo cái nhu cầu tối thiểu về cái ăn cho mình và cho gia đình. Cái vòng xoắn của sự đời luẩn quẩn đến thế này sao?

Lập Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI