Một tỷ phú "hạnh phúc khi cho đi toàn bộ tài sản"

18/09/2020 - 14:00

PNO - Một tỷ phú đô-la đã mang hết tiền của mình để hoạt động từ thiện. Ông cũng đã có nhiều hoạt động để giúp đỡ Việt Nam.

Trong suốt mấy ngày nay, truyền thông toàn cầu chạy những dòng tít tô đậm về một vị tỷ phú “0 đồng” đã hoàn thành sứ mệnh mang toàn bộ tài sản của mình trị giá hơn 8 tỷ USD cho thiên hạ.

Tỷ phú “0 đồng”, ông là ai?

Trên con phố nhỏ ở New Jersey (Mỹ) những ngày cuối năm 1940, cậu bé 10 tuổi Charles “Chuck” Feeney vượt qua những đống tuyết ngập cả đôi ủng gõ cửa từng nhà để bán thiệp Giáng sinh với ước mơ sẽ đủ tiền đi học. Sự quyết tâm không ngại khó ấy đã đưa Chuck trở thành đứa trẻ đầu tiên trong gia đình người Mỹ gốc Ai-len bước được chân vào cổng trường đại học.

Ông Charles “Chuck” Feeney thời thơ ấu cùng bố mẹ và 2 chị gái - Ảnh: Atlantic Philanthropies
Ông Charles “Chuck” Feeney thời thơ ấu cùng bố mẹ và hai chị gái - Ảnh: Atlantic Philanthropies

Và kể cả khi đã ngồi trong giảng đường của Viện Đại học Cornell danh tiếng với bạn học là những "thiếu gia" tiêu tiền như nước thì ông vẫn không hề ngại ngùng trở thành “anh chàng sandwich” bán từng lát bánh mì cho tụi bạn háu đói sau những giờ lên lớp căng thẳng.

Năm 1960, Robert Miller - một người bạn thời đại học đã ăn đến mòn răng bánh mì sandwich của Feeney - đã bắt tay “anh chàng sandwich” để đồng sáng lập tập đoàn bán lẻ miễn thuế nổi tiếng Duty Free Shoppers (DFS). Công việc kinh doanh thuận lợi và họ đã trở thành triệu phú không lâu sau đó.

Feeney thừa hưởng một cách sâu sắc triết lý phụng sự cộng đồng từ mẹ mình với lời dạy “Hạnh phúc là khi mang cho người khác những gì mình có”.

Ngày  23/11/1984, tại một địa điểm bí mật ở quần đảo Bahamas, thuộc vùng Caribe, Feeney cùng người vợ đầu của mình và luật sư riêng đã đặt bút ký các tài liệu cần thiết để khai sinh ra tổ chức Atlantic Philanthropies (Quỹ từ thiện Đại Tây Dương). 

Hệ thống cửa hàng miễn thuế Duty Free Shoppers (DFS) do ông Charles Feeney và người bạn thân hồi sinh viên Robert Miller cùng sáng lập năm 1960 - Ảnh: Getty Images
Hệ thống cửa hàng miễn thuế Duty Free Shoppers (DFS) do ông Charles Feeney và người bạn thân thời sinh viên Robert Miller cùng sáng lập năm 1960 - Ảnh: Getty Images

Cũng từ lúc ấy, không ai biết rằng, ông đã chính thức đóng góp toàn bộ khối tài sản khổng lồ của mình cho tổ chức này để thực hiện các dự án thiện nguyện ở khắp nơi trên thế giới. Theo đó, toàn bộ lợi nhuận từ việc kinh doanh của DFS trị giá hàng trăm triệu USD được đều đặn “rót” vào tài khoản của Quỹ Atlantic Philanthropies suốt 15 năm trong khi tung tích của nhà tài trợ hào phóng này thì lại hoàn toàn không có dấu vết.

Điều này cũng dễ hiểu bởi chỉ rất ít người được biết việc hiến tặng tài sản của ông Feeney, và tất cả họ đều bị ràng buộc bởi giấy tờ pháp lý, lời thề tuyệt đối giữ bí mật. Nhờ thế, ông đã thoải mái đặt chân đến những nơi khó khăn trên thế giới, như Limerick (Ai-len); Đà Nẵng (Việt Nam); Tây Cape (Nam Phi)... để tìm hiểu và giúp đỡ những người nghèo khổ mà không bị ảnh hưởng bởi "hào quang" của nhà tài trợ.

Bị lộ diện, và càng chăm làm từ thiện hơn

Cuối năm 1996, Feeney quyết định bán cổ phần của mình trong DFS cho tập đoàn Louis Vuitton Moët Hennessy (LVMH) với giá 1,6 tỷ USD, khiến số tài sản của Quỹ Atlantic Philanthropies tăng đột biến với 3,9 tỷ USD. Đến lúc này thì danh tính của nhà hảo tâm Feeney mới bị tiết lộ do các thủ tục chuyển nhượng thực hiện tại tòa án bắt buộc ông phải lộ diện.

Feeney đã chính thức ra mặt, dấn thân vào con đường làm từ thiện và phát triển trên khắp thế giới với 5 ưu tiên, bao gồm: chăm sóc người cao tuổi; phát triển trẻ em và thanh niên; nâng cao sức khỏe cộng đồng; hòa giải xung đột và thúc đẩy quyền con người.

Ông Charles Feeney quan niệm rằng, cho đi những gì mình có khi đang còn sống thì ý nghĩa hơn với việc cho đi khi mình đã chết - Ảnh tư liệu
Ông Charles Feeney quan niệm rằng, cho đi những gì mình có khi đang còn sống thì ý nghĩa hơn với việc cho đi khi mình đã chết - Ảnh tư liệu

Feeney cũng chính là người khởi xướng và tích cực vận động chiến dịch “Cho đi khi vẫn còn đang sống” tạo niềm cảm hứng cho hàng loạt tỷ phú trên thế giới tham gia chung tay làm công việc thiện nguyện như vợ chồng Bill and Melinda Gates, Warren Buffett...

Điều này làm ông trở nên khác biệt với những tỷ phú hứa sẽ dành một phần tài sản để làm từ thiện chỉ sau khi họ chết.

Được biết đến như là “James Bond của công việc thiện nguyện”, vị tỷ phú này sống khiêm tốn và giản dị trong một căn hộ đơn sơ ở San Francisco. Thứ tài sản quý giá nhất mà mọi người có thể tìm thấy ở trong nhà ông chính là bức tượng bằng pha lê cỡ nhỏ có khắc dòng chữ: “Cám ơn Chuck Feeney vì đã hiến tặng 8 tỷ USD cho công việc thiện nguyện” mà ông vừa nhận cách đây mấy hôm.

Là một tỷ phú với khối tài sản khổng lồ nhưng ông Feeney sống một cuộc sống hết sức giản dị - Ảnh: Atlantic Philanthropies
Là một tỷ phú với khối tài sản khổng lồ nhưng ông Feeney sống một cuộc sống hết sức giản dị không màng đến vật chất - Ảnh: Atlantic Philanthropies

Nặng lòng với Việt Nam

Vào một ngày đầy bận rộn năm 1997 khi đang bước vội ở sân bay San Francisco, Chuck Feeney chợt khựng lại với câu chuyện đăng trên tờ nhật báo đang cầm trên tay về một tổ chức từ thiện của Mỹ mang tên Đông Tây Hội Ngộ (the East Meets West Foundation) - chuyên thực hiện các dự án thiện nguyện tại Việt Nam. Bài báo kể về việc khó khăn trong tìm nguồn tài trợ để tiến hành các chương trình cải thiện sức khỏe và giáo dục cho người nghèo tại các vùng quê ở Việt Nam lúc bấy giờ.

Ngay lập tức, Feeney viết thư cho ông Mark Stewart - Giám đốc điều hành của Đông Tây Hội Ngộ thời ấy - để tìm hiểu, rồi chỉ vài ngày sau, tài khoản của tổ chức đã nhận được 100.000 USD từ tiền túi của Feeney với lời nhắn “Khi tiêu hết số tiền này thì viết thư và cho tôi biết các ông đã làm gì với nó”.

Số tiền đến đúng lúc này đã giúp cho tổ chức Đông Tây Hội Ngộ đầu tư vào việc xây dựng và trang bị cơ sở vật chất cho các trường học, cũng như lắp đặt hệ thống nước sạch dùng trong sinh hoạt cho người dân nghèo.

Một ca khám chửa bệnh cho trẻ em do tổ chức Đông Tây Hội Ngộ thực hiện tháng 3/2010 bằng nguồn tài trợ từ ông Feeney - Ảnh: Michael French/Flickr
Một ca khám chữa bệnh cho trẻ em do tổ chức Đông Tây Hội Ngộ thực hiện tháng 3/2010 bằng nguồn tài trợ từ ông Feeney - Ảnh: Michael French/Flickr

Đây cũng chính là nền tảng để Đông Tây Hội Ngộ quyết tâm gắn bó lâu dài cho công tác phát triển tại Việt Nam cho đến năm 2013 với hàng loạt dự án lớn tập trung vào việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ y tế, giáo dục và nước sạch... trị giá hàng trăm triệu USD.

Các báo cáo cho thấy, nguồn tài trợ của ông Feeney đã được sử dụng một cách có hiệu quả với 295 dự án được triển khai, 940 trung tâm y tế xã, thôn bản được xây mới và nâng cấp phục vụ hơn 9 triệu người dân tại 8 tỉnh thụ hưởng dự án.

Một trong những dự án tiêu biểu mà Đông Tây Hội Ngộ đã thực hiện hiệu quả bằng nguồn tài trợ của Feeney là công trình Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Đến nay, bệnh viện này đã trở thành một địa chỉ tin cậy của người dân khắp các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên với khả năng phục vụ trên 2.000 bệnh nhân mỗi ngày.

Bác sĩ Trần Ngọc Thạnh - người giữ chức Giám đốc Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng trong nhiều năm - từng bày tỏ lòng biết ơn đến những đóng góp của ông Feeney và cộng sự: “Năng lực phục vụ bệnh nhân của bệnh viện như hiện nay chính là giấc mơ từ rất lâu của y bác sĩ chúng tôi”.

Ông Chuck Feeney đến thăm Trung tâm Học liệu - Đại học Huế, nơi được tài trợ bằng nguồn ngân sách của ông - Ảnh:
Ông Chuck Feeney đến thăm Trung tâm Học liệu - Đại học Huế, nơi được tài trợ từ ông - Ảnh: Altantic Philanthropies

Ngoài ra, một số cơ sở y tế trọng điểm khác như các bệnh viện: Mắt Đà Nẵng, Phụ nữ Đà Nẵng, Ung bướu Đà Nẵng; Trung tâm tim mạch - Bệnh viện Trung ương Huế; Khoa Y tế công cộng - Đại học Y dược Huế... cũng nhận được sự tài trợ của Feeney thông qua tổ chức Đông Tây Hội Ngộ và các đối tác ở Việt Nam.

Giáo dục cũng là ưu tiên của ông Feeney với hàng loạt các trung tâm học liệu, thư viện, ký túc xá sinh viên ở Đà Nẵng, Huế và một số tỉnh thành trên cả nước được xây dựng. Đại học RMIT Việt Nam khi mới thành lập cũng nhận được sự hỗ trợ về tài chính từ Feeney với số tiền hơn 15 triệu USD.

Ông Chuck Feeney cùng vợ trong một chuyến thăm tại Làng Trẻ em Hy Vọng (Đà Nẵng, Việt Nam) và kiểm tra các dự án sử dụng nguồn ngân sách do ông tài trợ - Ảnh tư liệu
Ông Chuck Feeney cùng vợ trong một chuyến thăm tại Làng Trẻ em Hy Vọng (Đà Nẵng) và kiểm tra các dự án sử dụng nguồn ngân sách do ông tài trợ - Ảnh tư liệu

Thanh thản khi đã cho đi đồng tiền cuối cùng

Ngày 14/9/2020, tại thành phố San Francisco (Mỹ), vị tỷ phú 89 tuổi Charles “Chuck” Feeney đặt bút ký hồ sơ đóng cửa Quỹ Atlantic Philanthropies - tổ chức thiện nguyện phi lợi nhuận do chính mình sáng lập cách đây 40 năm - sau khi đã chi tiêu hết 8 tỷ USD cho các chương trình, dự án từ thiện và phát triển trên phạm vi toàn cầu.

Tỷ phú Bill Gates và các vị lãnh đạo Quốc hội Mỹ đã gửi thư cảm ơn, tôn vinh những cống hiến to lớn của ông Feeney trong suốt hàng thập niên qua.

Vào ngày 14/9/2020, ông Chuck Feeney cùng vợ ký những giấy tờ pháp lý để đóng cửa Quỹ Atlantic Philanthropies sau 4 thập niên hỗ trợ công việc thiện nguyện trên khắp thế giới - Ảnh: Atlantic Philanthropies
Vào ngày 14/9/2020, ông Chuck Feeney cùng vợ ký những giấy tờ pháp lý để đóng cửa Quỹ Atlantic Philanthropies sau 4 thập niên hỗ trợ công việc thiện nguyện trên khắp thế giới - Ảnh: Atlantic Philanthropies

“Sự đóng góp và hy sinh của Feeney đã nêu tấm gương tốt cho tinh thần cống hiến, phụng sự cộng đồng bằng cách cho đi”, Sandy Weill - cựu Chủ tịch Hội đồng Trường đại học khoa học y khoa Weill Cornell - phát biểu.

“Tôi hạnh phúc khi cho đi toàn bộ tài sản, hoàn thành ước nguyện lớn nhất của bản thân trước khi chết”, ông Feeney nói.

Nguyễn Thuận

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI