|
Chúng ta sẽ dạy cho sinh viên điều gì về công bằng, nhân bản khi họ đã bị phân biệt ngay từ cổng vào trường? (Trong ảnh: Thí sinh được cân đo tại Trường Quản trị và Kinh doanh) - Ảnh từ Facebook trường |
Khoản 1, Điều 13, Luật Giáo dục 2019 minh định: “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập”. Thế mà lạ thay, Trường Quản trị và Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội lại ra điều kiện xét tuyển đối với thí sinh nữ phải cao từ 1,58m và nam cao từ 1,65m, thể lực tốt, thị giác tốt.
Trước những phản ứng về việc “body shaming” (miệt thị ngoại hình) thí sinh, giải thích trên báo chí, đại diện nhà trường cho biết: “Quy định xét tuyển của trường hướng tới mục tiêu đào tạo ra những nhà lãnh đạo, quản trị và điều hành xuất sắc cho cả khu vực công và tư”.
Câu hỏi là: Cơ sở nào để cho rằng những người cao ráo, thể lực tốt sẽ trở thành những nhà lãnh đạo, quản trị và điều hành xuất sắc? Căn cứ nào để xác định người thấp bé sẽ tệ và không thể hoàn thành nhiệm vụ? Phải chăng, với các tiêu chí xét tuyển như vậy, chúng ta đang nhắm đến một xã hội tinh hoa - nơi những người có ưu thế sẽ chiếm lĩnh phần hơn và những người yếu thế sẽ bị bỏ lại, trở thành công dân hạng hai?
Có thể, khi tuyển những sinh viên cao ráo, trường sẽ “đẹp” hơn trong những bức ảnh; song việc loại những thí sinh thấp bé đích thực là hành vi phản giáo dục khi tước đoạt quyền được học tập của công dân dựa trên đặc điểm cá nhân.
Chúng ta đã có sự phân biệt trường giàu - trường nghèo, song sự phân biệt ấy nằm ở hệ thống giáo dục tư thục, nơi các trường phải hoàn toàn tự chủ về tài chính, lời ăn lỗ chịu, như một doanh nghiệp. Còn trong hệ thống giáo dục quốc gia, đưa tiêu chí không liên quan đến năng lực học tập vào việc xét tuyển chỉ cho thấy ta đang rời xa mục đích của giáo dục, đào tạo.
Đồng ý, có một số ngành nghề đòi hỏi cao về thể lực hoặc năng khiếu, chẳng hạn một chiến sĩ công an cần có thể lực tốt để trấn áp tội phạm, một kiến trúc sư cần có năng khiếu vẽ. Nhưng quản trị và kinh doanh tìm người “đẹp” để làm gì? Một giám đốc cao mét tám sẽ giỏi kinh doanh hơn một giám đốc cao mét rưỡi? Một kiểm toán viên bị cận sẽ làm việc kém hơn kiểm toán viên thị lực 10/10? Chắc chắn không ai dám kết luận như vậy trừ những người xem ngoại hình là số 1.
Khi khắp thế giới đang hướng đến sự văn minh - không kỳ thị người yếu thế, trao quyền và cơ hội cho mọi người thì buồn thay, ở một ngôi trường, bậc đại học, lại sẵn sàng tước cơ hội học tập của công dân chỉ vì ngoại hình. Kể cả khi trường nói sẽ xét đặc cách cho thí sinh có năng khiếu đặc biệt thì đó lại là một lần ưu tiên chọn tinh hoa. Rồi ta sẽ nói gì với sinh viên về khai phóng, về nhân bản, về sự công bằng xã hội khi chính ta phân biệt họ ngay từ cổng trường? Một tương lai rực rỡ chỉ dành cho các tinh hoa là điều ta hướng tới?
Thành Nhân