Một tuần không tiêu hết trăm ngàn đồng

29/06/2018 - 14:00

PNO - “Một trăm ngàn xài hoài không hết”, mọi người bắt đầu câu chuyện về chị bằng câu nói đó, để chứng mình cho thế giới biết rằng, chúng ta cần tiền, nhưng không phải rất cần, nếu cân bằng đời mình bằng những điều lớn lao hơn.

Khi nghe Trị nói với bạn bè cả tuần không xài hết một trăm ngàn, ai cũng cười. Nhưng đó là sự thật. “Có cần đâu mà xài tiền. Sáng có học trò mang cho củ khoai nhà luộc, vậy là xong bữa sáng. Trưa có người cho tô canh bí đỏ, đĩa rau luộc. Thế là xong bữa trưa. Tối có gì ăn nấy, có hôm học trò lại cho ít canh rau hay gì đó. Không đi đâu xa, không mua sắm gì nhiều cho bản thân. Nên đôi khi cả tháng xài có mấy trăm ngàn, phần lớn là mua gạo và đổ xăng”, Huỳnh Thị Quốc Trị kể. 

Mot tuan  khong tieu het tram ngan dong
Chị Huỳnh Thị Quốc Trị  sống gần như không cần tới tiền

Tốt nghiệp ở Nhật ngành phúc lợi xã hội, chị Huỳnh Thị Quốc Trị về nước vì tin rằng, còn rất nhiều cuộc đời nghèo khó ở quê cần mình. Không đao to búa lớn, không ồn ào kêu gọi, Trị tin rằng, khi chúng ta gửi lên vũ trụ một thông điệp tốt đẹp, chắc chắn thông điệp sẽ được giải quyết như ước nguyện.  

Khi ở thành phố, chị đã tìm mua chiếc xe đạp, để đạp theo những chuyến xe hàng rong ngược xuôi, chị ngồi ở phố đông tấp nập, tìm cho ra những mảnh đời để tìm cách chia sẻ cùng họ.

Ấp ủ dự án tạo công việc để kiếm sống và dạy cho các bé gái dân tộc thiểu số một cái nghề, Trị nghỉ việc ở các tổ chức phi chính phủ để chuyên tâm cho dự án riêng. 

Hiện chị đang sống và làm việc tại Đơn Dương (Lâm Đồng) hết mình với một dự án nhỏ về may mặc, thêu tay cho các em gái dân tộc. Chị Quốc Trị  kể về mối “lương duyên”:

"Có người giới thiệu một vùng đất mà Trị chưa hình dung được đó là nơi nào. Buổi tối leo lên chuyến xe được người giới thiệu mua vé sẵn, sớm mai đến nơi, một cô gái người dân tộc Chu Ru đưa Trị về nhà ở tạm.

Sáng bảnh, Trị được đưa vào trung tâm, tim Trị như thắt lại khi nhớ ra đây là nơi mình từng lăn lộn hai tháng khi còn là sinh viên ngữ văn đi thực tập, tìm tài liệu làm đề tài tốt nghiệp. Thế là Trị ở lại với các em, những cô bé dân tộc thiểu số hoang dã như cỏ cây, ước mơ làm được một điều gì đó nhỏ nhoi cho người dân nơi này”.

Trị được một người dân cho mượn ngôi nhà trống để sinh hoạt và làm nơi dạy nghề cho các em. Các em gái được học may công nghiệp từ số máy may Trị chuyển tới, được nhận hàng về gia công.

Mot tuan  khong tieu het tram ngan dong

Các bà mẹ Chu Ru học nghề trên chiếc máy may chị Huỳnh Thị Quốc Trị sắm.

“Mình có thể không xài hết một trăm ngàn đồng, nhưng các em phải kiếm được nhiều tiền hơn thế”, Trị nói. Các em cũng được học kỹ năng sống vì Trị từng là chuyên gia đào tạo kỹ năng sống trong các dự án phi chính phủ cho trẻ đường phố.

Mỗi ngày sống với người nghèo, Trị cảm thấy nhu cầu cá nhân của mình sao vẫn còn “sang chảnh” quá. Đi thăm các em trong làng, Trị biết có em dùng đèn soi ếch của chồng để thêu, có em vừa đi học vừa địu con theo.

Có khi chị Quốc Trị phải làm nhiệm vụ trông trẻ cho các bà mẹ ấy an tâm học nghề. Chị cũng ngộ ra rằng, người nơi này hay quá, họ không than van, kể khổ, không so bì hơn thua, nên ai cũng an vui và chẳng biết thế nào là trầm cảm. 

Trên trang facebook cá nhân của Quốc Trị vừa có một dòng trạng thái: “Mấy ngày nay không thấy em đến lớp. Ra tiết tranh thủ chạy đến nhà xem sao. Một mẹ hai con, chồng lấy hết tiền rồi bỏ đi biền biệt hai năm nay không về. Con sốt không gửi nhà trẻ được nên em không đến lớp.


Mấy luống rau lang trước sân đang chờ mưa. Đến ngày thu hoạch, bán được giá thì mới có ăn, không được thì nhịn đói thôi. Rồi lại tiếp tục nợ tiền phân, tiền giống... 
Cái nghèo, cái khổ không chỉ của riêng ai. Riêng em, em vẫn an nhiên sống...” . 

Cuộc đời này vẫn còn đó những người lặng lẽ sống, lặng lẽ làm...

Lan Khôi

 
 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI