Một triệu người Bồ Đào Nha biểu tình chống “thắt lưng buộc bụng”

04/03/2013 - 18:42

PNO - PN - Ngày 2/3/2013, gần một triệu người dân Bồ Đào Nha ở 20 thành phố đã xuống đường tuần hành phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ.

Tuy nhà chức trách chưa đưa ra con số chính thức nhưng ước tính có khoảng 500.000 người biểu tình tại thủ đô Lisbon và 400.000 người ở các thành phố khác. Những người biểu tình là các giáo viên, y bác sĩ và người về hưu vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi những biện pháp cắt giảm ngân sách của chính phủ Bồ Đào Nha. Những người biểu tình kêu gọi bầu cử, đòi Thủ tướng Bồ Đào Nha Pedro Passos Coelho từ chức. Một số tờ báo mô tả bầu không khí của các cuộc biểu tình ở Bồ Đào Nha là mang “tinh thần cách mạng 1974”.

Trong khoảng nửa năm trở lại đây, hầu như mỗi tháng người Bồ Đào Nha đều rầm rộ xuống đường phản đối chính sách khắc khổ mà chính phủ áp dụng sau khi nước này nhận gói viện trợ tài chính 103 tỷ USD vào tháng 5/2011 do khủng hoảng nợ công. Để đổi lại viện trợ, Bồ Đào Nha cam kết áp dụng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” như cắt giảm chi tiêu ngân sách, tái cơ cấu nền kinh tế... Năm 2012, chính phủ Bồ Đào Nha đã cắt giảm lương tối thiểu, trợ cấp về hưu và dự định tăng thuế toàn diện, áp dụng các biện pháp khắc khổ khác trong năm 2013 để cắt giảm khoảng bốn tỷ euro thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, gần đây Lisbon tuyên bố không thể đạt được chỉ tiêu này do suy thoái kinh tế kéo dài. Hiện tỷ lệ thất nghiệp tại Bồ Đào Nha là 17%.

Mot trieu nguoi Bo Dao Nha bieu tinh chong “that lung buoc bung”

Chính sách “thắt lưng buộc bụng” do Đức khởi xướng áp dụng cho toàn châu Âu, đặc biệt các quốc gia nhận gói cứu trợ hằng trăm tỷ đô la như Ý, Ireland, Hy Lạp, Bồ Đào Nha… đang bị người dân phản đối, khiến chính phủ nhiều nước châu Âu lung lay.

Cũng trong tháng 2/2013, Bulgaria và Slovenia là những nước mới nhất trong danh sách các chính phủ châu Âu bị bão “thắt lưng buộc bụng” quật đổ. Thủ tướng Bulgaria Boiko Borisov tuyên bố giải tán nội các. Chính phủ trung hữu của Thủ tướng Slovenia Janez Jansa đã không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội sau làn sóng biểu tình trên cả nước.

Những cơn bão biểu tình dẫn đến sự không ổn định chính phủ tại châu Âu đã tác động ngược trở lại kinh tế khiến các nước loay hoay giữa cân bằng kinh tế và kích thích tăng trưởng.

Nam Anh (AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI