Một trăm năm - cải lương đã nương mình trong số phận và bước đi của dân tộc: Nơi thanh âm tự tình cùng trăm năm

27/04/2018 - 08:18

PNO - Bản thu âm tiếng ca tiếng ngâm đứt đoạn của bà ngày ấy, nó rót thẳng vào ký ức tôi như một bản tổng phổ tuyệt vời nhất của nghệ thuật sân khấu cải lương.

Trong lịch sử 100 năm sân khấu cải lương, có một bài vọng cổ đã được viết bởi một tác giả bậc thầy, đã được dành riêng cho một nghệ sĩ biểu diễn tài năng bậc nhất, nhưng đó cũng là bài vọng cổ chưa bao giờ được thu âm và phát sóng. Nó chìm theo “khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan”, để giữa cái khoảng cách hữu hình (khi ông và bà đều đã có gia đình riêng) hay có vẻ là vô hình ấy (mà họ luôn ý thức giữ gìn cho đạo hát), đã chạm trổ thành một tác phẩm để đời với 12 câu vọng cổ nhịp 16, được viết từ khoảng năm 1929: 

Lơ lửng lá vàng rơi, thoang thoảng gió heo may, đưa hương vị cố nhân về, đánh thức bao ký vãng xa xăm mà ta đã cùng hưởng chung với nhau ở giữa đất phong trần.
Lòng bỗng rạo rực băn khoăn vội vã tạ liễu từ hoa, ân cần giao trả lại cho nước non, rồi xếp gió trăng thơ mộng, vùn vụt bánh xe lăn trong muôn dặm tử phần.
...
Nào dè đâu thời gian đã tàn phá bức tranh tình. Mùi đã lạt, tình đã phai, cùng cố nhân tuy gần nhau trong gang tấc mà cách nhau như núi Sở sông Tần. 
Ầm ĩ sóng bến mê, rạt rào mưa khóm trúc, chiếc thân tàn, con ma dại cứ lầm lũi đi trên con đường gió bão. Kìa ai ơi, một hồn quê mà ai đã sa đà...

Nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu 

Mot tram nam - cai luong da nuong minh trong so phan va buoc di cua dan toc: Noi thanh am tu tinh cung tram nam

NSND Bạch Tuyết và NSƯT Minh Vương trong vở Đời cô Lựu - Ảnh: Thanh Hiệp

Tôi mường tượng chuyến xe lãng tử của đôi tri kỷ kịch nghệ Sài Gòn Năm Châu - Phùng Há trên vạn dặm mây trời, phảng phất về sau là hình ảnh của Dũng và Loan trong Đoạn tuyệt của Nhất Linh, cũng lầm lũi mà ra đi trong sương gió. Chữ tình không trọn vẹn ở  đời lại nối tiếp mà thăng hoa trong từng con chữ, trên từng sàn diễn. Với soạn giả Nguyễn Thành Châu, con đường kịch nghệ cải lương - với ý thức dân tộc đậm nét qua việc chủ đích xây dựng ban Việt kịch Năm Châu và chủ trương sân khấu Thật và Đẹp - đã góp phần quan trọng vào tiến trình hiện đại hóa chữ quốc ngữ, phong phú và đa dạng nền quốc văn nước nhà trong giai đoạn đầu thế kỷ XX. 

12 câu vọng cổ mà ông viết riêng cho người tri kỷ - vẫn giữ cấu trúc văn biền ngẫu, vẫn mượn vài điển cố, vẫn nương vay cảnh mà tả ý ngụ tình nhưng chất chứa, đa mang tâm trạng riêng là một nhẽ, phả vào đấy đã là một lối văn trực chỉ chân thật, diễn đạt bằng nhiều từ, câu mới (có thể được dịch từ văn học Pháp), có tính biểu đạt mạnh, rõ nét nên có hơi hướng thời thượng. Hơn thế, đằng sau những lời trách móc yêu thương ấy lại ẩn chứa hồn quê, nặng tình non nước. 

Mot tram nam - cai luong da nuong minh trong so phan va buoc di cua dan toc: Noi thanh am tu tinh cung tram nam
Vợ và tình

“Ngày đó khi tôi lấy chồng, ảnh đột ngột rời gánh Phụng Hảo, nghe đâu là ảnh đi Hà Nội. Người ta đưa cho tôi lá thư ảnh gửi trước khi đi. Lá thư đó là 12 câu vọng cổ, gói hết tâm tình của ảnh, từng câu từng lời là yêu thương, là nỗi niềm, là trách móc...”. 

Giữa cơn gió chiều xao xác, ngoảnh nhìn ra hướng mộ phần ông Năm (khi chưa di dời khỏi nghĩa trang Nghệ sĩ), bà khe khẽ đọc, run rẩy ngâm ca cho tôi nghe. Ở những chữ nhấn rung, hơi hám tuy ngặt, bà thoáng chút... bẽn lẽn nhưng rồi mặc, ca cho dứt câu như trút hết cái nỗi niềm thương nhớ người trăm năm. 

Cái lá thư ghi 12 câu vọng cổ ấy không bao giờ còn tìm thấy, nó được bà chép thẳng vào tim. Bản thu âm tiếng ca tiếng ngâm đứt đoạn của bà ngày ấy, nó rót thẳng vào ký ức tôi như một bản tổng phổ tuyệt vời nhất của nghệ thuật sân khấu cải lương. 

Mot tram nam - cai luong da nuong minh trong so phan va buoc di cua dan toc: Noi thanh am tu tinh cung tram nam

Tiếng trống Mê Linh

2. Năm 1984, chuẩn bị cho chương trình lưu diễn 7 nước châu Âu, đây cũng là chương trình lưu diễn văn hóa đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, trong vở cải lương Đời cô Lựu của soạn giả Trần Hữu Trang, bản dựng của NSND - đạo diễn Huỳnh Nga, có một bài bản chỉ ghi “bài bản mới”, chưa kịp đặt tên. Kỳ thực, trong cảnh cô Lựu gặp lại con trai Võ Minh Luân sau 18 năm lưu lạc, nguyên tác là nói lối. Gợi ý trong đoàn là nên chuyển thành bài lý ru con - điệu thức Nam bộ bởi lúc này cần một khoảng lặng để diễn đạt tình mẹ con. Nhưng cô Lựu - Bạch Tuyết không cảm được: “18 năm gặp lại đứa con tưởng đã sút nôi, gặp lại con trong hoàn cảnh hay tin chồng vượt ngục, trong mặc cảm mình là người bội ước. Chừng ấy chất chứa trong người đàn bà sống câm lặng suốt 18 năm thì không thể đủ sự… êm đềm mà hát ru được, nó phải là tiếng kêu xé toạc những tủi hờn, cay đắng lẫn yêu thương, bẽ bàng. Tôi và nhạc sĩ Thanh Hải cùng ngồi lại, tôi xướng âm cho Hải ký âm để làm sao diễn tả cho hết nỗi lòng, tâm trạng của cô Lựu lúc này”. 

Và đây là “bài bản mới”: 

Nhưng ai có ngờ… đâu (liu
Màn chăn xưa bụi úa khói vàng 
Thềm rêu phủ giăng sương lạnh (
phạn)
Bếp cũ tàn tro nguội lửa tự bao giờ
Nên bước chân của ba con thêm ngần ngại (
phạn
Khi ruột rà thân thích chẳng còn ai (
liu
Cưu mang khối tình mà ngày tháng đã đổi thay (
liu)

Mot tram nam - cai luong da nuong minh trong so phan va buoc di cua dan toc: Noi thanh am tu tinh cung tram nam

Trắng hoa mai

Vẫn dựa trên nền của điệu thức Oán nhưng nghiêng về các cung biến tấu, sử dụng hơi Liu, nên buồn, ức, ngậm ngùi mà không rơi vào thảm, lụy như Ai trong điệu Nam. 

Rõ ràng, trong tình huống của kịch bản, cách xử lý bài bản này sẽ giúp giải quyết ngôn ngữ tâm trạng của mẹ với con (tình thương và những giãi bày cần có sự hỗ trợ của âm nhạc, nếu chỉ là lời thoại sẽ rơi vào kể lể đơn thuần, giảm giá trị biểu đạt), của chính nội tâm cô Lựu (những dồn nén, ẩn ức mà Lựu không biết bày tỏ cùng ai, nói với con hay nói cho mình sau 18 năm bi kịch). 

Hỏi vì sao không đặt cho nó một cái tên, cả NSND Bạch Tuyết lẫn nhạc sĩ - NSND Thanh Hải đều… mỉm cười, họ nói, chúng tôi mạn phép chỉnh sửa (dù đã được đồng ý và chấp thuận trong bản dựng 1984) trên nền kịch bản của soạn giả Trần Hữu Trang nên không muốn đặt để bất cứ tên gọi bài bản nào lên nguyên tác của ông; vả lại, đây cũng là thành quả của cả tập thể 2 - 84 ngày ấy, cho nên, cứ để cái… không tên như vậy, như lưu lại một kỷ niệm làm nghề tuyệt đẹp của các nghệ sĩ thời điểm ấy. 

Mot tram nam - cai luong da nuong minh trong so phan va buoc di cua dan toc: Noi thanh am tu tinh cung tram nam

Các NSND Nguyễn Thành Châu, Phùng Há, Bảy Nam trong ngày vui thống nhất đất nước - Ảnh tư liệu

Âm nhạc là linh hồn của sân khấu ca kịch cải lương. Nhạc tính của cải lương thể hiện đầy đủ qua các “cung bậc”: từ thoại đến nói lối () bài ca là cả một sự chuyển động tâm lý cực kỳ tinh tế, chuyển tải trọn vẹn cái cảm âm của người Việt nói chung, lưu dân Nam bộ nói riêng. Nếu tuồng, chèo là sản phẩm của một thời dựng nước và giữ nước; thì cải lương là thành quả của hội nhập - phát triển một cách linh hoạt, văn minh. Từ âm nhạc cung đình Huế, kho tàng dân ca, hò, lý đến di sản đờn ca tài tử; cải lương đã chọn lọc và tiếp biến một cách tổng quan để trên 5 cung chuẩn mực cùng những biến tấu đi kèm nhấn, gõ, mổ…mà “định hình trong phát triển - phát triển trong định hình” (chữ dùng của tác giả Lê Duy Hạnh) thành một chỉnh thể sân khấu Việt Nam. 

Chỉ tiếc và ngậm ngùi: trăm năm trước, chung dòng canh tân văn hóa Việt, cải lương đã “Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh” (2 câu đối treo trước rạp hát của Đoàn cải lương Tân Thinh năm 1920), những tên tuổi soạn giả cải lương đã góp công lớn trong dòng chảy tiến hóa của nền quốc ngữ, quốc văn nước nhà, những tài năng nghệ sĩ biểu diễn làm rạng danh nghệ thuật Việt Nam bốn phương. Trăm năm sau, rạp hát (cho riêng cải lương) không còn, tuồng tích vay mượn, chắp vá… Đi tìm tiếng đàn guitar phím lõm, đi kiếm cái gõ nhịp song loan; tôi chỉ nghe dội lại mớ âm thanh xô tạp, cái tiếng “beat” lạnh lùng, vô cảm, mong chi gặp người tri kỷ trăm năm… 

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI