“Một trăm cái bóng”: Bên bờ tuyệt vọng, đóa hoa tâm hồn vẫn nở

11/11/2020 - 18:01

PNO - Những cư dân trong thành phố vẫn rỉ tai nhau rằng, khi ta tuyệt vọng, cái bóng sẽ sống dậy và lôi kéo ta đến với cái chết. Chống lại cái bóng là bất khả, bởi nó chính là phần yếu đuối, đau khổ và bất an nhất trong mỗi chúng ta.

Xét về mặt kiến tạo không gian, Một trăm cái bóng của tác giả Hwang Jungeun rất gần với những truyền thuyết đô thị (urban legends) mà chúng ta vẫn hứng thú. Cụ thể, nó thành công trong việc khắc họa thành phố như một chốn lắt léo, bí ẩn và hoang dại, với vô vàn mê cung ngõ ngách nơi những cái bóng thoắt ẩn thoắt hiện.

Thành phố ấy, dù được tạo dựng bởi bàn tay con người, vẫn tồn tại những khía cạnh nằm ngoài khả năng nắm bắt của lý tính và công nghệ hiện đại. Những cái bóng, giống như con ma trong tủ quần áo, dưới gầm giường, trong gian bếp vẫn ám chúng ta trong các truyền thuyết đô thị, được coi là sự hình tượng hóa nỗi sợ của con người – nỗi sợ nguyên thủy về những thứ ta không thể lý giải, kiểm soát và điều khiển.

Tuy nhiên, trong tác phẩm này, cái bóng không chỉ là nỗi sợ, mà còn là ẩn dụ cho thân phận con người và trạng thái sống vật vờ, bế tắc. Mở đầu cuốn sách, hai nhân vật chính Eun Gyo và Mu Jae bị cái bóng đã sống dậy của Eun Gyo dẫn đi lạc trong rừng. Cái bóng ấy là một mối đe dọa vừa mơ hồ vừa sáng tỏ, bởi như lời đồn đại, nó gắn liền với sự hủy diệt và cái chết.

Không biết đã ai bị cái bóng giết chết chưa, nhưng ngay từ khi mới xuất hiện, nó đã gieo vào lòng người ta một nỗi âu sầu khó phai. Trở về từ cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ kia, Eun Gyo nhận ra những người đi cùng không hề chú ý đến việc họ mất tích. Cô bắt đầu nghĩ, nếu mình có kẹt lại mãi mãi trong rừng thì thế giới cũng vẫn như thế, quảng cáo pizza vẫn được dán trước cửa nhà và gà rán vẫn được bán.

Trong một siêu đô thị rộng lớn, sẽ chẳng ai quan tâm đến những thân phận bên lề, vốn cũng mong manh, mờ nhạt và lay lắt như những cái bóng. Giống như trong bộ phim A bride for Rip van Winkle của đạo diễn Iwai Shunji, một nhân vật đã nói: “Có hàng tỉ người trên thế giới này. Sẽ chẳng ai bận tâm nếu một ai đó biến mất khỏi đám đông”.

Mặt khác, bị cuốn theo những đổi thay của thế giới, con người luôn chìm đắm trong cảm giác bất an, vô định về tương lai. Tất cả các nhân vật trong cuốn sách đều như sống bên bờ vực thẳm, mà ở đáy vực không có gì khác ngoài bóng tối. Họ có những nỗi lo đặc trưng của người nghèo đô thị. Nếu cả khu trung tâm thương mại điện tử - kế sinh nhai duy nhất của họ bị giải tỏa, họ sẽ đi đâu? Nếu họ không cưỡng lại được khao khát đi theo cái bóng thì sao?

Thế mà, mặc cho họ vẫy vùng, thế giới vẫn không mảy may quan tâm. Sự vô tình của xã hội đối với người nghèo được thể hiện ở chi tiết báo chí gọi khu trung tâm thương mại là “khu ổ chuột”, hối thúc việc phá dỡ, dẹp bỏ nó ngay lập tức mà không hề để tâm đến những thân phận con người đằng sau. Có lẽ đây là lý do vì sao Một trăm cái bóng được nhà văn Han Kang nhận xét là “nghiêm nhặt tới cùng cực” khi mô tả hiện thực thế giới, dù nó đầy ắp những chi tiết hoang đường khó bề lý giải.

Cùng với đó, cuốn sách đem đến nỗi ám ảnh về sự vô tri và lạnh lẽo của thế giới hiện đại. Đấy là một thế giới thiếu vắng thần linh, cũng như mọi cảm xúc và ý nghĩa. Đời sống được gợi tả thông qua những hình ảnh tủn mủn và vô vị: lũ mọt ẩm, xoáy tóc, bóng đèn, con ve sầu, chiếc vây cá nóc hơ lửa trong cốc rượu, một đám đàn ông thi nhau uống bia, âm thanh của những thiết bị điện tử, cái cây bằng nhựa, núi tiền xu, vô số đinh, móc gài áo, ốc vít nằm trong hộc tủ, xổ số, hay những chiếc vảy cá tanh tưởi bám trên vòi nước.

Con người lang thang trong cái thế giới vô hồn đó, mà bóng tối thì luôn rình rập. Có lúc, bóng tối đã đến gần tới mức muốn nuốt chửng họ. Trong đêm mất điện, Eun Gyo đã ao ước được biến thành cái gì đó tối hơn cả bóng tối, vì chỉ có như vậy thì cô mới có thể thoát khỏi sự tuyệt vọng đang bao trùm. Trong nhiều hoàn cảnh, bản thân nỗi sợ có lẽ mang tính hủy diệt hơn cả, bởi nó chiếm hữu, bóp nghẹt thân xác và ăn mòn linh hồn ta.

 tác giả Hwang Jungeun
Tác giả Hwang Jungeun

Tuy nhiên, Một trăm cái bóng vẫn đem đến một niềm hy vọng, dù là nhỏ nhoi. Vẻ đẹp của cuốn sách này đến từ tinh thần phản kháng và khát vọng sống thuần khiết của con người. Đó là khi Mu Jae cố hết sức vật lộn với cái bóng, vì nếu để nó đè được mình xuống là coi như tàn đời.

Xen giữa những khoảng lặng trong cuốn sách là sự ngọt ngào, tươi trẻ của hai nhân vật chính, dù thật khó để gọi cảm xúc giữa họ là tình yêu. Khi Eun Gyo hoảng loạn vì bị bóng tối bao vây, Mu Jae đã gọi điện cho cô, gọi tên cô và hát cho cô nghe. Hay có những khoảnh khắc, họ quyết định quên đi những cái bóng đáng sợ, ma quái để ngồi bên nhau ngắm mưa dưới dàn hoa tử đằng tím ngắt. Có lẽ, ở một thế giới mà tử đằng vẫn nở hoa thì cuộc sống cũng chưa phải là vô vọng.

Do đó, cuộc sống đáng được khao khát không phải vì nó dễ dàng, mà vì chúng ta vẫn vun trồng cho đóa hoa tâm hồn mình ngay bên bờ tuyệt vọng. Sự tồn tại của chúng ta dẫu nhỏ bé như những mảnh bụi vô danh của lịch sử, thì với ai đó, ta vẫn là cả vũ trụ cần được khám phá, nâng niu và ủi an. Và khi sống thì hãy cất tiếng hát, để thế gian này bớt khắc nghiệt và bóng tối bớt đáng sợ, dù chỉ một chút.

Minh Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI