'Một tổng công ty nhà nước chỉ có giá ngang... một căn nhà phố cổ!'

28/05/2018 - 16:47

PNO - Một tổng công ty với 10 doanh nghiệp cùng khối tài sản đồ sộ, hàng trăm con tàu nhưng chỉ được định giá ngang một căn nhà phố cổ Hà Nội - là một bất cập được ĐBQH nêu ra trong quá trình cổ phần hóa DNNN.

Chiều 28/5, báo cáo tiến độ cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp (DN) thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, theo yêu cầu của Nhà nước, Bộ sẽ CPH 70 DN, trong đó 9 công ty mẹ, 61 công ty thành viên. Tuy nhiên, trên thực tế, Bộ này đã CPH được tới 137 DN, trong đó có 12 tổng công ty,  còn lại DN thành viên trực thuộc, triển khai đúng quy định Nhà nước.

Cũng theo Bộ trưởng, giá bán các đơn vị này đều cao hơn giá niêm yết, tổng giá trị thu về hơn 2.700 tỷ đồng, tăng 600 tỷ so với định giá ban đầu (2.153 tỷ). Từ 2011-2016, sau khi CPH, có 18 công ty đã hoạt động hiệu quả, bằng chứng là lợi nhuận sau thuế tăng 194%; thu nhập của NLĐ tăng 32%; lãi sau thuế tăng 194% (bình quân mỗi năm tăng trên 40%), đa số hoạt động hiệu quả giải quyết xây dựng giao thông trọng điểm…

“Hầu hết doanh nghiệp ngành giao thông sau cổ phần hoá đều hoạt động hiệu quả, ngày càng tốt hơn. Bộ chủ trương những lĩnh vực nào tư nhân làm được, làm tốt thì cần đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước, chỉ giữ lại những lĩnh vực liên quan tới an ninh, quốc phòng", ông Thể nói.

Tranh luận với Bộ trưởng GT-VT, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) chia sẻ, trong số 137 DN được cổ phần hóa, cần rà soát và xem xét lại nghiêm túc 2 trường hợp CPH tại Tổng công ty vận tải thủy và Cổng ty cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài.

'Mot tong cong ty nha nuoc chi co gia ngang... mot can nha pho co!'
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng so sánh, định giá Tổng công ty vận tải thủy chỉ ngang giá một căn nhà phố cổ

Theo đó, Tổng công ty vận tải thủy với 10 công ty Nhà nước, sở hữu hàng trăm đoàn tàu và nhiều tài sản của NN nhưng chỉ bán với giá 327 tỷ đồng. Con số mà theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng - chỉ tương đương với 1 căn nhà của phố cổ Hà Nội.

“Rất nhiều người bức xúc vì người tố cáo nguyên là Bí thư Đảng ủy – Giám đốc Cảng Hà Nội. Nhưng vừa qua, kết luận giải quyết tố cáo gây bất bình. Báo cáo còn cho rằng không tiếp cận nổi các tài liệu để CPH, quên cả nhà đầu tư chiến lược…”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói. Ông cũng tiết lộ, đơn vị mua Tổng công ty vận tải thủy cũng chính là đơn vị mua Xí nghiệp điện ảnh VN với “giá bèo”.

Còn với Công ty cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài, ĐB Lưu Bình Nhưỡng lại đặt vấn đề về việc, có nên hay không tiến hành CPH với các công ty Nhà nước làm ăn tốt và có lãi. Vấn đề này cũng tương tự với trường hợp CPH Công ty Vinamilk.

“Tôi đã gặp cử tri trên Cổng ty cổ phần hàng hóa dịch vụ Nội bài, việc CPH lúc nào đến họ không biết, lãnh đạo cũng ngỡ ngàng. Một công ty đang làm ăn cực tốt như thế nhưng bây giờ lại phải đi thuê lại tài sản của chính công ty được CPH như được chỉ định, hàng năm phải bỏ hàng trăm tỷ đồng để thuê lại. Tôi không biết như thế Nhà nước có được gì không?”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Không chỉ đặt vấn đề về việc xem lại hiệu quả của việc CPH 137 DN của Bộ GTVT, ĐB Lưu Bình Nhưỡng còn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo xem xét lại cổ phần hóa của 2 DN này.

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI