Một tồn tại say mê

15/01/2020 - 05:16

PNO - Gia đình tôi ở đây, cùng với những tấm ảnh, cùng với nhau, soi chiếu vào nhau và ghi nhớ lẫn nhau. Mối dây vô hình ấy đã được cầm lên, thắt chặt lại…

Trên gác của gia đình tôi có một kho album cũ, cất cẩn thận trong chiếc thùng thiếc. Những cuốn album từ thời ba còn đam mê chụp ảnh, và lũ con còn vô tư làm người mẫu, tích cực bò lổm ngổm hay cười toe toét khoe hết cả hàm răng sún và quần thủng đáy trước ống kính.

Ba là thợ chụp hình dạo. Má nói có bao nhiêu tiền khách trả, ổng mua phim về chụp lũ con sáu đứa lớn nhỏ. Cũng nhờ vậy mà bây giờ anh chị em tôi có thể hình dung ra từng ngày từng tháng trong tuổi thơ mình, quen thuộc với từng kiểu biểu cảm nhăn nhó của nhau. Kỷ niệm không mờ phai, chỉ những bức ảnh là phai mờ đôi chút. 

Má quý cái thùng đựng album lắm. Mấy lần dọn nhà, làm nhà, má đem đi gửi cẩn thận ở nhà bà con, chừng xong xuôi việc mới đem về cất. Không chỉ má, anh chị em trong nhà cũng quý những cuốn album, lâu lâu kể chuyện gì, thế nào cũng có người nhắc vụ này liên quan tới tấm hình trong album nào đó đang cất trên gác.

Ba chụp hình cho khắp thiên hạ và mọi người trong nhà, nhưng đến khi ba mất, anh chị em tôi cố tìm một tấm ảnh của ba mà không có. Ông luôn là người đứng sau ống kính. Coi ảnh thấy cái cười sún răng của thằng Út còn như vọng tiếng nói của ba: “Con cười hết cỡ ba coi, mím chi cọp hoài vậy!” - nhưng hình của ba thì không có mấy. Cuối cùng, chúng tôi chọn một tấm hình gia đình có ba trong đó, rồi tách riêng, phóng lớn để làm ảnh thờ.

Lạ thật, tác giả của hàng vạn tấm ảnh đẹp, trong tấm ảnh cuối cùng còn lại với nhân gian lại trông bối rối, ngượng ngùng, không yên ổn tạo dáng cho chuyên nghiệp mà vẫn lóng ngóng sao đó. Đôi mắt ông vẫn nhìn đâu đó phía sau ống kính, như thể lo lắng không biết người chụp ảnh có cẩn thận không, có bỏ sót gì không…

Tôi vẫn nghĩ nếu lúc này ba tôi còn sống, ông sẽ vui lắm, bởi chụp ảnh đã thành một điều thật phổ biến, thật gần gũi với mọi người. Mấy đứa con của ba lây thú vui chụp ảnh, không ngày nào không khoe hình mới trên “phây“, không lúc nào quên chụp hình mọi nơi mọi lúc. Nhưng thật lạ, thế hệ F1 của gia đình không có những ký ức rõ ràng và thân thuộc như thế hệ chúng tôi.

Lớp cháu không nhớ nhiều kỷ niệm tuổi thơ với nhau, không hào hứng nhắc chuyện này chuyện nọ đùa giỡn thân thuộc. Má tôi nói tụi bây không chịu rửa ảnh, coi như không có ảnh, làm sao tụi nhỏ nhớ. Cả đám con cháu đều nói má lạc hậu rồi, giờ người ta coi trên mạng, coi trên điện thoại. Má nói ảnh trên điện thoại đâu có giống bây…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi nghe trong lời má có cái chân lý gì sâu sắc lắm mà đám con cháu ồn ào không bắt kịp, không hiểu kịp. Cuối năm, mở “phây“ coi ảnh thấy ai cũng long lanh lung linh, toàn ảnh vui, không thấy ảnh nào buồn; toàn ảnh đẹp, không thấy ảnh nào xấu. Những hình xấu người ta xóa cả rồi. Cái người đứng cười rạng rỡ trong hình ấy có phải là tôi không?

Những ứng dụng chụp ảnh đã lừa mị một lần, khiến người ta trông khác với mình một lần rồi, chuyện tuyển lựa kỹ càng căn cứ trên nhan sắc của hình ảnh lại làm mình trông khác đi thêm lần nữa. Tấm hình này đã đẹp vậy, long lanh vậy, lần sau chụp hình, đăng ảnh, phải đẹp hơn lần trước chứ, xấu hơn sao đành…

Má nói ảnh hồi xưa khi rửa rồi mới biết. Nhìn tấm ảnh hiện hình trong thau thuốc cũng là một khoảnh khắc khó quên. Tôi hiểu má. Ai đó nói rằng ảnh là một tồn tại đầy say mê của một khoảnh khắc trong hiện thực. Một phần giây khi mình bấm máy cũng là khoảnh khắc mình nắm được một mảnh thời gian, giật nó ra khỏi dòng thời gian đang chảy, lưu nó lại, nhìn ngắm nó khi tất cả vẫn đang trôi tiếp diễn quanh mình. Nhiều khi tấm ảnh cầm trên tay nhắc nhớ những chuyện không hề có trong tấm ảnh. Như ba tôi, ông ở đâu đó đằng sau ống kính, trong dáng vẻ những đứa con.

Thử chọn lựa những tấm ảnh đem đi rửa làm một cuốn album nhỏ cho gia đình, tôi ngạc nhiên thấy cuốn album khác hẳn với hình trên “phây” hay trong điện thoại. Chúng có câu chuyện riêng, chúng tự trọng, bình tĩnh, không ganh đua “khoe sắc” như tôi từng thấy chúng trên mạng.

Bữa tôi lồng khung, làm một góc hình gia đình trên bức tường phòng ăn, con trai tôi đứng nghiêng đầu ngó qua ngó lại mãi. Cậu chàng 21 tuổi ngượng nghịu ôm vai tôi nói: “Má, nhìn hình thấy má giống bà ngoại ghê!”.

Ôi con trai! Câu đó mà là “còm” trên “phây“, chắc hẳn tôi đã buồn, nghĩ mình sao giống mẹ mình được, nhưng lúc này, tôi nghe con nói và hiểu: không hề có chút nào là “má già quá” trong câu nói ấy. Một “khoảnh khắc tồn tại say mê” của tôi đã được kết nối mối dây huyết thống thiêng liêng giữa nhiều thế hệ. Gia đình tôi ở đây, cùng với những tấm ảnh, cùng với nhau, soi chiếu vào nhau và ghi nhớ lẫn nhau. Mối dây vô hình ấy đã được cầm lên, thắt chặt lại… 

Hoàng Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI