Một tình yêu dành cho biển đảo

22/03/2023 - 06:21

PNO - Trong những trang viết của nhà văn Bùi Tiểu Quyên nổi bật lên một tình yêu thiêng liêng về non sông gấm vóc, đó là biển đảo thuộc chủ quyền muôn đời của người Việt.

Với nhiều người, trường hợp thay đổi đề tài của nhà văn Bùi Tiểu Quyên là điều bất ngờ. Sau những tác phẩm như Cỏ dại thênh thang, Cỏ lau vạn dặm, Cỏ đồi phương Đông… - như chị tâm tình: “Cuộc đời mà chúng ta cưu mang, đẹp đẽ kỳ diệu mà cũng đớn đau, cô đơn. Như cỏ” - nay, dù cũng viết về nét đẹp ấy, chị đã hướng nguồn cảm hứng về trùng khơi sóng biếc. Sự thay đổi đề tài lần này, có lẽ bắt đầu từ năm 2019 - khi chị có dịp đi Trường Sa và “phải lòng” thiên nhiên, con người nơi đầu sóng ngọn gió.

Tác phẩm vừa ra mắt của nhà văn Bùi Tiểu Quyên
Tác phẩm vừa ra mắt của nhà văn Bùi Tiểu Quyên

Sau Cà Nóng chu du Trường Sa (giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM 2021 hạng mục Văn học thiếu nhi và giải thưởng Mai Vàng lần đầu tiên tôn vinh sách viết cho thiếu nhi), chị vừa có bộ truyện thiếu nhi song ngữ Anh - Việt Trường Sa! Biển ấy là của mình, thuộc tủ sách Em yêu Việt Nam mình (Nhà xuất bản Hà Nội và Lionbooks phát hành), với tập 1 - Phong ba nơi đầu sóng và tập 2 - Biển ấy là của mình.

Các nhà văn Việt Nam từng viết nhiều biển đảo, tại sao sự xuất hiện của Bùi Tiểu Quyên lại được chú ý? Tôi nghĩ, ngoài chuyện văn chương chữ nghĩa còn là do chị chọn cách viết cho thiếu nhi. Với vấn đề lớn lao này, nhà văn Bùi Tiểu Quyên đã khéo léo dựng nên chú cún có tên Phong Ba. Từ suy nghĩ, từ cái nhìn của “nhân vật chính” ấy, chị mở ra câu chuyện như tâm tình về biển đảo Trường Sa.

Câu chuyện mở ra nhẹ nhàng với “tự bạch” của Phong Ba: “Nơi tôi sống có tên là đảo Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa - cái tên này, tôi nghe có người bảo rằng có nghĩa là “sự sống trường tồn” - mà cũng có thể hiểu là “ý chí của dân quân trên đảo”. Ở đây, có lẽ tiếp nhận từ thực tế, chị đã lồng vào đó những thông tin thú vị, còn dành cho người lớn nữa: “Ngoài bãi bồi có mấy dãy rau muống biển. Rau này không ăn được, nhưng nếu ai đi biển mà bị sứa cắn thì cứ nhai lá rau, đắp lên chỗ vết cắn là sẽ dịu vết đau rát ngay lập tức”; hoặc, ở Trường Sa có 20 điểm đảo khác: “Trong đó, chỉ có đảo Nam Yết trồng được dừa”.

 

Không chỉ miêu tả những gì “mắt thấy tai nghe” ở nơi này, Bùi Tiểu Quyên đã cho chú cún Phong Ba có suy nghĩ: “Đảo Sinh Tồn - Trường Sa - biển cả và đất liền, những nơi chốn ấy kết nối với nhau như thế nào? Đất liền bao xa? Và phía bầu trời đầy sao còn có những gì?”. Trả lời cho những câu hỏi này, chị xây dựng thêm “nhân vật” nữa là bác Phi Lao - một chú cún già dặn đã sống nhiều năm trên đảo. “Bác Phi Lao nói từ thế kỷ XVII, đã có đội binh thuyền mang tên Hải đội Hoàng Sa kiêm quân Bắc Hải từ đất liền ra đây cắm cột mốc chủ quyền. Thật hào hùng quá! Những hòn đảo trên quê hương tôi đã sừng sững giữa Biển Đông hàng thế kỷ”.

Có thể nói, cách kể chuyện về chủ quyền biển đảo qua ngòi bút của Bùi Tiểu Quyên phù hợp với đối tượng nhỏ tuổi. Câu chuyện nhẹ nhàng ấy giúp các bạn thiếu nhi dễ dàng tiếp nhận một cách dễ chịu và hấp dẫn. 

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI