Một tiếng lao xao

10/02/2024 - 06:16

PNO - Đâu từ phiên chợ đầu tháng Chạp, đã thấy người mua kẻ bán lao xao sắm chiếu, giường, nồi niêu… Chiếu nhỏ trải nhà thờ cho con cháu về lạy ông bà. Chiếu lớn dành dọn ăn trong dịp giẫy cỏ mả, tất niên, cúng rước, cúng đưa… Cháu con tụ về xúm xít.

Tết chưa về mà đã nghe xuân lao xao từ gió, lá trên cao, từ những cơn mưa lất phất trên đầu ngọn cải. Người có kinh nghiệm thường chờ mưa qua, lũ hết mới rón rén gieo lại rò cải, đắp rò xà lách, thì là, cải cúc, cắm giàn cho liếp dưa leo… đặng dành đến tết.

Thực ra nhà tôi ăn tết khá giản dị, chỉ cần nồi bánh tét, xoong ba chỉ kho trứng hoặc giò heo kho măng. Có khi hết thịt hết trứng, má tôi luộc măng khô bỏ vô nồi nước kho lại cho bầy… quạ chúng tôi. Thời này, nồi thịt kho măng may ra thì hết măng, còn thịt…

Cũng có năm khi còn khỏe, ông tôi ra tay làm món thịt đầu (giò thủ). Mỗi nhà một cây giò, một đòn bánh tét. Ngay từ khi gói ép, rồi treo lên trên bếp, hay ngay khi quây quần nhà sau gói bánh, ông đã lẩm bẩm: “Cái này cho con Năm, này cho con Bốn, này cho con Tám; này để lại cúng đưa ông bà…”. Nghĩ cũng lạ, cây nào cũng chừng đó thành phần, kích cỡ cần gì phải phân ra. Hay là trong lúc gói, ông đã nêm vào bánh một sự trìu mến riêng tây cho từng đứa con gái hiền lành côi cút của mình.

Phơi mứt trái cây chờ tết
Phơi mứt trái cây chờ tết

Bà tôi mất sớm, ông đi buôn chuyến đường dài. Các cô ở nhà xoay xở chăm nhau. Sau này người mất, người lấy chồng xa, chỉ còn cô Bảy tật nguyền ở cùng ông nội. Nhà mang tiếng đơn chiếc, nhưng lúc nào cũng có người, nhờ hội chằm nón chung của cô Bảy. Ngày cận tết, những chồng nón ra chợ, những chồng lá gọn lại hoặc nằm ngoài sân phơi nắng, phơi sương. Cái sàn xi măng bóng loáng lại được bày ra làm cốm, làm mứt, làm me… 

Hiếm khi nào tôi thấy cô Bảy nghỉ tay. Đôi tay thay luôn phần đôi chân nên chúng to dị thường. Vậy mà chưa từng nghe cô than trách câu nào. Dường như thời gian của cô chỉ dành làm việc, thương người này, lo người kia, vừa làm nón, vừa nấu ăn, làm việc nhà, trồng rau, nuôi cả heo gà…

Vườn rộng, hàng xóm hay xin qua hái tập tàng: mớ sam đất, dền đất, rau má, rau đắng đất, lá bình bát, đọt nhãn lồng, thêm rau muống, rau lang, bồ ngót… Hái xong, họ sớt lại một ít cho cô. Nhà có gì nấu đó, khi mớ tép khô, bữa còn 1-2 con cá nục hấp xé nhỏ… Ngày chay, cô chỉ nấu rau với muối ớt mà đứa nhỏ nào cũng tấm tắc khen. Hàng xóm người gửi trái mướp, trái bầu, giục Bảy ăn nhanh kẻo già. Có tấm miếng gì ngon cũng đưa qua “Bảy ăn thử”… Người tạt qua “Bảy dòm giùm con đứa nhỏ, con đi coi thằng chồng nhậu nó xỉn bụi bờ nào rồi”…

Những tinh tươm ngon lành hội tụ từ những bàn tay thầm lặng nhặt rau, cuốn ram, cuốn từng cái kẹo hạt sen trong giấy kiếng… Tất cả dường như đều có mặt ở ngay giây phút này. Một cuộc hội tụ không lời giữa quá khứ và tương lai.

Nhà cô Bảy ngày tết lại càng lao xao. Khi đang ngồi sên chảo mứt gừng, có người khệ nệ rinh qua buồng dừa kêu: “Làm mứt dừa không Bảy, hay để cúng ông bà. Dừa Bến Tre, ba con mới chở ra “hầu phia”. Chưa kịp cảm ơn, lại có đứa vác qua trái bí đao “để Bảy làm mứt dẻo”, lát cân đậu xanh, hồi ràng bánh tráng… Loáng cái đã thấy có đủ nguyên liệu cho món chả ram. Không thấy cô kêu tiếng nào, chỉ thấy người đâu đến hấp khoai môn, người bào cà rốt, kẻ bào bắp, kẻ rang đậu… Mấy đứa nhỏ xách rổ ra vườn. Cải non, xà lách, đọt sung, đọt vừng, đinh lăng, đọt sao nhái… đợi cuốn chả ram, bánh tráng, chấm với tương đậu phộng. Cùng làm, cùng ăn, cùng mang về 1 bịch cho con cháu ở nhà.

Cái món ram cuốn nó kỳ! 1 người ngồi cuốn, cuốn hoài, cuốn thăm thẳm mà thấy thau “nhưn” còn hoài. Chỉ thêm đôi tay nữa thôi, thoáng cái hết lúc nào không biết. Bánh tráng cuốn cũng vậy, đông người ăn, nghe rôm rốp, rau ráu, hao bánh khủng khiếp! Còn một mình, cũng rau đó, ram đó, chấm đó mà trệu trạo hoài không xong. Không rõ cái ngon là do có bàn tay mình đóng góp, hay “đông vui hao” vì cộng hưởng niềm vui?

Quê tôi cũng có một món ngon không cưỡng mà làm cũng… mỏi tay không tưởng là… cốm đậu đen. Món mà tết nào các cô cũng để dành cho lũ trẻ. Có một đêm thử giã bánh giầy trên bản người H’mông, tự nhiên tôi nhớ thương món cốm đậu đen ghê gớm. Tôi chợt nhớ mình chưa từng đỡ các cô xào một mẻ cốm nào! Mình chỉ đỡ mỗi việc… ăn và ăn… năn.

Cô tôi mất, những tiếng lao xao dường như cũng chỉ còn trong những ngày lễ tết. Không còn thấy cảnh me xanh đổ ra cả sàn, cháu con xúm lại vừa gọt vỏ vừa cà kê đủ chuyện trên trời dưới đất để cuối ngày xuất hiện 1 thau me ngâm nước muối loãng. Người lục đục đi kiếm nồi nấu nước đường, người dọn dẹp, người súc rửa keo lọ cho khô ráo. Hôm sau mỗi đứa rinh về cho má 1 thẩu me ngâm. Me vàng óng chua chua ngọt ngọt chấm muối ớt đỏ, ngon như phép màu. Tết, đám trẻ ăn tì tì hết trái này đến trái khác, đến khi mẹ rầy mới thôi! 

Thời nay, ai nhìn đồ ngọt cũng… chạy. Chẳng bù cho ngày nhỏ, trong nhà có hũ mứt dẻo, khách chưa tới, bầy con ra nhón một sợi, vô nhón một sợi. Tết chưa sang mà hết mứt. Có năm, tối 30 má phải đem bột đi phơi sương để dện bánh in kịp cúng giao thừa. Có năm tối 30 mới biết, nhà hết nước mắm, má lật đật đi kiếm mua. Phải kiếm, vì cúng ông bà tùy gia cảnh, nhà có gì cúng nấy; thức cúng giản dị, nhưng tinh tươm. Thiếu gì thì thiếu, nhưng nhất thiết phải có đĩa rau sống (rau trái trong vườn đã sẵn), chén nước chấm (đừng quên dằm trái ớt hiểm), cái bánh tráng nướng, tô canh khổ qua nhồi…

Gary Paul Nabhan - nhà sinh thái học nông nghiệp trong tác phẩm Thức ăn, gen và văn hóa - đã viết rằng: “Quê cha đất tổ của chúng ta không hề là một nơi xa xôi thăm thẳm nào cả, thay vào đó, nó nằm ẩn trong các gen và cách lựa chọn thức ăn có liên quan đến văn hóa của chúng ta”. Tại sao chúng ta cúng tổ tiên món này mà không phải món khác? Năm nào cô tôi cũng dặn: “Bà nội thích món giá xào bánh tráng, nên giỗ nội phải có”. Hoặc cô Bảy thích cốm đậu đen, ngày giỗ cô, có người trong xóm tự làm đem qua cúng. Như vậy những thức cúng có mặt trên bàn thờ tổ tiên hôm nay hẳn cũng là món ưa thích của ông bà ngày trước.

Chắc vậy nên có năm mưa gió kéo dài, giá ớt cao gấp 10 ngày thường, giá khổ qua cao gấp 6-7, nải chuối xiêm cũng 250.000 đồng mà má cũng nhất định phải mua đơm đủ 5 bàn thờ, không thiếu! Ngày tết, nải chuối xúm xít đông đủ các loại trái chưng cùng. Rau sống cũng là bản tổng phổ của mười mấy loại rau. Món chả ram cũng gói ghém trong mình đâu đó chục loại rau củ! Tô canh khổ qua nhồi nào miến, nấm mèo, hành… Những tinh tươm ngon lành hội tụ từ những bàn tay thầm lặng. Tất cả dường như đều có mặt ở ngay giây phút này. Một cuộc hội tụ không lời giữa quá khứ và tương lai. Thức ăn ta đang chọn, bộ gen ta đang mang, hẳn cũng không khác nhiều với ông bà thuở trước.

Ngoài kia, nhà nhà vẫn đang lục đục chuẩn bị tết. Người rọng thêm cá, người phơi liếp bánh tráng, người chăm chút mấy con gà… Lại tiếng lao xao. Đất trời như bày cỗ, đánh thức các giác quan.

Ngoài kia mùi mứt gừng nhà ai dậy lên ấm sực. Mùi gừng đã đến đây bao lâu mà còn vương vấn đến giờ? Mùi mứt gừng đến từ tương lai hay quá khứ? Rồi còn ai nhớ ai quên câu “Gừng cay muối mặn, xin đừng quên nhau”… 

Trần Lê Sơn Ý

Ảnh: Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI