Một thửa đất, người dân, doanh nghiệp cùng sập bẫy kẻ lừa đảo

23/07/2020 - 11:33

PNO - Bằng nhiều thủ đoạn, kẻ lừa đảo đã khiến nhiều người sập bẫy, tiền mất đất cũng không được nhận. Vụ việc xảy ra ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM.

Quy trình biến đất lúa thành “đất vàng"

Phản ánh đến Báo Phụ nữ, ông Nguyễn Văn Sỹ (ngụ huyện Bình Chánh) cho biết, năm 2018, ông đại diện cho nhiều người thân của mình đứng tên nhận chuyển nhượng từ ông Nguyễn Văn Thành (ngụ 806 Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) 11 lô đất có diện tích từ 48 đến 62,6 m2, theo diện phân lô bán nền. Tất cả các lô đất đều nằm trong thửa đất số 515, tờ bản đồ 34 đã được UBND huyện Bình Chánh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 3082,3 m2, tọa lạc tại mặt tiền đường Sư Đoàn 9, ấp 5, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh.

Người dân bức xúc phản ánh vụ việc
Người dân bức xúc phản ánh vụ việc

Để thực hiện giao dịch này, ngày 14/12/2018, các bên đã đến Văn phòng Thừa Phát Lại quận Gò Vấp để lập vi bằng và ông Sỹ đã giao cho ông Thành 6.024.000.000 đồng. Tất cả các giao dịch, nhận tiền được Văn phòng Thừa Phát Lại chụp ảnh, lập vi bằng làm chứng. Thế nhưng, tiền đã giao nhưng đến nay ông Sỹ vẫn chưa nhận được đất. 

Đáng nói, trước đó, ngày 12/7/2018, ông Thành đã ký chuyển nhượng 150m2 đất cũng thuộc một phần thửa 515, tờ bản đồ số 34 cho ông Lê Duy Đức (ngụ thành phố Lào Cai). Việc một thửa đất bán cho hai người cả ông Sỹ và ông Đức đều không hay biết. 

Ông Nguyễn Văn Thành (bên phải)
Ông Nguyễn Văn Thành (bên phải)

Sau khi tiến hành phân lô trái phép thửa đất trên và bán cho nhiều người, ngày 1/2/2019, ông Thành đã mang toàn bộ thửa đất 515, tờ bản đồ 34 thế chấp cho Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Petro Tân Phúc (Công ty Tân Phúc - số 22/48 đường Cư xá Lữ Gia, phường 15, quận 11, TPHCM). Công ty Tân Phúc không biết thửa đất đã được mang đi bán nên đồng ý nhận thế chấp với giá trị 24,5 tỷ đồng.

Thửa đất đã bán cho người dân, ông Thành vẫn mang đi thế chấp
Thửa đất đã bán cho người dân, ông Thành vẫn mang đi thế chấp

Dù đã cầm tiền của các nạn nhân trên, nhưng ngày 24/1/2019 ông Thành lại tiếp tục chuyển nhượng thửa đất trên cho ông Lê Ngọc Hưng (ngụ quận Thủ Đức) 450m2 với giá 8,2 tỷ đồng. 

Chưa dừng lại, ngày 20/3/2019, ông Thành lại tiếp tục lập hợp đồng chuyển nhượng cho ông Vũ Văn Trung (ngụ quận Gò Vấp) hai nền đất có tổng diện tích trên 300m2 với giá trên 6 tỷ đồng, cũng nằm trong thửa 515, tờ bản đồ 34. Lúc này, khu đất bất ngờ có tên là Khu dân cư Vĩnh Lộc A. Trên hợp đồng đặt cọc ký giữa ông Thành và ông Trung, ngoài chữ ký của các bên liên quan còn có đóng dấu của Công ty TNHH dịch vụ đo đạc xây dựng tư vấn bất động sản Hoàng Thành. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời điểm thửa đất trên được đưa ra giao dịch có mục đích sử dụng là đất lúa. Như vậy, chỉ tính riêng việc chuyển nhượng, thế chấp cho các đơn vị và cá nhân trên, ông Thành đã biến thửa đất trồng lúa trên thành “đất vàng” với tổng số tiền thu về siêu “khủng”, gần 45 tỉ đồng. 

Cấu kết lừa đảo?

Người dân cho biết, sau khi mua đất một thời gian thì các nạn nhân phát hiện mình có dấu hiệu bị lừa nên đã gửi đơn khiếu nại, tố cáo nhiều nơi, trong đó có cơ quan chính quyền địa phương là UBND xã Vĩnh Lộc A nhưng vụ việc vẫn không được giải quyết đến nơi đến chốn.  

Thửa đất có mục đích sử dụng là đất lúa đã được đối tượng lừa đảo hóa thành đất vàng
Thửa đất có mục đích sử dụng là đất lúa đã được đối tượng lừa đảo hóa thành "đất vàng"

 Đáng nói, trong lúc các hộ dân đang khiếu nại thì ngày 2/3/2020, ông Nguyễn Thành Toại - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A vẫn ký xác nhận vào đơn xin xác nhận tình trạng đất không tranh chấp cho ông Hồ Xuân Cường (đại diện pháp luật của Công ty Tân Phúc) với nội dung: “Qua rà soát, thửa đất 515, tờ bản đồ 34 không có đơn tranh chấp tại UBND xã Vĩnh Lộc A”. 

Ngày 1/7/2020, ông Lại Hữu Hiệp - Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A ký tiếp giấy giới thiệu cho ông Hồ Xuân Cường đến Trung tâm đo đạc bản đồ thuộc Sở Tài Nguyên và Môi Trường TPHCM để thực hiện đo vẽ hiện trạng, xác định ranh thửa đất 515, tờ bản đồ 34. Trong khi việc xác nhận này có thể tạo điều kiện cho các bên được thực hiện giao dịch chuyển nhượng tiếp khu đất. 

Người dân cho rằng đã phản ánh đến chính quyền địa phương nhưng UBND xã Vĩnh Lộc A vẫn xác nhận đất không tranh chấp
Người dân cho rằng đã phản ánh đến chính quyền địa phương nhưng UBND xã Vĩnh Lộc A vẫn ký giấy giới thiệu cho ông Hồ Xuân Cường đến Trung tâm đo đạc bản đồ

Tìm hiểu của chúng tôi cho thấy, thực tế thửa đất trên không phải của ông Thành mà là của vợ chồng ông Nguyễn Văn Tải (ở số E1/37 ấp 5, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh). Sở dĩ ông Thành có thể phân lô bán được thửa đất trên là do trước đó vào ngày 28/4/2018, ông Tải và vợ là bà Đoàn Thị Én đã lập hợp đồng ủy quyền tại Phòng công chứng Lê Văn Năng (huyện Bình Chánh) với nội dung cho phép ông Thành được cho thuê, nhận chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, thu tiền và được ủy quyền lại cho bên thứ ba... Thời gian ủy quyền 20 năm. Sau khi được ủy quyền, ông Thành đã tự phân lô và chuyển nhượng cho nhiều người. Như vậy, phải chăng các đối tượng này đã bắt tay xây dựng kịch bản trên để lừa đảo?

Theo luật sư Nguyễn Trường (đoàn luật sư TPHCM), trong vụ việc này các đối tượng trên gồm người ủy quyền và người nhận ủy quyền có dấu hiệu cấu kết nhau làm dự án “ma” để bán. Đây là hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay. Dấu hiệu lừa đảo rõ nhất là bên nhận ủy quyền đã mang một thửa đất bán và thế chấp cho nhiều người, có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý nghiêm những hành vi này. 

Người dân cho biết, hiện họ đã gửi đơn tố cáo vụ việc đến Công an huyện Bình Chánh. 

Mỹ Anh 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI