Một thông điệp mạnh mẽ!

14/09/2013 - 08:59

PNO - PN - Có lẽ không có dự án nào bị phản đối kịch liệt và bền bỉ nhưng chủ đầu tư vẫn quyết bám trụ bằng dự án thủy điện Đồng Nai (ĐN) 6 và ĐN 6A. Cuộc kéo cưa lừa xẻ đã qua sáu năm.

edf40wrjww2tblPage:Content

Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) vừa chính thức kết luận: đây là một dự án vi phạm luật di sản và phá rừng. Sự thật cuối cùng cũng đã được công nhận sau chặng đường đầy cam go vì ngay từ đầu, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai, các nhà khoa học có uy tín và báo chí đã mạnh mẽ phản đối.

Mot thong diep manh me!

Vẻ đẹp Bàu Sấu (thuộc Vườn QG Cát Tiên). Nguồn ảnh: www.phuot.vn

Con số 327 ha rừng, trong đó có trên 137 ha thuộc Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên bị nuốt chửng, đa dạng sinh học trên một diện tích rộng lớn bị xáo trộn, thêm một quả bom nước treo lơ lửng trên đầu dân lưu vực Đồng Nai - Sài Gòn và có nguy cơ VQG Cát Tiên không được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Đó là những gì người ta đưa ra để đánh đổi 241 MW điện! Đành rằng, điện là hết sức cần thiết nhưng điện để làm cuộc sống thêm bền vững, còn đổi môi trường lấy điện là giải khát bằng thuốc độc.

Cuộc giằng co “làm hay không làm” ĐN6 và ĐN6A vẫn chưa kết thúc vì còn chờ quyết định của Thủ tướng. Nhưng, kết luận của Bộ TN&MT thật sự là một cú đấm nặng cân. Số phận dự án này sẽ cho thấy thái độ của Nhà nước trước xu hướng thủy điện đang thành "thủy hại" hiện nay. Hơn 900 dự án thủy điện nhỏ và vừa được nghiên cứu và thi công dở dang, trong đó có gần 300 hồ chứa nước đã hoạt động, đang gây ra nhiều lo ngại.

Mùa mưa, thay vì điều giữ nước thì gây lũ hạ lưu. Nhiều đập không an toàn vì kỹ thuật xây dựng kém, ẩu. Tàn phá nhiều diện tích rừng, kể cả rừng phòng hộ. Và cuối cùng là gây ra xáo trộn nghiêm trọng đa dạng sinh học, làm cuộc sống của nhân dân nơi lòng hồ cũng như hạ du gặp khó, mất bền vững. Vì siêu lợi nhuận do điện mang lại, người ta bức hại cả rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Khi những thứ này cạn kiệt, họ đang đi tới một bước nguy hiểm hơn nữa là xâm hại rừng của VQG, điển hình là hai dự án ở Cát Tiên và hai dự án khác đang xúc tiến ở VQG Chư Yang Sin và Yok Đôn, một di sản vốn đang bị lâm tặc xâm hại nghiêm trọng.

Kết luận mới nhất của Bộ TN&MT được các chuyên gia và công luận đánh giá như là một thông điệp mạnh mẽ “nói không” với một dự án thủy điện phạm luật và phá rừng. Nó có thể làm ngã ngũ tình trạng lúng túng như gà mắc tóc đối với hai dự án trên sông Đồng Nai thời gian qua vì nhiều “lý do tế nhị”. Chính phủ đã nhiều lần tuyên bố sẽ dừng dự án này nếu tác động xấu tới môi trường.

Nếu Chính phủ quyết định dừng hai dự án ĐN6 và ĐN6A trên cơ sở báo cáo đầy thuyết phục của Bộ TN&MT sẽ có tác dụng tạo tiền lệ tốt, nghiêm minh, ngăn chặn từ trong trứng một quốc nạn trong tương lai gần. Đó là những ý đồ “làm ra điện bằng mọi giá”, lạm dụng ưu thế của thủy điện vô tội vạ, lấy cớ làm thủy điện để phá rừng, cướp gỗ. Và trước mắt, có thể sẽ cứu được hai dự án đang được xúc tiến bất chấp di sản ở VQG Chư Yang Sin và VQG Yok Đôn.

Dừng lại một cỗ xe có động cơ “lợi nhuận tối đa” chẳng dễ dàng gì nhưng sức mạnh của chân lý khoa học và lòng dân sẽ là hậu thuẫn vô địch cho những quyết định đúng đắn, dũng cảm, có lợi cho dân cho nước. 

Nguyễn Quang Thân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI