Một thời chân đất (nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM) là tuyển tập truyện ngắn-ký-thơ-tản văn của các cựu thanh niên xung phong (TNXP) được thực hiện để gây quỹ hỗ trợ, giúp đỡ các cựu thành viên thuộc lực lượng TNXP TPHCM có hoàn cảnh khó khăn.
Dự án là công trình tâm huyết của các thành viên từng là TNXP, trong đó phụ trách biên soạn nội dung là nhà báo Bùi Nguyễn Trường Kiên và nhà báo Đoàn Xuân Hải.
Cuốn sách vừa được phát hành đã bán hết 4.500 bản in, toàn bộ số tiền dành trao tặng 135 cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn ở 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Mỗi suất quà gồm 4,5 triệu đồng cùng một bản sách Một thời chân đất.
|
Buổi ra mắt Một thời chân đất tại TPHCM |
Chiều ngày 20/3, buổi ra mắt sách và trao quà đã diễn ra trong không khí ấm áp tại Cơ quan Lực lượng TPXP TPHCM. Nhà báo Bùi Nguyễn Trường Kiên cho biết, cuốn sách được thực hiện trong khoảng thời gian gần bốn tháng.
Sách tập hợp hơn 100 bài viết của nhà văn, nhà báo từng tham gia lực lượng TNXP: nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, các nhà thơ Hồ Thi Ca, Cao Vũ Huy Miên, nhà báo Trần Ngọc Châu, Phan Tùng Châu, nhạc sĩ Trương Quang Lục... cùng nhiều tác giả là cựu TNXP lần đầu tiên viết bài in sách.
"Đối với chúng tôi, việc thực hiện dự án Một thời chân đất không chỉ là câu chuyện làm sách, mà đây còn là tình cảm, ấn phẩm ra đời vinh danh các thế hệ TNXP một thời của thành phố. Rất nhiều người đã dành cả cuộc đời cống hiến cho Tổ quốc, cho xã hội. Và vẫn còn đó những hoàn cảnh khó khăn cần được chung tay giúp đỡ, hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần" - bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM chia sẻ.
|
Dự án gây quỹ hỗ trợ các cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn |
Cựu TNXP Hoàng Thị Diễm Trang, nguyên Phó chỉ huy trưởng lực lượng TNXP, người đã có 36 năm gắn bó với lực lượng TNXP TPHCM chọn hai bài Thư viết gửi mẹ và Thư viết cho ba in trong cuốn sách.
"Đó là những tâm tình chân thật của một thời thiếu nữ lý tưởng, lãng mạn. Giờ được đọc cùng một lúc những chia sẻ, tâm tư của đồng đội một thời, tôi thấy Một thời chân đất như cả khung trời kỷ niệm của tuổi trẻ TNXP, trong đó có cả "hoa" và "máu". Cuốn sách như một bức tranh thật nhiều gam màu, nhưng nổi bật trên hết vẫn là gam màu tươi tắn. Ủng hộ cuốn sách cũng là chia sẻ cùng đồng đội còn cơ cực, khó khăn. Ý nghĩa đó làm tôi xúc động và trân trọng" - chị Diễm Trang chia sẻ.
45 năm trước, vào ngày 28/3/1976, từ sân vận động Thống Nhất, hàng vạn thanh niên đã "tạm biệt mái trường, tạm biệt phố phường" lên rừng xuống biển. Một thế hệ tuổi trẻ lý tưởng, dấn thân, cống hiến, vượt qua mọi gian khó vất vả để cùng nhau dựng xây đất nước.
Nhà báo Bùi Nguyễn Trường Kiên gửi đôi lời tâm sự trên bìa bốn cuốn sách: "Một thời chân đất - để những người còn sống hôm nay cùng ngậm ngùi với những mất mát mà không có gì bù đắp được. Những TNXP đã vĩnh viễn nằm xuống ở hiện trường, ở chiến trường và cả những góc đời sau đó - khi đã giã từ màu áo xanh trở về với đời thường".
|
8 thành viên thực hiện dự án sách cũng là cựu TNXP |
Cựu TNXP Nguyễn Kim Tuyến, từng là đội phó Kế hoạch C376 và C301 Nông trường Nhị Xuân kể một hồi ức xúc động về liệt sĩ Tăng Hiếu Trọng, hy sinh vào đêm 9/8/1977 trên hiện trường khai hoang vì bom đạn, trái nổ vẫn còn sót đâu đó trên những hố bom.
"Khi người ta sống cùng nhau trong gian khổ, cận kề giữa sống và chết thì ký ức ấy, tinh thần ấy, tình thương yêu gắn kết ấy mãi hằn sâu trong trái tim mỗi người" - nhà báo Bùi Nguyễn Trường Kiên bùi ngùi.
Những trang viết trong tuyển tập Một thời chân đất có những ký ức rộn rã nói cười, nhưng cũng có những khoảnh khắc lặng mà những người già tóc bạc hôm nay cùng hồi tưởng lại. Một thời chân đi trên mặt đất khô cháy, nứt nẻ; qua những vùng tan hoang bởi chiến tranh, đến những nơi xa xôi hẻo lánh nhất của Tổ quốc để cùng nhau xây dựng đất nước, phục hồi vết thương chiến tranh.
Gần nửa thế kỷ sau họ còn lại cùng nhau với câu nói này: "Một thời là đồng đội, cho chúng ta mãi mãi tình thân".
|
Nhạc sĩ Trương Quang Lục sáng tác ca khúc Lời tỏ tình trên đảo Ông Đen cũng là dành tặng cho lực lượng TNXP thuở ấy |
"Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể quên những ngày cuốc đất, đào kinh mệt nhoài nhưng sau đó lại thấy dường như mình khỏe hơn trước đó. Những bữa cơm trưa là bột mì "nắm" được chị nuôi mang ra phát ngay tại nơi lao động với cục mắm ruốc mặn chát mà ăn ngốn ngấu như sơn hào hải vị. Những đêm có trăng kéo nhau ra cuốc đất để tăng năng suất, cây guitar gỗ dán băng keo tùm lum vẫn đệm tưng bừng cho buổi sinh hoạt..." - chị Lâm Minh Trang, cựu TNXP, cựu giáo viên trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (Gò Vấp) hồi tưởng.
Rất nhiều người trong lực lượng TNXP ngày ấy nay đã trở thành những người cầm bút, nhưng cũng có người từ giã màu áo xanh trở về với cuộc đời thầm lặng, cơ cực. Một thời chân đất mang họ trở lại trên trang viết cùng ký ức sáng bừng về thời thanh xuân sôi nổi, để được ngồi lại bên nhau khi những mái đầu đã "bạc trắng sương mai"...
Lục Diệp