Trong một bài viết, một bác lớn tuổi kể rằng trước năm 1945, ngang ga xe lửa Sài Gòn có một tiệm sách cũ khá độc đáo của một ông người Hoa. Đặc biệt là khi mua hoặc bán sách, ông đều định giá theo ký lô. Sách lựa xong, đưa cho ông xem để tính tiền. Dẫu là sách có giá trị cao nhưng không nặng ký, ông vẫn bán giá rẻ mạt. Hầu hết sách bằng tiếng Pháp. Sách tiếng Việt cho thanh thiếu niên vào thời trước thường rất ít, chỉ có loại Sách Hồng, phỏng theo loại Livres Roses của Pháp. Học trò thường đến tiệm ông mua sách để đọc và học, nhất là học sinh các tỉnh vừa đậu vào trường Petrus Ký.
Cách bán của ông người Hoa kể trên chính là cơ hội cho người đói sách mà ít tiền. Với chút tiền trong túi và nhiều thời gian lục lọi, đó là cơ may có sách hay giá rẻ để đọc. ***
Học trò thường “coi cọp” ở nhà sách Khai Trí. Dù các cô nhân viên bán hàng biết hết mánh nhưng luôn làm lơ một cách tế nhị
Tiệm cho thuê sách cũng là cơ hội cho người đói sách. Qua lời kể của bác Phú nay đã 86 tuổi, có thể xác định sự xuất hiện của các tiệm cho thuê mướn sách ở Sài Gòn là khá sớm. Sau năm 1945, gia đình bác Phú mở tiệm chụp hình nhỏ ở số 2 đường Lacotte (nay là Phạm Hồng Thái) đối diện cửa ga xe lửa Sài Gòn, tức là đối diện tiệm mua bán sách kể trên. Cạnh nhà có tiệm cho thuê sách, bất cứ sách dày mỏng đều cho thuê đồng giá 3 đồng/tuần. Vì mê đọc sách, cứ tối khuya chú bé Phú trèo lên 2 cái đòn tay gần mái nhà, nằm lọt vào giữa, giơ quyển truyện hứng ánh sáng đèn đường xuyên qua khe mái để đọc. Sau đó, Phú thương lượng với tiệm xin thuê sách truyện với giá 1 đồng/ngày vì muốn đổi sách cho nhanh. Tất nhiên chủ tiệm bằng lòng ngay vì có lợi hơn. Từ đó, có bao nhiêu tiền, Phú đều "nộp" hết cho tiệm thuê sách và thường với những cuốn truyện dày, Phú chỉ ngốn 1 ngày đêm là đem đổi sách truyện mới. Nhờ vậy, sau này dù là kỹ sư cầu đường, Phú viết văn rất trôi chảy, chưa kể học được bao nhiêu điều hay từ sách. *** Thèm đọc sách, đọc báo là tình trạng của nhiều người cách nay vài chục năm trước. Với nhà bình dân đông con, lo cho con ăn học hằng ngày là sấp mặt rồi, tiền đâu mà mua sách báo. Tôi nhớ anh tôi ghiền đọc đến độ phải canh đúng ngày thứ Năm, buổi nào không phải đến lớp, cùng vài người bạn đi xe buýt ra đường Lê Lợi. Từ bến xe, mấy anh đến Thư viện Abraham Lincoln ngay chỗ khách sạn Rex hiện nay để lấy Tạp chí Thế giới tự do. Ở đó, tạp chí này được đặt gần cửa ra vào cho mọi người thoải mái mang về đọc miễn phí. Đọc chán, lấy tờ giữa và tờ bìa in màu giấy láng để bọc sách, những trang đôi còn lại dùng bọc tập vở. Có lúc gặp số đặc biệt ra năm 1968, tờ giữa gộp từ 4 tờ, phải kéo dài ra, bọc được 2 cuốn sách. Lúc rảnh thì đọc lại các bài viết trên trang giấy đến thuộc lòng. Nhà nào có báo này còn tận dụng loại giấy dày và dai của nó để cuốn thành bức sáo treo màn cửa rất vui mắt.
Anh Cửu - một dịch giả cũng là một giáo viên dạy trường Quốc tế - kể với tôi: hồi trước năm 1975, những cuốn sách quý từ nước ngoài gửi về có giá khá cao so với giá sinh hoạt. Có lần, anh thấy cuốn sách giá 2.000 đồng, trong khi học bổng anh đang học trường Quốc gia Hành chánh là 3.000 đồng. Có 2.000 đồng ở Sài Gòn thì có thể mua những gì? Anh nhớ là số tiền đó, trích ra 500 đồng thì đủ mua vé xem 1 bộ phim hay ở rạp Mini Rex (lúc đó, rạp Mini Rex mới sửa chữa lại rất đẹp, chỉ có 500 khán giả nên chỗ ngồi thoải mái); sau đó vào cafeteria giải khát (dù là loại quán cà phê tự phục vụ nhưng vẫn có người phục vụ tận nơi); xong, qua quán Bà Cả Đọi ăn cơm. Thế mới hết 2.000 đồng. Giá sách như vậy, khi có sách hay thường không sẵn tiền mua. Dù sao, anh vẫn thường xuyên la cà ở nhà sách Khai Trí để “coi cọp” sách khi không có tiền.
Ở chợ sách Đặng Thị Nhu, có khá nhiều chủ sạp là những người “chơi sách”, nhà giáo, sinh viên, công chức…
Các cô nhân viên bán hàng biết hết mánh của mấy anh học trò nhưng làm lơ một cách vô cùng lịch sự và tế nhị. Anh mê khu sách ngoại ngữ nằm ở cuối tầng trệt, đa phần là tiếng Pháp, giá cả sờ vào sẽ “phỏng tay”. Thời sinh viên nghèo khó, mọi thứ khi cần mua phải chạy đôn chạy đáo vay tiền. Khi đủ tiền mua sách, quay lại Khai Trí thì sách đã bay vào tay ai mất rồi! Nếu muốn “coi cọp” các tạp chí nổi tiếng đương đại như Paris Match, Salut les Copains… thì đến Librairie Xuân Thu, gần khu Passée Eden, có điều coi cọp ở đây hơi… mắc cỡ vì vắng khách. *** Mua sách cũ từng là cơ hội của người đọc sách có túi tiền còm. Các cuộc biến động về chính trị xã hội khiến bao người xất bất xang bang có khi cũng là cơ hội cho dân “mọt sách” mua sách giá rẻ. Ba tôi kể năm 1954, ra chợ Đũi phía đường Verdun (nay là Cách Mạng Tháng Tám) mua sách tiếng Pháp rẻ bèo vì dân Tây hay dân quốc tịch Tây bỏ sách lại để về Pháp. Ở Sài Gòn, sách quý từ các thư viện gia đình nhà giàu tuồn ra bán dọc lề đường Tự Do, sách xoàng hơn bán ở ngã tư Lê Lợi - Pasteur nhưng giá vẫn cao vì chẳng mấy ai còn tiền ở giai đoạn này. Những người bán đựng sách trong một thùng giấy các tông, đổ sách ra tấm bạt vừa bán vừa ngó dáo dác, chuẩn bị tóm gọn đồ hàng để chạy nên giá cả lên xuống thất thường.
Khi việc buôn bán ở chợ sách cũ Đặng Thị Nhu ổn định, giá sách lại cao như cũ. Tội nghiệp dân Sài Gòn lúc đó, bụng thì đói mà vẫn mê sách, đôi khi thơ thẩn ra xem sách, đọc ké một chút. May mắn quen anh hay chị bán hàng thì đọc ké lâu hơn. Anh Cửu kể sau 1975, niềm say mê sách quý vẫn đeo đuổi anh. Anh mua một cuốn Larousse giá tương đương 2 chỉ vàng, rất cao trong lúc cuộc sống đang rất khó khăn, 1 căn nhà trong hẻm cũng chỉ từ 4 đến 6 lượng vàng. Anh cũng mua được quyển Petit Larousse với giá 1 chỉ vàng lúc đó và quyển Micro Robert - Dictionnaire du Français Primordial, giá cũng rất cao.
Sau năm 1975, một bài báo trên Báo Tuổi Trẻ số 41, ra ngày 12/10/1979 kể khá chi tiết: Trên đường Lê Lợi sau 1975, sách được bày bán trên vỉa hè. Trong đó, có truyện gián điệp Z.28, thuyết lý siêu hình của Nguyễn Mạnh Côn, các bộ báo Tuổi Ngọc, tiểu thuyết của Lệ Hằng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, sách coi chỉ tay của Huỳnh Liên. Sách chưởng như Anh hùng xạ điêu, đặt thế chân 40 đồng, mỗi ngày trả 2 đồng. Trên đường Đặng Thị Nhu, giáp Huỳnh Thúc Kháng và Calmette, có 103 gian hàng chính thức có đăng ký hành nghề, là nơi buôn bán chính thức các loại sách từ 7g sáng cho đến chạng vạng tối. Tự điển Larousse dày cộm, sách Pháp, Mỹ, Đức, Trung Quốc, Liên Xô có đủ. Có cả Tạp chí Salut les Copains, truyện tranh Lucky Luke. Có cuốn Mặt trời không bao giờ có thực, Hố thẳm tư tưởng của Phạm Công Thiện, Tự do đầu tiên và cuối cùng của Krishnamutti, Làm thế nào để giết một tổng thống, Tạp chí Văn, sách y học và tâm lý… xen lẫn sách của các nhà xuất bản nhà nước.
Có treo bảng “Mua sách đến tận nhà”. Tuy là bài báo phê phán, dân mọt sách Sài Gòn cầm lên đọc lại thấy dâng lên ham muốn ra “hốt” ngay những cuốn sách mà lâu nay họ thèm nhưng không dám đụng tới khi chúng còn trên kệ sách với giá cao, nay ra vỉa hè hy vọng rẻ hơn, mà dù có rẻ hơn thì túi tiền cũng đã còm cõi đi nhiều.
Thời buổi khó khăn đã qua. Sách xuất bản nhanh, nhập về ồ ạt, nhiều cuốn hay và giá trị bán ê hề trong nhà sách, trên mạng, giá không cao so với sinh hoạt chung. Dân “mọt sách” mỗi lần đi mua sách có thể tha về cả chục cuốn. Lạ một điều là sách rất nhiều nhưng tổng thời gian đọc trong ngày, trong tháng, trong năm lại không nhiều như ngày xưa, thời còn cắc củm dành tiền mua cho được cuốn sách hay, chạy vạy mượn sách hay đi thuê sách. Nghịch lý là vậy!